Giữa hoang tàn đổ nát sau động đất, rất nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến các "bác sĩ, y tá mặc quân phục" tham gia các đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng Việt Nam ở các khu vực bị tàn phá nặng nề trong thảm họa để khám chữa bệnh. Bởi khi tới với các bác sĩ, y tá, điều dưỡng... Việt Nam, người dân Thổ Nhĩ Kỳ được tận tình chăm sóc, cứu chữa, ân cần hỏi han, giúp đỡ, bởi các "chiến sĩ áo trắng Việt Nam" coi họ như chính người thân của mình, chăm sóc người dân Thổ Nhĩ Kỳ với tinh thần "lương y như từ mẫu". Không chỉ chăm sóc, cứu chữa, những "lương y mặc quân phục" từ Việt Nam còn xoa dịu nỗi đau, động viên tinh thần cho các nạn nhân động đất Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp thêm hy vọng cho họ trong những ngày tháng khó khăn này.
Bằng kiến thức y học và sự tận tâm, các y, bác sĩ trong đoàn cứu hộ, cứu nạn Việt Nam không chỉ chăm lo chu toàn sức khỏe để các chiến sĩ Việt Nam an toàn trở về, mà còn chủ động, tích cực hỗ trợ, kịp thời cứu chữa những người dân gặp nạn và thành viên các đội cứu trợ quốc tế. Hình ảnh những “chiến sĩ áo trắng” Việt Nam luôn khẩn trương, tất bật cứu chữa nạn nhân giữa đống đổ nát, cũng như không quản ngày đêm dốc sức hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế.
Tham gia đoàn công tác đặc biệt của Quân đội Nhân dân Việt Nam lần này có 30 cán bộ, nhân viên quân y của Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quân y 354 và Bệnh viện Quân y 105. Ngay sau khi có mặt tại Antakya, tỉnh Hatay, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong thảm họa động đất, các anh đã nhanh chóng vận dụng mọi thứ sẵn có quanh lán trại để dựng lên một bệnh viện dã chiến trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Các tổ quân y cơ động cũng được nhanh chóng bố trí, phối hợp cùng đội tìm kiếm nạn nhân và triển khai khám, cấp cứu người dân vùng bị nạn. Dù thời tiết lạnh âm độ, nhiều ngôi nhà nghiêng đổ trong khi dư chấn, nguy cơ động đất vẫn còn, các chiến sĩ quân y vẫn không quản ngại hiểm nguy, cùng đoàn cứu hộ xông pha ra hiện trường với hy vọng có thể kịp thời cứu chữa những nạn nhân gặp nạn, xem họ như chính người thân trong gia đình.
Đối với Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng, Đội phó đội Quân y, những ngày tham gia lực lượng cứu hộ, cứu nạn của đoàn công tác Quân đội Nhân dân Việt Nam tại tỉnh Hatay là một dấu ấn hết sức đặc biệt trong cuộc đời quân ngũ của ông. Chia sẻ với phóng viên TTXVN, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng nhớ lại trong quá trình công tác lần này, có nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm đến đội quân y Việt Nam để khám chữa bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân bị chấn thương phức tạp.
Có bệnh nhân bị chấn thương khớp cổ chân nghiêm trọng, hay trường hợp là thợ mỏ ở tỉnh lân cận sang hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn đã bị thương rất sâu ở ngón tay. Cả hai bệnh nhân đều được đội quân y cấp cứu kịp thời, đảm báo đúng nguyên tắc chuyên môn. Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng tâm sự đó sẽ là những kỷ niệm không thể nào quên của các chiến sĩ quân y trong đợt công tác lần này và sẽ mãi đọng lại trong tâm trí của các người lính quân y trong đoàn.
