Bệnh nhân là cụ ông N.P.I (88 tuổi, ở Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội) vào viện trong tình trạng bị ngã đập mặt xuống nền cứng, choáng và ngất, hai mắt bầm tím.
Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, đái tháo đường type 2 từ nhiều năm nay. Trước vào viện 3 ngày bệnh nhân xuất hiện các cơn choáng, ngất kéo dài từ 10- 15 giây gọi hỏi không biết, không co giật, đau đầu, cơ thể suy nhược. Bệnh nhân được chỉ định chụp X-quang cộng hưởng từ sọ não và làm các xét nghiệm cơ bản. Sau khi có kết quả bệnh nhân được chuyển vào khoa Tim mạch điều trị nội trú.
Quá trình nằm viện 1 ngày bệnh nhân có các cơn vắng ý thức ngắn 5-7 giây. Bệnh nhân được xử trí đeo thiết bị theo dõi điện tim 24 giờ, ghi nhận có block nhĩ thất độ cao, khoảng ngưng tâm thất 34 giây. Ngay khi có kết quả theo dõi điện tim 24 giờ, các bác sĩ đã quyết định đặt máy tạo nhịp tim 1 buồng cho bệnh nhân.
Sau 7 ngày can thiệp, bệnh nhân không có cơn vắng ý thức, các thông số kỹ thuật của máy ổn định, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt.
BSCKII. Đỗ Hữu Nghị - Trưởng khoa Tim mạch cho biết, đây là trường hợp rất đặc biệt, bệnh nhân cao tuổi, nhiều bệnh lý nền kèm theo. Nếu không sớm tiến hành đặt máy tạo nhịp tim kịp thời, tình trạng sẽ tiến triển nặng hơn và nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.
Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, nhịp tim đều có thể xuất viện trong vài ngày tới.
Kỹ thuật cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn được triển khai thường quy tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông từ nhiều năm nay. Nhờ ứng dụng triển khai hiệu quả kỹ thuật này mà nhiều bệnh nhân bị rối loạn nhịp chậm (Hội chứng nút xoang bệnh lý, Block nhĩ thất); bệnh nhân mắc các hội chứng rối loạn nhịp di truyền (Hội chứng QT kéo dài bẩm sinh, Hội chứng Brugada…) hoặc những bệnh nhân suy tim nặng có mất đồng bộ giữa các buồng tim… tránh được biến chứng nguy hiểm, giảm nguy cơ đột tử và giúp cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống về sau cho người bệnh.
BS. Nghị khuyến cáo, khi cảm thấy thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó thở, chóng mặt hoa mắt, đau ngực, ngất xỉu, nhịp tim chậm dưới 60 lần/phút, người dân nên đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Sĩ tử nên ăn gì và kiêng gì để có sức khỏe tốt, tăng cường trí nhớ trong mùa thi?