Hà Nội

Đặt stent điều trị hẹp niệu đạo, niệu quản tái phát

27-11-2019 10:25 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Ngày 18/01/2018, các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện TWQĐ 108 đã tiến hành đặt stent để điều trị cho 2 bệnh nhân bị hẹp niệu đạo và hẹp niệu quản, bước đầu đã cho kết quả tốt.

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhân N.A.H, 70 tuổi, mổ nội soi cắt tiền liệt tuyến tháng 11/2017. Sau mổ, bệnh nhân có biến chứng hẹp niệu đạo màng, tiến hành mổ xẻ niệu đạo tháng 12/2017 và nong niệu đạo định kỳ sau đó, nhưng bệnh nhân vẫn đái khó, tia tiểu nhỏ. Bệnh nhân đã được đặt stent niệu đạo BUS R80. Sau phẫu thuật, bệnh nhân tiểu dễ, tia tiểu to.

1: Chỗ hẹp niệu đạo; 2: stent trong niệu đạo.

1: Chỗ hẹp niệu đạo; 2: stent trong niệu đạo.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân P.V.K, 44 tuổi, mổ nội soi tán sỏi niệu quản trái 2 lần năm 2016, 1 lần năm 2017. Tháng 6/2017, bệnh nhân được chẩn đoán xác định hẹp niệu quản và mổ tạo hình niệu quản, sau mổ niệu quản vẫn hẹp, bệnh nhân đau tức thắt lưng trái, thỉnh thoảng có đợt viêm bể thận trái và phải đặt lưu stent JJ thường xuyên. Ngày 18/01/2018, bệnh nhân đã được đặt stent URS-O-R-10-120, phẫu thuật thuận lợi, stent ở vị trí tốt. Sau 4 ngày, bệnh nhân hết đau, stent ở vị trí mong muốn.

Theo các bác sĩ, hẹp niệu đạo là tổn thương tương đối phổ biến và là một thách thức điều trị đối với các nhà ngoại khoa tiết niệu. Niệu đạo là một phần quan trọng của đường tiết niệu, đảm nhận nhiệm vụ chính là đưa nước tiểu ra ngoài cơ thể ở cả 2 giới. Riêng với nam giới, niệu đạo có vai trò quan trọng trong việc xuất tinh từ đường sinh dục. Ở nam giới, hẹp niệu đạo có thể xảy ra từ cổ bàng quang đến đầu dương vật. Nguyên nhân của hẹp niệu đạo có thể do di chứng của chấn thương, viêm nhiễm, sau điều trị hoặc do bẩm sinh. Một số dấu hiệu nhận biết bệnh này là cảm giác tiểu khó, dòng chảy chậm, lượng nước tiểu giảm, có máu trong nước tiểu, đau bụng dưới, tiết dịch niệu đạo, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Bệnh nhân không thể đi vệ sinh như bình thường mà phải được đặt một ống thông trên xương mu để đưa nước tiểu từ bàng quang ra ngoài. Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ cần khám lâm sàng, chụp hình niệu đạo bằng Xquang hoặc siêu âm, soi niệu đạo.

Điều trị phổ biến hiện nay tại Việt Nam là nong niệu đạo, phẫu thuật xẻ niệu đạo và phẫu thuật tạo hình niệu đạo. Các phương pháp này đều có nhược điểm là tỉ lệ tái phát cao, tới 50-60% theo một số nghiên cứu. Để phòng ngừa căn bệnh này, các chuyên gia cho rằng điều quan trọng nhất là phòng tránh tổn thương niệu đạo và xương chậu. Nếu bệnh nhân tự thông tiểu thì nên dùng chất bôi trơn và sử dụng ống thông nhỏ nhất để tránh làm tổn thương niệu đạo. Hẹp niệu đạo có thể biến chứng nếu bệnh nhân bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu và chlamydia. Khi đó, việc điều trị bệnh kịp thời và đầy đủ với kháng sinh sẽ giúp ngăn ngừa biến chứng này.

3: Chỗ hẹp của niệu quản; 4: stent trong lòng niệu quản.

3: Chỗ hẹp của niệu quản; 4: stent trong lòng niệu quản.

Hẹp niệu quản ít gặp hơn hẹp niệu đạo nhưng điều trị triệt để cũng gặp nhiều khó khăn. Hẹp niệu quản là hậu quả của tổn thương lành tính (bẩm sinh, do sỏi, viêm nhiễm, sau điều trị) hoặc do tổn thương ác tính chèn ép từ bên trong hoặc từ bên ngoài vào. Các đặc điểm lâm sàng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây hẹp niệu quản. Một số dấu hiệu và triệu chứng thông thường bao gồm: Đau thắt lưng, cơn đau quặn thận; Rối loạn tiểu tiện: Tiểu máu, tiểu ít, tiểu đục; Sốt…

Điều trị hiện tại có thể phẫu thuật tạo hình hoặc đặt stent JJ niệu quản. Phẫu thuật chỉ định cho một số trường hợp và cũng có tỉ lệ biến chứng như hẹp tái phát, lưu thông niệu quản mới không tốt. Trong khi đó, đặt stent JJ có nhiều nhược điểm: Phải thay thế sau 3-6 tháng, gây đau khó chịu, nhiễm khuẩn, tạo sỏi...

Trên thế giới, đặt stent điều trị hẹp niệu đạo và hẹp niệu quản là phương pháp tiếp cận ít sang chấn, cho hiệu quả cao, bắt đầu được sử dụng từ những năm 90. Nhưng phát triển mạnh gần đây khi stent bao phủ hoàn toàn bằng silicon, tránh được một số nhược điểm như tạo sỏi hoặc niêm mạc phát triển vào lòng stent, được phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2009. Một số nghiên cứu bước đầu về loại stent này đưa ra kết quả điều trị trung dài hạn rất tốt.


Anh Tuấn
Ý kiến của bạn