Dấu ấn giao thương của nhân loại

25-08-2013 01:00 | Quốc tế
google news

Từ khi nào con người có nhu cầu chu du thế giới để tìm kiếm, khai mở những vùng đất mới? Những trục lộ chiến lược đã được hình thành ra sao và đã tác động như thế nào đối với đời sống kinh tế của nhân loại ?

Từ khi nào con người có nhu cầu chu du thế giới để tìm kiếm, khai mở những vùng đất mới? Những trục lộ chiến lược đã được hình thành ra sao và đã tác động như thế nào đối với đời sống kinh tế của nhân loại ?

Hiện tượng toàn cầu hóa ngày nay bắt nguồn từ những con đường giao thương được hình thành từ trước Công nguyên. Các nhà thám hiểm, những nhà truyền giáo và sứ giả như Trương Khiên đời nhà Hán, Marco Polo, Jacques Cartier, Vasco de Gama là những người mở đường. Ban đầu bằng đường thủy, đường bộ rồi đến đường hàng không và gần đây nhất là mạng xa lộ thông tin, hàng hóa sản xuất ở bất cứ nơi nào trên thế giới ngày càng nhanh chóng đến tay người tiêu dùng.
Dấu ấn giao thương của nhân loại 1
 Nhờ có kênh đào Panama mà Hoa Kỳ đã củng cố vị trí siêu cường kinh tế của mình.

Châu Âu mới chỉ bắt đầu thám hiểm bằng đường thủy kể từ cuối thế kỷ thứ XIII. Vào thời điểm đó, giới thượng lưu ở châu Âu bắt đầu khám phá ra chất ngọt của đường và tương tự như các loại gia vị khác. Người ta phải đổi vàng để mua đường. Đây là động cơ thúc đẩy nhiều nhà thám hiểm tìm đến những vùng đất xa xôi. Bước sang thế kỷ XV, châu Âu tìm đường sang châu Á, nhưng muốn tránh băng qua Trung Đông đang được đặt dưới sự kiểm soát của đế chế Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng lúc, Trung Quốc bắt đầu hướng ra đại dương để mở rộng giao thương.

Gần với chúng ta hơn, kênh đào Panama được khánh thành vào năm 1914 là nhịp cầu nối liền Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Với chiều dài 82km, trong một thế kỷ qua đã có hơn 1 triệu con tàu phải đi ngang qua đây. Hàng năm có tới 5% các luồng trao đổi mậu dịch của thế giới được chuyển ngang qua nơi này.

Cũng chính nhờ có kênh đào Panama mà Hoa Kỳ đã củng cố vị trí siêu cường kinh tế và thương mại của mình trên thế giới. Cách đây gần 100 năm, nước Mỹ đã chi 350 triệu USD - tương đương 8 tỷ USD hiện tại để thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở vĩ đại nhất trong lịch sử của Hoa Kỳ kể từ ngày lập quốc.

Nỗ lực đó đã đem lại những thành quả kinh tế và thương mại ngoài sức chờ đợi. Vào thời điểm năm 1916, tức 2 năm sau khi đi vào hoạt động, với kênh Panama, một chiếc tàu chở hàng nối liền New York với San Francisco chỉ mất 22 ngày, thay vì phải mất 55 ngày mới tới đích.

Trong bối cảnh sau Thế chiến thứ Nhất, cộng với con kênh Panama, Hoa Kỳ đã tước đoạt vị trí cường quốc kinh tế số 1 thế giới từ tay châu Âu. Ngày nay, kênh đào Panama chủ yếu vẫn phục vụ quyền lợi của Mỹ trước tất cả các đối tác thương mại khác như Trung Quốc hay Nhật Bản, Chilê. 19% hàng hóa châu Á được chuyển vào Hoa Kỳ đi qua ngả này.

Một cột mốc quan trọng khác trong lịch sử giao thương của nhân loại là sự hình thành và phát triển của ngành bưu điện hàng không vào đầu thế kỷ XX. Những tên tuổi như Jean Mermoz, Saint Exupéry được xem là những huyền thoại: Năm 1930, Jean Mermoz phục vụ trong ngành bưu điện đã thực hiện phi vụ đầu tiên nối liền thành phố Saint Louis của Sénégal với Natal, một thành phố ven biển ở miền Đông Bắc Brazil, băng qua 3.200km trong 20 giờ bay. Lại cũng Mermoz đã thực hiện chuyến bay Paris Buenos Aires trước khi mất tích vào ngày 7/12/1936.

Về phần Saint-Exupéry, ông đã cùng hai bạn đồng đội là Guillaumet và Mermoz thực hiện các chuyến bay qua Nam Mỹ để thiết lập các đường hàng không mới nối liền châu Âu với châu Mỹ Latinh.

Theo một công trình nghiên cứu gần đây của hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu Ðức Euler Hermes, chỉ 2 năm nữa, châu Á sẽ hút thêm 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ ngày càng lớn của châu lục này đặc biệt thúc đẩy các lĩnh vực như ngành công nghệ hóa học, nhựa, phân bón, dược phẩm, linh kiện và trang thiết bị điện tử. Cụ thể, đến năm 2015, 14 trên tổng số 20 quốc gia nhập trang thiết bị máy vi tính hàng đầu của thế giới là các nước châu Á. Việt Nam là một trong số 14 quốc gia đó. Tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới trong hai lĩnh vực vi tính và linh kiện điện tử lên tới 96 tỷ USD. Trong đó, 94 tỷ là để đáp ứng nhu cầu của các nền kinh tế đang trỗi dậy, mà hầu hết đều là các nước châu Á. Nhìn đến ngành công nghiệp nhựa thì Việt Nam cũng là một trong số 20 quốc gia nhập khẩu hàng đầu. Nhu cầu nhập phân bón của châu Á cũng sẽ tăng mạnh trong 2 năm tới, đặc biệt từ các nước như Ấn Ðộ, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan, Philippines hay Indonesia.

             Lê Sơn

 (Theo Bloombergs)


Ý kiến của bạn