Đạt kết quả nhưng còn chậm

02-11-2014 19:22 | Thời sự
google news

Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội...

Thảo luận ở hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015, Quốc hội đã dành cả ngày 1/11 để thảo luận về vấn đề này. Kết quả giám sát cũng như ý kiến thảo luận của các đại biểu (ĐB) đều có chung nhận định: tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn chậm. Phóng viên báo SK&ĐS lược ghi lại một số ý kiến đại biểu tại phiên thảo luận.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh): Cần tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu để tránh dựa dẫm, ỷ lại xin cho

Một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) vẫn mang dáng dấp thời bao cấp với bộ máy cồng kềnh thừa thầy, thiếu thợ, đến hẹn lại lên, trong khi cần thợ thì không có. Muốn giảm biên chế thì cũng không xong vì đụng đến con anh A, cháu chị B. Việc thực hiện tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã đạt được những kết quả nhất định nhưng tiến độ thực hiện còn chậm, chưa chuyển biến mang tính đột phá. Mặc dù trong những năm qua số lượng DNNN đã giảm mạnh từ 12.000 doanh nghiệp (DN) xuống còn 1.000 DN nhưng việc hình thành các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước với công ty con, công ty cháu, thậm chí công ty chắt đã làm cho tỷ trọng của DN trong GDP vẫn chiếm tỷ trọng cao - 32%. Các khoản đầu tư ngoài ngành hiệu quả thấp, không bảo toàn được vốn, kết quả thoái vốn chưa đạt yêu cầu. Chính phủ cần chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa; xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chủ đạo, ngành nghề liên quan. Cùng với đó, cần tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với chức năng chủ sở hữu để tránh dựa dẫm, chủ quan, ỷ lại xin cho...

ĐB Phan Văn Quý (Nghệ An): Nên có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản

Để đưa công cuộc tái cơ cấu ngành ngân hàng đến đích, theo tôi cần thúc đẩy ngân hàng sáp nhập, hợp nhất với các ngân hàng yếu kém, có cơ chế khuyến khích tạo điều kiện cho các ngân hàng mạnh và ngân hàng yếu hợp nhất, sáp nhập. Bên cạnh đó, cần minh bạch sở hữu chéo vì tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng đã đến mức đáng báo động. Ðây là một trong những nguyên nhân dẫn đến nợ xấu và nguy cơ thao túng hoạt động tài chính. Giải pháp dài hạn để ngăn chặn hoạt động này là tập trung xây dựng thị trường tín dụng và thị trường vốn minh bạch. Cùng đó, nên có chủ trương cho phép các ngân hàng yếu kém phá sản. Chúng ta chưa để một ngân hàng nào phải giải thể theo đúng nghĩa. Ðiều này tạo nên sự bao cấp không đáng có, dẫn đến tình trạng ông chủ một số ngân hàng lợi dụng ngân hàng để thao túng thị trường, để thị trường hoạt động một cách méo mó, để lại nợ xấu nặng nề cho nền kinh tế. Ðây là điều trái với thị trường và thông lệ quốc tế.

ĐB Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh): Gắn giải pháp xử lý nợ xấu với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo

Vẫn còn đó nhiều nguy cơ tiềm ẩn trong quá trình tái cơ cấu, trong đó nguy cơ cao nhất, dễ xảy ra nhất là tình hình xử lý nợ xấu, nếu không xử lý tốt thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống là không tránh khỏi. Xử lý nợ xấu không đơn thuần là mua vào bán ra hay đẩy nợ xấu qua vấn đề khác, mà phải làm sao những tài sản hình thành từ vốn vay đem lại hiệu quả gì cho xã hội. Chính vì vậy, các cơ quan thi hành án cần có giải pháp để ưu tiên các án liên quan đến tín dụng ngân hàng; cần có cơ chế thông thoáng hơn cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trong việc bán lại nợ, kể cả cho nhà đầu tư nước ngoài; gắn giải pháp xử lý nợ xấu với vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo, từ đó làm rõ vốn ảo, nợ ảo...

ĐB Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình): Tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến yếu tố vùng miền và những lĩnh vực quan trọng

Tại sao tái cơ cấu diễn ra 3 năm song chưa đem lại hiệu quả như mong muốn? Nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế vậy mà đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm; y tế, giáo dục, khoa học công nghệ cũng giảm. Đó là vấn đề chúng ta cần suy nghĩ? Chính phủ cần phải chuyển biến từ tư duy đến quan điểm, khuyến khích tư nhân đầu tư phát triển hạ tầng cho các ngành có lợi thế; phân cấp, phân quyền, phân nhiệm rõ ràng theo hướng gắn trách nhiệm của từng cấp chính quyền. Tái cơ cấu đầu tư công phải tính đến các yếu tố vùng miền và các ngành, lĩnh vực quan trọng có thế mạnh trong phát triển dài hạn của đất nước, đặc biệt cho các tỉnh còn khó khăn cho lĩnh vực y tế, nông nghiệp và khoa học công nghệ...

Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, tuần thứ 3, Quốc hội sẽ nghe trình bày Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế; Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo này...

Minh Phong

 


Ý kiến của bạn