Cách đây 3 tháng, ông V. phát hiện trên cánh tay có vài nốt mụn. Theo bài thuốc dân gian mà hàng xóm truyền miệng lại, ông chữa bằng cách nghiền trái nhàu ra chà sát và đắp lên mụn cóc mỗi ngày.Chưa đầy 1 tháng kể từ ngày đắp trái nhàu, ông V. thấy mụn cóc ngày nhảy thêm ra. Các nốt mụn quái ác lan ra với tốc độ chóng mặt, từ vài nốt thành cả trăm nốt khắp cánh tay phải, thậm chí lây lan sang cánh tay trái.
Sau khi khám và kiểm tra chẩn đoán, TS.BS. Lê Thái Vân Thanh xác định bệnh nhân bị mắc mụn cóc phẳng do virus gây u nhú ở người HPV (Human papilloma virus) gây ra. Đây là những u nhỏ tăng sản lành tính của lớp thượng bì, bề mặt thường sần sùi. Mặc dù trái nhàu là một vị thuốc quý, nhưng sai lầm lớn nhất của ông V. là chà sát nốt mụn khiến virus lây lan sang vùng da lân cận. Ông V. được đốt laser lấy hết cồi của mụn cóc và kết hợp thuốc bôi, uống để hỗ trợ tiêu diệt virus gây bệnh.
Theo BS. Vân Thanh, tuy đa số mụn cóc không nguy hiểm, chỉ mất thẩm mỹ nhưng chẳng may mụn mọc ở các vùng niêm mạc nhạy cảm (thực quản, đường hô hấp) có thể sẽ gây biến chứng nghiêm trọng. HPV xâm nhập vào da qua những vết trầy xước bên ngoài.Mụn cóc có thể phát triển trong nhiều tháng mới nhìn thấy được và dễ tái phát, bởi thế người bệnh tuyệt đối tránh tự ý điều trị (dễ làm mụn bùng phát) mà hãy tới cơ sở y tế chuyên khoa da liễu để được xử lý kịp thời và triệt để.
Những điều tuyệt đối không nên làm để tránh lây lan mụn cóc: Dùng dao, kềm cắt, khều mụn cóc; đi chân đất ở khu vực bể bơi và phòng thay đồ; dùng chung đồ cá nhân như giày dép, vớ của người bị mụn cóc; đi spa ngâm chân và làm các động tác chăm sóc bàn chân, bàn tay mà không đảm bảo sự vô khuẩn…
Bình thường mụn cóc khô ráo, khi thấy mụn cóc có dấu hiệu sưng đỏ ở phần rìa, chảy nước, cần đi khám để làm sinh thiết, loại trừ nguy cơ bệnh chuyển ác tính (rất hiếm gặp).