1 trong 10 sự kiện khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2023 được bình chọn chiều nay (25/12) có tên "Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng Châu Á (các công trình do Bệnh viện Chợ Rẫy - Thành phố Hồ Chí Minh và bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức - Hà Nội thực hiện)".
Năm 2023, cả nước đã có thêm nhiều ca ghép tạng thành công trong đó có các ca được đánh giá là lịch sử, đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm sáng về ghép tạng của khu vực Đông Nam Á, châu Á.
Ghép đa tạng tim - thận: Ngày 15/2, tập thể thầy thuốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức đã thực hiện ca ghép đa tạng gồm tim và thận cho một bệnh nhân bị mắc suy tim - thận giai đoạn cuối, từ một người hiến đa tạng chết não. Bệnh nhân là T.T.Q (37 tuổi ở Tây Nguyên) bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim, rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối. Ca ghép kéo dài 10 tiếng đồng hồ, từ 9 giờ tới 19 giờ cùng ngày. Sau 8 ngày, các chức năng của tim và thận của bệnh nhân đã phục hồi gần như bình thường. Bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Đây là ca ghép đồng thời tim, thận thành công đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, đã có 3 ca được ghép đa tạng thành công ở các trung tâm khác, nhưng là các ca ghép gan, thận; tụy, thận.
Ca ghép tạng xuyên Việt: Ngày 26/2, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) và Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức (Hà Nội) đã có sự phối hợp về ghép tạng xuyên Việt. Trước đó, ngày 24-2, bệnh nhân M. (sinh năm 1988, ở An Giang) bị bạo bệnh, sắp rơi vào tình trạng chết não, gia đình đã quyết định thực hiện di nguyện hiến tặng các tạng còn chức năng hoạt động của anh M. Trung tâm Điều phối quốc gia đã điều phối tim đến Bệnh viện Việt - Đức, nhân sự của Bệnh viện Chợ Rẫy lên chuyến bay, mang mẫu máu của người hiến ra Hà Nội để thực hiện phản ứng chéo.
Nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức cũng lên máy bay vào TPHCM để tiếp nhận và vận chuyển "trái tim" về Hà Nội. Đến 4 giờ sáng ngày 26/2, nhóm ghép tạng của Bệnh viện Việt - Đức đã rời Khoa Phẫu thuật Gây mê Hồi sức Bệnh viện Chợ Rẫy vận chuyển "quả tim" của người hiến ra sân bay về Hà Nội. Tại Bệnh viện Việt - Đức, với sự tham gia của hơn 40 y, bác sĩ thuộc nhiều đơn vị, sau ca ghép 8 giờ, "trái tim" của người hiến đã đập trong lồng ngực người nhận. Sau ghép, bệnh nhân nhận tim ổn định đã được đưa đến phòng Hồi sức và tiếp tục theo dõi. Đây là thành tựu y học vượt trội của Việt Nam được bình chọn là sự kiện khoa học công nghệ nổi bật năm 2023.
Danh sách 10 sự kiện khoa học công nghệ được bình chọn gồm:
Lĩnh vực cơ chế chính sách
1. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành nghị quyết số 45-/NQTW về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới;
2. Chính thức bàn giao Khu Công nghệ cao Hòa Lạc từ Bộ KH&CN về UBND TP Hà Nội. Trải qua quá trình 25 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Khu CNC Hòa Lạc đã thu hút được 111 dự án đầu tư (bao gồm 96 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 111.500 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đã nghiên cứu, chuyển giao, làm chủ và phát triển các CNC thuộc 55 nhóm CNC, 31 nhóm sản phẩm CNC thuộc Danh mục CNC được ưu tiên đầu tư phát triển và sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển.
Lĩnh vực khoa học tự nhiên
3. Viện Công nghệ thông tin -Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam xây dựng thành công: "Hệ thống dịch văn bản đa ngữ giữa tiếng Việt với các ngôn ngữ của khu vực: tiếng Lào, tiếng Khmer, tiếng Thái Lan, tiếng Malaysia và tiếng Indonesia.
