Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh với các bệnh viện tuyến Trung ương, những năm qua, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thành nhiều chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, đến nay, bệnh viện này đã làm chủ nhiều kỹ thuật cao, kỹ thuật khó do bệnh viện hạt nhân chuyển giao.
Hàng năm có nhiều ca bệnh nặng, phức tạp được cấp cứu, điều trị thành công tại BV giúp người bệnh tiếp cận được các dịch vụ y tế chuyên sâu ngay tại tỉnh nhà, không phải chuyển tuyến trung ương, tiết kiệm chi phí điều trị, thời gian di chuyển, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp.
Tiếp nối những thành công trong nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật chuyên sâu, vừa qua, cùng với sự hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ Viện Tim mạch Quốc gia, ê kip phẫu thuật của Đơn nguyên Can thiệp tim mạch, Khoa Nội Tim mạch, BVĐK tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện thành công 2 ca can thiệp đặt stent graft cho bệnh nhân phình động mạch chủ bụng và phình động mạch chủ ngực.
Bệnh nhân được can thiệp là anh N.T.Ư. (47 tuổi, TP Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng đau ngực dữ dội, lan ra sau lưng, huyết áp tăng cao. Sau khi thăm khám và thực hiện các xét nghiệm lâm sàng, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị tụ máu thành động mạch chủ từ ngực đến bụng, đã có biến chứng tách thành động mạch, có nguy cơ vỡ.
Bệnh nhân thứ hai là T.T. Đ. (85 tuổi, huyện Nông Cống) nhập viện trong tình trạng đau bụng âm ỉ, sau thăm khám thấy khối phình động mạch chủ bụng kích thước 62x64 mm, nguy cơ vỡ và nguy hiểm đến tính mạng rất cao nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời.
Sau khi hội chẩn với các chuyên gia Viện Tim mạch Quốc gia, ê kip các bác sĩ tại Đơn nguyên Can thiệp Tim mạch BVĐK tỉnh Thanh Hóa quyết định đặt stent graft cho cả hai bệnh nhân.
Sau 1 giờ can thiệp, cả hai bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, hết các triệu chứng đau bụng, đau ngực, huyết áp ổn định, nói chuyện, ăn uống bình thường. Sau can thiệp, bệnh nhân được theo dõi chặt chẽ và tình trạng sức khỏe ổn định, cả hai bệnh nhân được ra viện.
Kỹ thuật đặt stent graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ
TS Lê Văn Cường - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Thanh Hóa cho biết: Phình động mạch chủ là bệnh lý nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao, người bệnh có thể đột tử nếu vỡ túi phình. Khi túi phình động mạch chủ vỡ vào khoang tự do (khoang phúc mạc hoặc khoang màng phổi), tỷ lệ tử vong là 100%.
Hiện nay, có 2 phương pháp điều trị bệnh lý trên đó là: phẫu thuật truyền thống và đặt stent graft. Việc áp dụng kỹ thuật đặt stent graft trong điều trị bệnh lý động mạch chủ là một bước đột phá của nền y học hiện đại giúp rút ngắn thời gian can thiệp và điều trị, mang lại hiệu quả vượt trội.
So với phương pháp phẫu thuật truyền thống, kỹ thuật đặt stent graft vào động mạch chủ là kỹ thuật ít xâm lấn, thời gian thực hiện kỹ thuật ngắn (chưa đến 1 giờ), giảm đau đớn, chỉ 2-3 ngày sau can thiệp bệnh nhân đã có thể xuất viện.
Phương pháp này đặc biệt hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi và có nhiều yếu tố nguy cơ. Người có các yếu tố nguy cơ như bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, hút thuốc lá, rối loạn lipit máu, béo phì... nam giới trên 55 tuổi, nữ giới trên 60 tuổi, gia đình có người bị bệnh tim mạch cần thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện sớm bệnh lý và điều trị kịp thời.