Hà Nội

Đắp tỏi điều trị COVID-19, bé 2 tháng tuổi co giật, tím tái, nguy kịch

18-03-2022 09:13 | Y tế
google news

SKĐS - Bé trai 2 tháng tuổi vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao 40 độ C, li bì, co giật nhiều cơn kéo dài, tím tái, bỏng vùng bụng độ I.

Bé được đưa vào cấp cứu tại một BV ở Phú Thọ, kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2. Các bác sĩ đã nhanh chóng xử trí cấp cứu đặt ống nội khí quản, thở máy và dùng vận mạch, an thần, kháng sinh. Sau khi được cấp cứu tích cực bé đã may mắn vượt qua giai đoạn nguy kịch.

Sau khi thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết, tiến hành hội chẩn, các bác sĩ chẩn đoán bé theo dõi viêm não, màng não, shock nhiễm khuẩn trên nền nhiễm SARS-CoV-2

Khai thác tiền sử bệnh của bé từ gia đình cho biết: Bé phát hiện mắc COVID-19 ngày thứ 4, sốt cao, bú kém, ở nhà uống thuốc hạ sốt không giảm sốt, gia đình đã đắp tỏi vùng bụng của bé để chữa COVID-19 và đắp lá vùng thóp để hạ sốt. 

Tuy nhiên tình trạng bé ngày càng nặng, sốt li bì, vùng bụng phồng rộp, gia đình đã đưa bé đi cấp cứu.

Đắp tỏi điều trị COVID-19, bé 2 tháng tuổi co giật, tím tái, nguy kịch - Ảnh 1.

Em bé sốt li bì, vùng bụng phồng rộp sau khi đắp tỏi để điều trị COVID-19.

Các bác sĩ cho hay, trẻ nhiễm SARS-CoV-2 nếu sốt cao không đáp ứng với thuốc hạ sốt, cần cho trẻ đến viện để được thăm khám và xử trí. Ngoài tình trạng co giật do sốt, khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 dễ bội nhiễm vi khuẩn gây shock nhiễm khuẩn, bản thân virus SARS-CoV-2 cũng có thể tấn công vào nhiều cơ quan đặc biệt nguy hiểm như: tim, phổi, thần kinh…. 

Người dân tuyệt đối không được dùng tỏi, lá thuốc hoặc bất cứ loại thuốc nào không được các bác sĩ khuyến cáo đắp hoặc cho trẻ uống.

Dấu hiệu bất thường ở trẻ mắc COVID-19 cần báo y tế ngay 

Theo Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc COVID-19 vừa được Bộ Y tế ban hành hôm 14/3, với trẻ dưới 5 tuổi, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, bú/ăn, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), mầu sắc da, niêm mạc, rối loạn tiêu hóa.

Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây, gia đình phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc COVID-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu... để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc COVID-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh"

- Tinh thần: trẻ quấy khóc không chịu chơi, không hóng chuyện hoặc li bì, hoặc co giật.

- Sốt cao liên tục > 39 độ C và khó hạ thân nhiệt bằng các phương pháp như dùng thuốc hạ sốt + chườm/lau người bằng nước ấm. Hoặc sốt không cải thiện sau 48 giờ.

- Trẻ thở nhanh hơn so với tuổi:

+ Trẻ < 2 tháng khi thở ≥ 60 lần/phút;

+ Trẻ từ 2 tháng đến < 12 tháng khi thở ≥ 50 lần/phút;

+ Trẻ từ 12 tháng đến < 5 tuổi khi thở ≥ 40 lần/phút.

- Trẻ thở bất thường: Khó thở, thở phập phồng cánh mũi, co kéo hõm ức, cơ liên sườn...

- SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2)

- Tím tái; Mất nước: môi se, mắt trũng, khát nước, đái ít... 

- Nôn mọi thứ; Trẻ không bú được hoặc không ăn, uống được

- Trẻ mắc thêm các bệnh khác như: sốt xuất huyết, tay chân miệng... 

- Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh. 

Tiền sử khoẻ mạnh, bé gái 12 tuổi mắc COVID-19 ho ra máu, phải đặt ECMO Tiền sử khoẻ mạnh, bé gái 12 tuổi mắc COVID-19 ho ra máu, phải đặt ECMO

SKĐS - Bé gái 12 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng không nói được, khó thở, ho ra máu, chỉ số SpO2 giảm còn 80%.


 


Võ Thu
Ý kiến của bạn