Hệ thống dịch máy có thể dễ dàng mở rộng sang các ngôn ngữ đích mới bao gồm các ngôn ngữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam (thường là rất nghèo tài nguyên dữ liệu) như tiếng Mường, tiếng Thái,… và cả các ngôn ngữ nước ngoài phổ biến như tiếng Trung, tiếng Pháp, tiếng Nga khi cần. Đặc biệt, hệ thống có khả năng tinh chỉnh để thích ứng với các miền ngôn ngữ chuyên sâu như y tế, luật…
Lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn
4. Công bố "Nghiên cứu giải mã và phục dựng hình ảnh 3D thành công kiến trúc cung điện Kính Thiên thời Lê Sơ" của Viện Nghiên cứu Kinh Thành (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam)
Kết quả nghiên cứu này đã đóng góp quan trọng và thiết thực trong việc quảng bá hình ảnh di sản Hoàng thành Thăng Long, giúp hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ và kỳ bí của kiến trúc điện Kinh Thiên thời Lê sơ trong Hoàng cung Thăng Long xưa, mang lại niềm tự hào về tài năng và trí tuệ sáng tạo của cha ông, góp phần làm sáng rõ và sâu sắc hơn giá trị nổi bật toàn cầu của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.
Lĩnh vực khoa học ứng dụng
5. Viện Kỹ thuật nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ công nghệ sơn phản xạ nhiệt mặt trời dùng vật liệu nano tự sản xuất trong nước.
Với cấu trúc bao gồm các hạt nano phản xạ nhiệt cao phân tán xen kẽ giữa các hạt micro tạo nên cấu trúc chặt khít trong nền polyme trong suốt, lớp phủ có độ phản xạ trong vùng hồng ngoại gần cao, do đó khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm từ 10 đến 19 độ C và nhiệt độ trong bể khoảng từ 8 đến 15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Ngoài ra, độ bền thời tiết của sơn nano cao hơn 1500 giờ thử nghiệm gia tốc thời tiết.
6. Ghép tạng Việt Nam ghi dấu ấn trở thành điểm sáng ghép tạng Châu Á (các công trình do Bệnh viện Chợ Rẫy ở Thành phố Hồ Chí Minh và bệnh viện Hữu nghị Việt – Đức ở Hà Nội thực hiện)
7. Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIST) hoàn thành nghiên cứu công nghệ phát triển kỹ lọc nước mặn và phèn quy mô cụm dân cư tại đồng bằng sông Cửu Long (hiện được áp dụng hiệu quả ở Bến Tre và một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long).
8. Tập đoàn Viettel triển khai thành công trên mạng lưới khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G sử dụng chipset ASIC của Qualccom theo tiêu chuẩn Open RAN đầu tiên trên thế giới.
Lĩnh vực tôn vinh nhà khoa học
9. Website Research.com, cổng thông tin điện tử uy tín dành cho các nhà khoa hoa học thế giới công bố tên 5 nhà khoa học Việt Nam vào bảng xếp hạng ngôi sao khoa học đang lên năm 2023.
Lĩnh vực hợp tác quốc tế
10. Khánh thành cơ sở hoạt động mới của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC-thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nâng tầm và thúc đẩy hợp tác quốc tế về hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam trong năm 2023.
Hàng năm, Câu lạc bộ Nhà báo Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức bình chọn 10 sự kiện KHCN nổi bật trong năm thuộc các lĩnh vực cơ chế chính sách, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học ứng dụng, tôn vinh nhà khoa học và hợp tác quốc tế. Ngày 25/12/2023 là lần thứ 18 sự kiện được tổ chức với sự tham gia bình chọn của các nhà báo viết về lĩnh vực khoa học và công nghệ, các cơ quan truyền thông đại chúng của trung ương và địa phương. Bên cạnh đó còn có sự đánh giá của các nhà quản lý, nhà khoa học uy tín.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sở GTVT Hà Nội bác bỏ thông tin tuyến buýt nhanh BRT sắp bị khai tử | SKĐS