Chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đã tổ chức thu gom dầu ăn đã chiên nhiều lần của các nhà hàng, dầu đọng nổi trên mặt nước ở cống rãnh, chất thải từ mỡ lợn, gà ở các lò mổ trộn với nhau, tẩy màu… và biến thành dầu ăn trông không khác các loại dầu ăn tinh chế đạt tiêu chuẩn. Loại dầu này có thể gây bệnh ung thư cho người nếu sử dụng trong một thời gian dài.
Công nghệ lọc dầu từ nước thải
Ngày 13/9/2011 Tân Hoa Xã đưa tin, 32 người đã bị bắt trong một đợt truy quét các ổ chế biến và buôn bán dầu ăn “bẩn” ở 14 tỉnh, bắt đầu từ Chiết Giang, Sơn Đông, Hà Nam. Cuộc truy quét được thực hiện sau 4 tháng âm thầm điều tra của các cơ quan chức năng và một năm sau khi báo chí Trung Quốc (TQ) lên tiếng cảnh báo về tình trạng dầu ăn “bẩn” trên thị trường. Lợi nhuận khổng lồ từ sử dụng dầu bẩn được “lọc” từ nước thải cống rãnh nhà hàng đã khiến rất nhiều người bất chấp nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
Để có dầu bẩn xuất cho các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, những ông chủ bà chủ vựa dầu phải tuyển dụng một lực lượng vớt dầu chuyên nghiệp. Những người này sẽ mang xô thùng gầu chậu tới cống, rãnh nước thải của các nhà hàng, quán ăn, quán cơm để múc lớp bọt, váng dầu lẫn cơm thừa canh cặn… đem về chế biến.
Sau khi vớt đầy các thùng, váng dầu được chuyển về tập kết ở các xưởng “lọc dầu”. Tại đây, người ta đổ những chất thải nồng nặc mùi nước cống vào những chiếc thùng phuy to để lắng cặn. Giai đoạn sơ chế, người ta để lắng, lọc bỏ những cặn bã cứng và chỉ giữ lại lớp dung dịch bầy nhầy có mùi khăm khẳm đặc trưng của nước cống. Những thùng phuy nước cống chính hãng này sẽ tiếp tục được để bồi lắng một thời gian, sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn hai - nhiệt lọc.
Những chiếc thùng phuy này đựng thứ dung dịch bầy nhầy được gọi là… dầu bán thành phẩm. Sau đó được đổ thêm nước vo gạo và cho lên bếp, đun sôi sủi bọt. Lúc này một lớp dầu vàng sậm sẽ nổi lên trên bề mặt, người ta rót sang các thùng để nguội và đóng vào can. Chỉ thêm chút ít chất phụ gia, những thùng dầu đặc quánh này sẽ trở nên trong hơn, sáng hơn gần giống với những can dầu ăn trong siêu thị. Sau khi đã đóng thành can, chúng được đem bỏ mối cho các nhà hàng, quán ăn ở khắp các ngõ ngách từ thành thị đến nông thôn với giá thành rẻ
Chế biến mỡ bẩn tại Đà Nẵng. Ảnh: TL |
Lời cảnh báo từ thị trường trong nước
Những năm gần đây, tại một số địa phương trong cả nước như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Yên, Quảng Nam, Đà Nẵng… các Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra và phát hiện nhiều cơ sở sản xuất dầu, mỡ bẩn cung cấp cho thị trường. Tại nhiều chợ ở Hà Nội, dầu ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác được bày bán tràn lan với giá rẻ hơn so với dầu của nhà máy sản xuất rất nhiều. Theo tìm hiểu, những loại dầu này có loại được nhập ở nhà máy sản xuất mì tôm, bánh kẹo lớn, sau khi dùng để chiên mì tôm, bánh kẹo... thì thanh lý ra ngoài. Có loại lại được nhập ở các nhà hàng, khách sạn lớn... sau khi họ sử dụng để chiên rán các món ăn.
Dầu lấy về được lọc qua các màng lọc rồi trưng cất lên, sau đó dùng một số chất để cho trong hơn và đỡ các tạp chất lẫn trong dầu rồi đóng vào các can lớn. Vì là dầu dùng lại nên nó mới rẻ hơn nhiều so với dầu “xịn”. Cũng vì giá rẻ nên nó chủ yếu được các nhà hàng ăn uống và các quán rán bánh nhỏ lấy dùng, vừa rẻ lại thay mỡ lợn đang đắt lên mà suốt ngày bị kêu là bẩn.
Vì là dầu dùng rồi nên nó mới có màu đậm hơn dầu ăn bình thường và do lọc, trưng cất chỉ được những cặn to, nên việc những cặn nhỏ lơ lửng là bình thường.
Sử dụng lâu dài có thể gây ung thư Khi chiên rán dầu ăn ở nhiệt độ càng cao, trên 180oC (để cho dầu bốc cháy trên chảo), số lần tái sử dụng càng nhiều thì lượng chất độc hại cho sức khỏe như andehit, chất ôxy hóa... sinh ra càng tăng. Các chất này, có chất bay hơi trong không khí, gây ô nhiễm không khí, sẽ rất độc hại nếu chúng ta hít phải. Có chất lắng lẫn vào trong dầu, ăn vào không tốt cho sức khỏe. Triệu chứng sau khi ăn phải chất độc hại trong dầu tái sử dụng có thể thấy như: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt, ăn nhiều trong thời gian dài có thể bị ung thư. Dầu nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần sẽ khiến các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu. |
Hồng Hạnh