Các “chiến sĩ áo trắng” Việt Nam còn là hậu phương vững chắc cho chính những đồng đội của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Anh Phạm Ngọc Anh, hiện công tác tại bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, thành viên đội Quân y Quân đội Nhân dân Việt Nam, cho biết trong quá trình công tác, các anh đã kịp thời sơ cấp cứu kịp thời 2 chiến sĩ bị bỏng và 1 chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ.
Anh Phạm Ngọc Anh cũng tâm sự trong chuyến công tác đáng nhớ lần này, anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, vừa tiếc thương, đồng cảm, chia sẻ với những mất mát, đau thương mà người dân Thổ Nhĩ Kỳ đang phải gánh chịu, nhưng cũng có lúc vỡ òa trong hạnh phúc khi tìm thấy những nạn nhân còn sống sót hay chứng kiến các bệnh nhân bình phục sau khi được điều trị kịp thời.
Với tinh thần trách nhiệm, sự tích cực, chủ động và chuyên nghiệp trong công tác chuyên môn, nỗ lực cứu người của đội quân y Việt Nam đã các lực lượng cứu hộ quốc tế đánh giá cao, cũng như người dân địa phương cảm kích, tri ân. Đại úy Lê Trọng Nghĩa, Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần, tâm sự mỗi khi nhìn thấy đoàn Việt Nam, người dân Thổ Nhĩ Kỳ lại đặt tay lên ngực trái để tỏ lòng biết ơn những người lính Cụ Hồ không quản ngại hiểm nguy nỗ lực đóng góp công tác cứu hộ, cứu nạn tại vùng tâm chấn động đất. Những tình cảm chân thành này chính là động lực to lớn giúp các “chiến sĩ áo trắng” vững bước trên hành trình nhân đạo của mình trên đất Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham gia cùng đoàn cứu hộ, cứu nạn của Bộ Công an tại thành phố Adiyaman, cũng là một địa phương hứng chịu hậu quả nặng nề của thảm họa động đất, Đại úy, bác sĩ Nguyễn Anh Đức, hiện đang làm việc tại Bệnh viện 19-8, cũng đã chia sẻ với phóng viên TTXVN những cảm xúc bàng hoàng không thể nào quên khi chứng kiến khung cảnh thành phố đổ nát, những hình ảnh tang thương mà có lẽ chỉ thấy trong phim ảnh hay những câu chuyện.
Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý, cấp cứu chấn thương ban đầu, song bác sĩ Đức bộc bạch không khỏi sốc trước mức độ nghiêm trọng về thể chất lẫn tinh thần mà trận động đất gây ra cho người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, với nhiệt huyết của tuổi trẻ, của người bác sĩ và công an nhân dân, các đồng chí trong đội y tế đã không quản ngại khó khăn, sẵn sàng theo sát đội cứu hộ ra hiện trường để kịp thời cứu chữa các nạn nhân. Đại úy, bác sĩ Nguyễn Anh Đức tâm sự: “Chuyến đi lần này đã mang lại cho cá nhân tôi rất nhiều trải nghiệm khó quên, cũng là bài học lớn đối với tôi trong công tác chuyên môn sau này”.
Với sự nhiệt tình, chuyên môn tốt, không nề hà khó khăn, sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để hoàn thành tốt trọng trách được giao, tinh thần quả cảm, kiên cường của các “chiến sĩ áo trắng” cùng hai đoàn cứu hộ, cứu nạn Bộ Quốc phòng và Bộ Công an Việt Nam đã thực sự tỏa sáng giữa khung cảnh hoang tàn, đổ nát tại các vùng tâm chấn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ. Những kết quả của toàn đoàn nói chung, các đội ngũ y, bác sĩ tham gia công tác y tế nói riêng đã góp phần cùng cộng đồng quốc tế chung sức giúp đỡ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng khắc phục hậu quả, giảm thiểu thiệt hại của thảm họa động đất gây ra, thể hiện tinh thần đoàn kết quốc tế, truyền thống “tương thân, tương ái” của dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân hậu và sẵn sàng giúp đỡ mọi người.