Phương thuốc ngô thù du
Dược liệu dùng quả chín phơi khô của cây ngô thù du. Theo đông y ngô thù du có vị cay, đắng, tính ôn, hơi độc, đi vào 4 kinh Can, Thận, Tỳ, Vị.
Vị thuốc có tác dụng tán hàn, hành khí, táo thấp, chỉ thống, sơ can hạ khí, ôn trung chỉ tả, dùng ngoài thuốc có tác dụng hạ hỏa. Chủ trị các chứng phúc thống ( đau bụng), cước khí, ăn uống không tiêu, nôn, ợ chua, hàn thấp tiết tả ( tiêu chảy), đau đầu, cao huyết áp. Liều dùng 3-6g dưới dạng thuốc sắc hoặc 1-3g dưới dạng thuốc bột.
Tài liệu cổ có nêu: Ngô thù du còn được dùng trong điều trị một số trường hợp đau nhức mình mẩy, chân yếu, đau lưng, nhức răng, viêm da lở ngứa.
Theo y học hiện đại ngô thù du chứa thành phần chủ yếu là tinh dầu và evodiamine, rutacaecacpin, wuchuyin… Chất rutacaecacpin khi bị phân giải sẽ cho rutamin có cấu trúc hóa học là indoletylamin ( Đỗ Tất Lợi) tác dụng sinh học trên tim mạch đã được chứng minh có tác động đến huyết áp, giảm đau…
Cây và vị thuốc ngô thù du
Tác dụng của huyệt dũng tuyền
Theo y học cổ truyền, dũng tuyền là tỉnh huyệt, thuộc kinh túc thiếu âm thận, có tác dụng nâng cao chính khí của tạng thận.
Huyệt cũng là sự khởi nguồn cuả kinh Khí. Khí vận hành không thông, trên người đau vô cớ, hay buồn phiền. Khí không đủ chân tay lạnh;
Huyệt là một trong tam tài: Thiên - Địa – Nhân , trong đó Bách hội là thiên, đản trung là nhân, dũng tuyền là địa. Huyệt nằm ở giữa lòng bàn chân.
Người ta thường xác định vị trí huyệt dũng tuyền ở 1/3 đường thẳng đi dọc qua gan bàn chân.
Kinh nghiệm của tiền nhân cho thấy có thể ôn châm hoặc cứu huyệt vị này hay phối hợp với một số huyệt vị khác trong điều trị các bệnh : Trúng phong ( tai biến mạch máu não), cao huyết áp, mất ngủ, động kinh, bệnh tâm thần, đau nhức đỉnh đầu…
Phương pháp đắp thuốc
1. Ngô thù du đem giã nhỏ mịn trộn với dấm thanh thành dạng hồ đặc.
2. Đắp lên vị trí huyệt dũng tuyền ( cả hai bên) cố định bằng băng dính, ngày đắp 1 lần. Nên đắp trước khi đi ngủ, sáng hôm sau có thể tháo miếng thuốc để không ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc. Nếu có thể đắp thuốc trong ngày nhiều giờ càng tốt.
Công dụng: Trị ho kéo dài, ho khan hoặc ho có đờm; mệt mỏi, suy nhược cơ thể, không muốn ăn; Nhức đầu dai dẳng (cao huyết áp), chóng mặt; ù tai; đau nhức các khớp; đánh trống ngực, lo âu; rối loạn tiêu hóa, rối loạn thân nhiệt…
Kinh nghiệm thực tiễn cho thấy đây là một phương thuốc đơn giản, bạn đọc có thể dễ dàng áp dụng khi cần thiết.
Tuy nhiên cần chú ý theo dõi sức khỏe trong một liệu trình điều trị. Nếu sau khi đắp thuốc hiệu quả điều trị chưa đạt được mục tiêu trước mắt thì nên phối hợp thêm các phương pháp khác dưới dạng thuốc sắc (thuốc uống trong), châm cứu, bấm huyệt theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc.
Đảm bảo an toàn, khu cách ly bệnh nhân Covid-19 trong bão số 5