Hà Nội

Đặt stent cho người ung thư thực quản giai đoạn cuối

20-11-2012 07:27 | Tin nóng y tế
google news

Bệnh nhân ung thư thực quản (UTTQ) giai đoạn cuối thường chết do suy kiệt vì khối u quá to chèn khiến bệnh nhân không ăn được nên ngày càng suy kiệt, thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể.

(SKDS) - Bệnh nhân ung thư thực quản (UTTQ) giai đoạn cuối thường chết do suy kiệt vì khối u quá to chèn khiến bệnh nhân không ăn được nên ngày càng suy kiệt, thiếu chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Làm thế nào để cải thiện được tình trạng này? Kỹ thuật đặt stent kim loại ở thực quản là một biện pháp mà các bác sĩ Khoa Nội tiêu hóa A3, BV TW Quân đội 108 đã thực hiện thành công để giải quyết vấn đề trên. 

Thời gian qua, các bác sĩ BVTW QĐ 108 đã can thiệp thành công cho 42 bệnh nhân UTTQ giai đoạn cuối bằng kỹ thuật đặt stent kim loại trong điều trị hẹp thực quản do ung thư. Việc đặt stent kim loại ở thực quản bằng nội soi mở ra triển vọng cho bệnh nhân bị khối u thực quản không có chỉ định phẫu thuật.
Đặt stent cho người ung thư thực quản giai đoạn cuối 1

Cứu bệnh nhân bằng cách nâng cao thể trạng

PGS.TS. Vũ Văn Khiên cho biết: UTTQ là bệnh phổ biến, trên thế giới UTTQ đứng hàng thứ 8 trong số các bệnh ung thư. Tại Việt Nam, UTTQ là một trong 10 loại ung thư thường gặp, đứng hàng thứ 4 trong các ung thư đường tiêu hóa sau ung thư dạ dày và đại trực tràng…Bệnh thường gặp ở tuổi từ 50 - 69. Theo thống kê tại Hà Nội, tỷ lệ mắc UTTQ ở nam là 8,7/100.000 dân; nữ là 1,7/100.000 dân...

Sau 2 ngày được đặt stent ống thực quản, Anh N. T. D., 51 tuổi (Hà Nội) đã rất vui mừng vì “thấy mình có thể ăn uống được mà không có cảm giác đau, vì ăn uống được nên thấy người khỏe ra”. Trước đó, anh D. thấy mình liên tục bị sụt cân, người mệt mỏi, nuốt nghẹn, đau sau xương ức… Sau khi đến bệnh viện, anh được bác sĩ phát hiện bị UTTQ giai đoạn cuối. Nỗi lo về căn bệnh ung thư đã làm cho anh luôn phải suy nghĩ, mệt mỏi không thiết ăn, nhưng đến lúc gắng gượng để ăn cho có sức khỏe điều trị lại không thể ăn được, cả một ngụm sữa cũng khó nuốt…
Theo PGS. TS. Vũ Văn Khiên, Chủ nhiệm Khoa Nội - Tiêu hóa A3, Bệnh viện TW Quân đội 108, với những trường hợp như anh D. nguy cơ tử vong cao nếu không giải quyết vấn đề về dinh dưỡng. Thậm chí người bệnh có thể chết do dinh dưỡng kém trước khi chết vì ung thư. Vì bệnh nhân không thể ăn, không thể uống nên thể trạng yếu không đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể. Đặc biệt, đối với bệnh nhân ở giai đoạn cuối, khi khối u xâm lấn gần hết hoặc toàn bộ thực quản, bệnh nhân không thể uống được dù chỉ một ngụm nước.
 
Cũng theo PGS. Khiên, đối với bệnh UTTQ phẫu thuật là biện pháp chính để điều trị bệnh. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân UTTQ không thể phẫu thuật được do khối u quá to hoặc đã di căn sang cơ quan khác. Bên cạnh đó, đa phần bệnh nhân UTTQ được chẩn đoán muộn nên thời gian sống trung bình ngắn và tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 7%. Do vậy, việc phát hiện sớm đóng vai trò quan trọng trong cải thiện bệnh…Bệnh nhân UTTQ giai đoạn cuối đều bị nuốt nghẹn khi ăn chất đặc và khoảng hơn 80% nuốt nghẹn cả chất lỏng, sụt cân nhanh chiếm 87,5%... Vì thế, để “cứu” bệnh nhân phải tìm mọi cách “nâng đỡ” dinh dưỡng cho người bệnh.

Sau 24 giờ, bệnh nhân có thể ăn uống

PGS.TS. Vũ Văn Khiên cho biết, trước đây, để cải thiện dinh dưỡng cho những bệnh nhân này, người bệnh sẽ được mở nội khí quản, đưa ống xông từ cổ họng vào dạ dày để đưa thức ăn thẳng vào. Việc này gây nhiều đau đớn cho bệnh nhân và có nhiều biến chứng khó lường, đáng lo ngại nhất là tổn hại lớn đến tinh thần của bệnh nhân. Do đó, đặt stent thực quản qua khối u sẽ giúp bệnh nhân dễ chịu hơn, ăn uống được qua đường miệng, nâng cao chất lượng cuộc sống cuối đời. Kỹ thuật này hiện đang được thực hiện tại một số BV lớn như Việt Đức, BV Bạch Mai….

Đặt stent cho người ung thư thực quản giai đoạn cuối 2
 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
PGS. Khiên cho biết thêm, để thực hiện, bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính lồng ngực nhằm đánh giá vị trí hình dạng, chiều dài và mức độ xâm lấn khối u ra xung quanh. Chụp tim, phổi để đánh giá tổn thương di căn… Sau đó sẽ thực hiện kỹ thuật, bệnh nhân được gây mê, nội soi dạ dày thực quản trước khi đặt để đánh giá về đặc điểm khối u: vị trí, kích thước. Tiến hành đưa stent vào vị trí cần đặt và điều chỉnh vị trí stent trên màn hình Xquang tăng sáng, rồi mở stent và điều chỉnh cho đúng vị trí.
 
Thời gian thực hiện khoảng 30 phút, sau 24 giờ bệnh nhân có thể ăn - uống theo đường tự nhiên bình thường và xuất viện về nhà.  Sau đặt stent, bệnh nhân vẫn có thể truyền hóa chất hoặc tia xạ như bình thường. Kết quả thực hiện trên 42 bệnh nhân cho thấy, 100% đặt thành công. Sau 1 tháng, 100% số bệnh nhân có stent thực quản vẫn ăn uống tốt, tránh biến chứng do suy dinh dưỡng.  Phương pháp này không ứng dụng với bệnh nhân bị suy hô hấp, tuần hoàn…     

Tuệ Khanh


Ý kiến của bạn
Tags: