Du khách chọn tour gần, giá hợp lý
Gia đình anh chị Đào Lý - Mạnh Khanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) mùa hè này đã chọn điểm đến Ninh Bình để du lịch. Ban đầu gia đình có ý định đặt tour vào Nha Trang 3 ngày 2 đêm nhưng phải thay đổi ý định vì giá tour cao hơn hẳn do vé máy bay nội địa tăng. Chị Đào Lý thông tin, gia đình 9 người lớn, 2 trẻ em đã chọn lái xe ô tô đến Ninh Bình, kinh phí chỉ bằng 1/3 so với tour đi Nha Trang.
Thay vì đi du lịch xa, năm nay, gia đình anh chị Lê Thảo Nguyên - Mạc Nam Khánh chọn đưa con về quê chồng (Quỳnh Lưu, Nghệ An), cũng có biển và resort nghỉ dưỡng, tiện thăm ông bà nội. Du lịch ở khu vực này chưa phát triển quá mức, dịch vụ cũng vừa phải nhưng bù lại chi phí tương đối rẻ và tiện đi lại. Gia đình chỉ mất khoảng 4 - 5 giờ lái xe ô tô, vừa đi vừa nghỉ, tiện hơn so với đi bằng máy bay nhưng lại phải cất cánh vào giờ khuya muộn, bất tiện với gia đình có người già, trẻ nhỏ.
Khảo sát ở nhiều đơn vị lữ hành về tour du lịch hè 2024 cho thấy, khách từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc không ưu tiên lựa chọn các điểm xa như: Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa), Quy Nhơn (Bình Định), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Yên… Đa phần khách chuyển hướng tới những điểm đến cự ly gần, tương đối dễ di chuyển bằng ô tô như: Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Cửa Lò (Nghệ An), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình, Hải Tiến (Thanh Hóa)… Do đó, lượng khách đặt tour nội địa có đi đường hàng không giảm sút so với cùng kỳ, nếu có thì hầu hết chọn tour ra các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Singapore hoặc sang Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nguyên do là vé máy bay trong nước ở mức khá cao hơn so với ra nước ngoài, ảnh hưởng đến giá tour cũng như lựa chọn của du khách.
Theo ông Nguyễn Thành Lưu, Tổng Giám đốc Lữ hành Saigontourist: Hè là mùa du lịch dài nhất trong năm, năm nay, 168 hành trình tour đã được đơn vị làm mới khởi hành liên tục từ tháng 4 - 11/2024 để phục vụ các nhu cầu của du khách với nhiều mức ưu đãi, cam kết chất lượng dịch vụ. Trong đó có chùm tour du lịch nội địa giảm đến 50% cùng nhiều ưu đãi dành cho khách lẻ hoặc dịch vụ free & easy (vé máy bay, tàu cao tốc, khách sạn, tour tham quan...).
Đặc biệt, nhằm kích cầu du lịch, Saigontourist đang phối hợp cùng Vietnam Airlines nghiên cứu xây dựng sản phẩm ưu đãi với chuyến bay khởi hành sau 21 giờ hàng ngày đến các điểm đến du lịch trong nước với mức giá vé máy bay giảm hơn 50% và miễn phí đêm khách sạn đầu tiên trong chương trình tour. Dự kiến, dòng sản phẩm này sẽ góp phần tăng nhu cầu du lịch đường bay của du khách trong mùa hè năm nay, giá cạnh tranh, đảm bảo chất lượng dịch vụ và đầy đủ trải nghiệm cho du khách.
Trên thực tế, giá vé máy bay cao cũng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam với cả khách quốc tế và nội địa, du khách sẽ tìm kiếm các phương tiện phù hợp, điểm đến gần hơn. Nhiều đơn vị lữ hành đã linh hoạt mở rộng sản phẩm tour đường bộ, đường sắt, tuyến cao tốc, các gói combo, dịch vụ lẻ khởi hành. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này có thể làm suy giảm sức cạnh tranh và sức hút của du lịch Việt Nam.
Mặt khác, để tận dụng cơ hội phát triển du lịch đường bộ trong bối cảnh giá vé máy bay đang cao, các doanh nghiệp lữ hành cần cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ phương tiện vận chuyển đường bộ và đường sắt; tăng cường tiếp thị, quảng bá cho các điểm đến nội địa; đẩy mạnh hợp tác để tạo ra các gói tour hấp dẫn, tiện ích. Việc thúc đẩy phát triển du lịch nội địa bằng các sản phẩm đường bộ, đường sắt, có thể sẽ “biến nguy thành cơ” trong bối cảnh vé máy bay trong nước tăng cao.
