Hà Nội

Đạt nguyên ẩm - bài thuốc trị ôn dịch và sốt rét

SKĐS - Khi bị cảm nhiễm dịch lệ, bệnh tà nhanh chóng xâm phạm lấn át mạc nguyên, chính khí chống đỡ với tà khí khiến người bệnh có cảm giác sợ lạnh, sốt cao.

Nếu người bệnh sốt đã 2, 3 ngày, ngày sốt 1-3 lần, ngực bụng khó chịu buồn nôn, đau đầu bứt rứt, mạch huyền sác, rêu lưỡi dày nhờn, lúc này bắt đầu cho uống Đạt nguyên ẩm -  bài  cổ phương tiêu biểu trị ôn dịch và sốt rét.

Bài Đạt nguyên ẩm gồm có: hoàng cầm 6g, bạch thược 4g, thảo quả 4g, binh lang 8g, cam thảo 4g, hậu phác 4g, tri mẫu 8g, đại táo 1 quả, sinh khương 7 lát. Sắc lấy 200ml, cho uống một lần vào quá trưa về chiều (13-14 giờ). Công năng: Khai đạt nguyên mạc, tị uế hóa trọc.

Hoàng cầm là vị thuốc trong bài Đạt nguyên ẩm trị ôn dịch và sốt rét.

Hoàng cầm là vị thuốc trong bài Đạt nguyên ẩm trị ôn dịch và sốt rét.

Binh lang cay tán thấp tà, hóa đàm phá kết, có công năng tiêu tán phục tà, là vị thuốc sơ lợi rất mạnh, lại trừ được sơn lam chướng khí; Hậu phác hương thơm hóa trọc, khứ thấp lý khí, phá tan được lệ khí kết đọng; Thảo quả cay thơm hóa trọc, khí mãnh, trừ được dẹp đồ bẩn, dứt nôn mửa, tuyên thấu tà mai phục, quấn quýt ở khắp mọi nơi. Ba dược liệu có khí vị cay mạnh, có thể tới ngay mạc nguyên, khiến cho tà khí phải tan rã, đuổi tà xuất ra ngoài, kíp lìa khỏi mạc nguyên, nên mới có tên là Đạt nguyên ẩm, làm chủ dược. Mọi thứ tà ở ôn dịch nhiệt độc rất dễ hóa hỏa làm tổn thương đến âm, nên dùng hoàng cầm, bạch thược, tri mẫu làm tá để tả hỏa giải độc, thanh nhiệt tư âm; cũng là phòng ngừa sự hao tán thương tổn đến âm do các thuốc cay táo gây ra. Cam thảo làm sứ, vừa giúp cho việc thanh nhiệt giải độc, lại có thể điều hòa các vị thuốc. Đạt nguyên ẩm có công năng khai mở tới mạc nguyên, dẹp cái bẩn, làm tiêu hóa hết cái đục, thanh nhiệt giải độc, có thể khiến uế trọc được tiêu, nhiệt độc được thanh thải, âm dịch được phục hồi, giải được bệnh tà. Là thuốc hàng đầu sử dụng khi ôn dịch mới phát sinh hoặc trừ tà ẩn ở mạc nguyên trong bệnh sốt rét.

Gia giảm: Nếu bị cảm cúm, vùng ngực bế tắc, buồn bực, chân tay mỏi nặng, rêu lưỡi đục nhờn thì bỏ bạch thược, tri mẫu, thêm bội lan 6g, nhân trần hao 6g; sợ rét ít, nóng nhiều, nhiều ngày không lui, buổi chiều nặng hơn thì bỏ binh lang, thêm bạch vị 6g, hắc chi tử 6g. Để trị sốt rét, thêm thường sơn 8g (sao với rượu), sài hồ 6g; nếu sườn đau, tai điếc, sốt và rét, nôn ọe mà miệng đắng, thêm sài hồ 5g; lưng gáy đau, thêm khương hoạt 4g; đau mắt, xương trên hốc mắt đau, mũi khô không ngủ, thêm cát căn 8g.

Đạt nguyên ẩm gia đại hoàng: Người bệnh ôn dịch, lưỡi trắng rộp như bông, dần dần biến thành sắc vàng, hung cách đầy và đau, đại khát, phiền táo, đó là độc tà đã truyền vào tới vị; dùng Đạt nguyên ẩm gia đại hoàng 8g để thanh trừ tà độc ở trong vị.

Tam tiêu ẩm: Bệnh mới phát, rêu lưỡi trắng là tà còn ở mạc nguyên, sau cuống lưỡi vàng dần suốt ra tới giữa lưỡi, thể hiện bệnh tà ở khắp biểu lý, sốt không dứt cho uống bài Tam tiêu ẩm: binh lang 4g, hậu phác 4g, cam thảo 4g, hoàng cầm 12g, cát căn 6g, khương hoạt 4g, sinh khương 3 lát, thảo quả 4g, bạch thược 8g, tri mẫu 12g, đại hoàng 8g, sài hồ 4g, hồng táo 3 quả. Các vị đun với 3 bát nước, sắc còn 1 bát, bỏ bã, uống hết 1 lần.

Bài này dùng nguyên bài Đạt nguyên ẩm gia khương hoạt, sài hồ, cát căn để giải biểu; đại hoàng thanh lý. Sở dĩ có tên là Tam tiêu ẩm do vừa tiêu bên trong, vừa tiêu bên ngoài và tiêu khắp nơi, trên dưới, ở trong hay ở ngoài. Đây là một bài đặc trị chứng ôn dịch.


BS. Tiểu Lan
Ý kiến của bạn