Tự chủ bê cơm ăn sau 4 ngày phẫu thuật đặt điện cực
Khi vào buồng bệnh thăm bà Nguyễn Thị C., 76 tuổi (TP. Bắc Ninh), chúng tôi bắt gặp đúng lúc bà đang và cơm ăn. Thấy người vào thăm, bà còn rất minh mẫn đùa nhẹ: "Đấy, có người đến là tự nhiên tay lại run run" và cố ăn hết chỗ cơm còn trong bát rồi đứng lên đi lại không cần người đỡ. Chị H. - con gái bà C. tươi cười kể: "Mẹ mình bị bệnh Parkinson hơn 10 năm nay, mặc dù uống thuốc điều trị đầy đủ nhưng thời gian gần đây bệnh tiến triển mỗi ngày một nặng. Số lần các cơn run và đơ tăng, từ 2 lần/ngày lên đến khoảng 5-6 lần/ngày và thời gian lên cơn kéo dài, chân tay khua liên hồi. Mỗi khi có cơn như vậy phải có người bệnh cạnh chăm sóc, từ đút cơm ăn tới chuyện vệ sinh cá nhân. Nhưng giờ sau khi được phẫu thuật đặt điện cực, mẹ mình đã tự cầm bát cơm ăn được và dần tự chủ trong sinh hoạt". Chị H. cũng cho biết, gia đình đã bàn bạc đưa bà sang Đức điều trị căn bệnh này với kinh phí dự trù khoảng 3 tỷ đồng. Qua tìm hiểu, biết BV E chuẩn bị triển khai kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu (DBS) cho bệnh nhân Parkinson, bà C. đăng ký và trở thành bệnh nhân (BN) đầu tiên được thực hiện kỹ thuật này tại BV vào ngày 12/11/2016.
Bà C. đã tự bê cơm ăn sau khi được phẫu thuật.
Kỹ thuật mang lại hiệu quả tích cực cho bệnh nhân Parkinson
Theo BSCKII. Khúc Thị Nhẹn - Trưởng khoa Nội thần kinh BV E, bệnh Parkinson là bệnh lý thoái hóa thần kinh thường gặp ở người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên). Bệnh có biểu hiện là do sự thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamin làm cho một vài nhân xám trong não bị rối loạn hoạt động, làm ức chế các cử động bình thường và gây nên các vận động bất thường.
BN có các triệu chứng bất thường như run rẩy tay chân, cử động chậm chạp, cơ tăng trương lực. Bệnh nhân được dùng thuốc để bổ sung chất dẫn truyền thần kinh dopamin và chỉ có hiệu quả trong những năm đầu của bệnh.
Sau 7-8 năm, số lượng thuốc BN phải dùng hàng ngày càng nhiều và có những triệu chứng phụ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của BN như xáo trộn vận động hay loạn động, bệnh nhân có những cử động bất thường còn nặng hơn hay có những lúc bị cứng đờ không cử động được. Vì thế, việc áp dụng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu (DBS) sẽ là phương án tối ưu cho người bệnh.
PGS.TS. Hà Kim Trung- Phó Giám đốc, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh BV E cho biết: BN C. được chỉ định đặt điện cực kích thích não sâu ở nhân dưới đồi thị trong não (STN). Ca phẫu thuật có sự hỗ trợ của GS. Krishnapudha Bunyararavej (Thái Lan) - là một chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đặt điện cực kích thích não sâu cho BN Parkinson. Sau khi xác định chính xác vị trí, bác sĩ khoan mỗi bên sọ BN một lỗ đường kính khoảng 1,4cm để đưa điện cực vào. Lần thử được thực hiện tại vị trí nhân não bị bệnh với một dòng điện có cường độ rất thấp và theo dõi hiệu quả thực tế của BN trong lúc mổ. Khi tất cả các thông số đã xác định chuẩn, điện cực được đặt vào vị trí đã chọn. Toàn bộ thiết bị này hoạt động nhờ vào một viên pin được đặt ở dưới da vùng ngực. Tuổi thọ pin trung bình là 5 năm. Tất cả các thông số kích thích đều được điều chỉnh từ bên ngoài qua 1 thiết bị được lập trình tinh vi.
Kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu là phương pháp ít xâm lấn nhưng đòi hỏi độ chính xác rất cao đến từng mm, vì thế cần có 1 êkíp am hiểu bệnh và quá trình phẫu thuật gồm có bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ ngoại thần kinh, kíp gây mê và đội ngũ kỹ thuật viên sử dụng thành thạo trang thiết bị để đánh giá hiệu quả của phẫu thuật ngay trong quá trình đặt điện cực kích thích não sâu cho BN Parkinson.
Tại Việt Nam, kỹ thuật này được triển khai cách đây vài năm cho tổng số 28 người bệnh, chủ yếu là ở TP.HCM (25 ca), BV Việt Đức (2 ca) và đây là ca được triển khai lần đầu tiên tại BV E.
PGS.TS. Hà Kim Trung đánh giá, kết quả thu được sau khi BN được phẫu thuật đặt điện cực kích thích não sâu rất khả quan với sự cải thiện về triệu chứng đạt được từ 80% trở lên và giảm số lượng dùng thuốc điều trị bệnh xuống mức thấp. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất để chưa có nhiều BN tiếp cận được kỹ thuật mới này là do mức chi phí quá cao, khoảng 700 triệu đồng/ca. Riêng pin nuôi điện cực được ghép vào vị trí ngực bệnh nhân có giá hơn 400 triệu đồng/pin và phải thay pin sau 5 năm. Kỹ thuật này chưa được đưa vào danh mục chi trả của BHYT nên hiện BV cố gắng hỗ trợ bằng cách áp dụng chi phí trong giới hạn thấp nhất có thể cho người bệnh.