Các bên cần cân đối để có giá hợp lý, thúc đẩy du lịch phát triển
Tiến sỹ Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thông tin: Du lịch và hàng không có mối quan hệ mật thiết, chặt chẽ và tương hỗ nhau cùng phát triển. Theo Tổ chức Du lịch Liên Hiệp quốc (UN Tourism), hơn một nửa trong số 1,5 tỷ khách du lịch trên thế giới trước đại dịch di chuyển bằng đường hàng không. Ủy ban Du lịch châu Âu (ETC) nhận định, mặc dù vận tải đường sắt và xe buýt đang ngày càng phổ biến nhưng máy bay vẫn là phương tiện vận tải được ưa chuộng nhất đối với du lịch quốc tế ở châu Âu. Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat) ước tính 46,5% tổng số chuyến đi nước ngoài trong nội bộ châu Âu là bằng máy bay vào năm 2022. Ở Việt Nam, trên 80% số khách du lịch quốc tế đến bằng đường hàng không...
Ông Nguyễn Trùng Khánh cũng nêu rõ: Phát triển thị trường du lịch là yếu tố quan trọng thúc đẩy thị trường vận tải hàng không. Ngược lại, mở rộng các cửa ngõ quốc tế, phát triển mạng đường bay quốc tế và nội địa, nâng cấp, mở rộng hệ thống cảng hàng không tạo điều kiện cho khách du lịch dễ dàng tiếp cận điểm đến Việt Nam. Ngành hàng không là đối tác quan trọng giúp du lịch phát triển thêm những điểm đến mới, Hải Phòng, Quy Nhơn, Côn Đảo, Phú Quốc là những ví dụ rất rõ ràng, khi kết nối đường hàng không chưa được thiết lập, du lịch tới những địa điểm này cũng chỉ ở mức độ hạn chế.
Năm 2024, để đạt mục tiêu đón 17 - 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách nội địa, 2 ngành du lịch - hàng không rõ ràng cần hợp tác chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, hai bên đẩy mạnh định hướng liên kết giữa doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến với các hãng hàng không ngay từ khi xây dựng tour du lịch trọn gói, chào bán ở cả thị trường trong và ngoài nước; tổ chức các chuyến bay thuê chuyến (charter); dải giá vé linh hoạt, có chính sách ưu đãi về giá trên đường bay nội địa. Đồng thời tăng cường truyền thông để hình thành thói quen cho du khách lên kế hoạch sớm, đặt vé xa ngày, lựa chọn các kênh bán vé chính thức, chủ động theo dõi thông tin từ hãng hàng không để có giá vé máy bay hợp lý...
Tiến sỹ Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) thông tin, để kích cầu du lịch, đảm bảo chuyến bay phục vụ người dân đi lại những dịp cao điểm, các hãng hàng cũng đã đẩy sớm lịch nhận tàu bay mới, bổ sung tàu bay thân rộng khai thác nội địa, tối ưu hóa lịch bay và lịch bảo dưỡng tàu bay, ra mắt đồng loạt chương trình ưu đãi giảm giá bay nội địa, tăng cường bay đêm... Tuy nhiên, du lịch là chuỗi liên kết của nhiều đơn vị (lữ hành, hàng không, cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm tham quan). Để hình thành các sản phẩm du lịch kích cầu, cần có sự tham gia, đồng thuận và triển khai đồng loạt từ các bên. Không chỉ hàng không, các phương tiện vận tải khác, cơ sở lưu trú, nhà hàng… cũng cần cân đối mức giá hợp lý mới có thể tạo nên những gói tour phù hợp để thúc đẩy du lịch phát triển, đáp ứng nhu cầu của du khách trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Ý Yên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty Lữ hành Saigontourist: Thông thường, sản phẩm du lịch mới cần 1 - 2 năm để tạo dựng thương hiệu và cần chính sách ổn định từ phía các hãng hàng không, kích cầu trong giai đoạn đầu. Do đó, để phát triển bền vững, hai ngành cần xác định mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, cùng chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích, phối hợp linh hoạt trong xây dựng sản phẩm (gồm sản phẩm mới, sản phẩm cao cấp, khuyến mãi, kích cầu…). Nếu không có sự bắt tay của hai bên, thị trường sẽ tự dịch chuyển và làm thay đổi thói quen, hành vi của khách hàng, các tuyến du lịch đường bay sẽ bị ảnh hưởng.
Rất nhiều ý kiến chuyên gia cũng như doanh nghiệp đã đề xuất Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cần là “nhạc trưởng” để triển khai các chiến dịch quảng bá xúc tiến đến thị trường quốc tế trọng điểm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các đại sứ quán tại thị trường quốc tế trọng điểm, tiềm năng để có giải pháp mở thêm đường bay quốc tế tới các điểm đến quan trọng của nước ta như Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Nha Trang… Việc này nhằm đa dạng hóa, gia tăng thị trường khách mới, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường quốc tế truyền thống lớn. Sự tăng trưởng của bất kỳ thị trường khách nào ở thời điểm hiện tại đều có thể bị bão hòa trong tương lai. Do đó, đây là giải pháp để du lịch Việt Nam tìm kiếm các thị trường quốc tế mới mẻ, đủ sức bù đắp khi có biến động.