Hà Nội

Dấu ấn di truyền và bệnh lý tim mạch

01-04-2015 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Việc hoàn tất “Đề án nghiên cứu về gen trên người” đã tạo nên một cơ hội mới cho các nhà khoa học trong việc phát hiện ra các bệnh nhân...

Việc hoàn tất “Đề án nghiên cứu về gen trên người” đã tạo nên một cơ hội mới cho các nhà khoa học trong việc phát hiện ra các bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh cao và cải thiện việc chăm sóc sức khỏe cho con người thông qua việc sử dụng các kỹ thuật công nghệ tích hợp gen.

Đốt điện sinh lý điều trị ngoại tâm thu.

Các biến thể gen giúp chẩn đoán bệnh

Từ lâu nay, thực tế đã chứng minh một số bệnh lý tim mạch hay gặp trong các gia đình có cùng yếu tố di truyền và yếu tố môi trường. Các nghiên cứu di truyền trên các cặp sinh đôi và trong các phả hệ đặc trưng cao đã cho thấy phần di truyền có vai trò lớn trong nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Rõ ràng là yếu tố di truyền có ảnh hưởng đến các tính trạng định lượng như nồng độ LDL-C, HDL-C máu, huyết áp, tổ chức mỡ của cơ thể, khối lượng cơ thất trái. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi cơ sở gây bệnh của một số bệnh lý tim mạch phức tạp (ví dụ như bệnh xơ vữa động mạch) là do sự tương tác của nhiều gen cùng với sự tương tác giữa gen và môi trường.

Các nhà khoa học đã quan tâm hơn đến việc cần phải làm sáng tỏ ảnh hưởng của gen trong các bệnh lý có đa yếu tố nguy cơ mà người thầy thuốc hay gặp trong thực hành hàng ngày. Họ đang cố gắng tìm ra các biến thể gen có thể dùng để phát hiện bệnh.

Có nên xét vai trò của các biến thể gen?

Hiện nay xác định dấu ấn di truyền là một trong những hướng đi chính trong nghiên cứu các bệnh tim mạch. Một trong những dấu ấn di truyền liên quan đến các bệnh tim mạch được đề cập nhiều nhất trong các nghiên cứu đang tiến hành trên thế giới là tính đa hình đơn nucleotid (SNPs), cơ sở phân loại gen (genotype).

Thách thức khó khăn hiện nay của chúng ta là xác định xem các biến thể gen đã được khám phá liệu có lợi ích tăng thêm cùng với các đánh giá truyền thống của các thầy thuốc (đánh giá tiền sử bệnh nhân, việc áp dụng các yếu tố nguy cơ đã được chuẩn hóa như chỉ số nguy cơ Framingham trong việc phát hiện những cá thể có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch cũng như là các cá thể chắc chắn sẽ có đáp ứng tốt với điều trị). Bên cạnh vai trò trong chẩn đoán phát hiện bệnh, người ta cũng xem xét vai trò của các biến thể gen trong điều trị và tiên lượng bệnh. Ví dụ điển hình là các biến đổi của gen fibrinogen beta và gen thrombomodulin có thể gây rối loạn đông máu trong nhồi máu cơ tim cấp; đột biến gen MYH7 trong bệnh cơ tim phì đại có thể giúp chẩn đoán bệnh và tiên lượng đột tử; đột biến gen SCN5A trong hội chứng Brugada; một số đột biến gen có liên quan tới chuyển hóa của một số thuốc như thuốc kháng đông warfarin, các statin, clopidogrel: đột biến gen mã hóa men CYP2C19 chuyển hóa thuốc chống ngưng tập tiểu cầu sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nếu bệnh nhân có đột biến gen CYP2C19 thì bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu loại không chuyển hóa qua men CYP 450. Một ứng dụng khác có thể là trị liệu gen trong bệnh lý thiếu máu cục bộ, trị liệu gen nhằm kích thích sự phát triển vi mạch (các mạch máu nhỏ) có thể có hiệu quả ở các bệnh lý này.

Thực vậy, trong khi các thủ thuật tái tưới máu trực tiếp bằng cầu nối hoặc bằng cách lấy bỏ khối gây tắc mạch ở các động mạch lớn thì sự phát triển giường mạch máu nhỏ có thể làm cho tuần hoàn bàng hệ ở vùng thượng lưu lớn mạnh, nhờ áp lực xé tăng lên và sự truyền tín hiệu phản hồi dọc theo các thành mạch máu, đã làm hồi phục dòng chảy ở hạ lưu chỗ tắc mạch bằng cách tạo ra các cầu nối sinh học. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần phải xác định một phương thức gen trị liệu thích hợp cho bệnh tim thiếu máu cục bộ (mạn tính). Phương thức này phải có khả năng kích thích tăng sinh tân mạch hiệu quả, an toàn và lâu bền.

Việc tìm ra được các dấu ấn di truyền là hướng đi đầy triển vọng cho ngành sinh y học. Những kết quả của nghiên cứu này sẽ giúp các bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh tim mạch chính xác và hiệu quả hơn rất nhiều.

PGS.TS. Trương Thanh Hương

 

 


Ý kiến của bạn