Hà Nội

Đắp thuốc trị chứng đái dầm ở trẻ

SKĐS - Để trị chứng đái dầm ở trẻ em, Đông y có một phương pháp đơn giản, rẻ tiền, dễ làm mà hiệu quả - đó là cách đắp thuốc vào rốn, người xưa gọi là “Phu tề liệu pháp”.

Theo quan niệm của Đông y, rốn là nguồn gốc của tiên thiên (thứ vật chất cơ bản của sự sống được bẩm thụ từ cha mẹ), có quan hệ mật thiết với ngũ tạng, lục phủ và tất cả các kinh mạch trong nhân thể. Sách thuốc cổ viết: “Tề thông bách mạch, vi thập nhị kinh chi hải, chủ huyết”. Bởi vậy, khi dùng thuốc đắp vào rốn có thể đạt được mục đích điều hòa cân bằng âm dương, khứ tà phù chính, khôi phục sức khỏe cho cơ thể.

Điều duy nhất cần lưu ý là: nếu trẻ bị dị ứng tại chỗ do thuốc đắp thì phải bỏ thuốc ra, rửa sạch rốn bằng nước muối ấm và chuyển dùng phương pháp khác.

Bài 1: Tang phiêu tiêu, khiếm thực, lưu hoàng, ngũ bội tử, lượng vừa đủ. Tất cả sấy khô, tán bột, mỗi lần dùng 5g trộn với nước thành dạng cao rồi đắp vào rốn, cố định bằng băng dính hoặc vải gạc, 2 ngày thay thuốc một lần, 5 lần là một liệu trình. Công dụng: tang phiêu tiêu bổ thận trợ dương, cố tinh sáp niệu; khiếm thực ích thận sáp niệu; lưu hoàng bổ hỏa tráng dương, ôn ấm hạ tiêu hư lãnh. Bài thuốc dùng tốt cho trẻ đái dầm do thận dương bất túc.

Đắp thuốc trị chứng đái dầm ở trẻTang phiêu tiêu bổ thận, cố tinh kết hợp với 1 số vị thuốc khác trị đái dầm ở trẻ em.

Bài 2: Sinh khương 30g, phá cố chỉ 12g, phụ tử chế 6g. Phụ tử và phá cố chỉ tán bột, sau đó cho sinh khương vào giã nát thành dạng cao rồi đắp vào rốn, cố định bằng vải gạc hoặc băng dính, vài ngày thay thuốc một lần. Công dụng: ôn thận sáp niệu, đạt hiệu quả từ 80-90%.

Bài 3: Đinh hương, nhục quế, phá cố chỉ, ngũ bội tử, lượng bằng nhau. Tất cả sấy khô, tán bột, mỗi lần lấy 6g hòa với rượu trắng thành dạng cao rồi đắp vào rốn, mỗi ngày thay thuốc một lần.

Bài 4: Phúc bồn tử 6g, kim anh tử 6g, ngũ vị tử 6g, thỏ ty tử 6g, sơn thù 6g, tang phiêu tiêu 6g, đinh hương 3g, nhục quế 3g. Tất cả tán vụn, rây kỹ, đựng trong lọ kín dùng dần. Mỗi lần lấy 2g đổ vào rốn rồi nhỏ 1-2 giọt rượu trắng lên trên. Sau đó tiếp tục dùng bột thuốc hòa với nước ấm thành dạng cao đắp lên, cố định bằng băng dính, 3 ngày thay thuốc một lần. Công dụng: ôn thận sáp niệu, dùng rất tốt cho trẻ bị đái dầm do thể chất hư nhược.

Bài 5: Ích trí nhân 3g, đinh hương 5 cái, đại hồi 1 cái, nhục quế 3g, sinh khương vừa đủ. Giã sinh khương lấy nước cốt, các vị khác tán thành bột, trộn đều với nước sinh khương rồi nặn thành một cái bánh. Hàng ngày dùng bánh thuốc hơ nóng rồi chườm vào rốn, khi nguội hơ lại cho ấm rồi chườm tiếp trong 30 phút, mỗi ngày 1 lần.

Đắp thuốc trị chứng đái dầm ở trẻ
Vị thuốc ích trí nhân.

Bài 6: Hành trắng cả rễ 3 nhánh (dài chừng 5cm), lưu hoàng 30g. hai thứ cùng giã nát thành dạng cao rồi đắp lên rốn, cố định bằng băng dính trong 8 giờ rồi bỏ ra. Công dụng: hành ôn kinh tán hàn, thông khí bàng quang; lưu hoàng ôn bổ mệnh môn hỏa, cả hai phối hợp với nhau có tác dụng sáp niệu, trị đái dầm.

Bài 7: Lưu hoàng 30g, hành tây 120, hà thủ ô 30g. Hà thủ ô và lưu hoàng tán thành bột, hành tây giã nát, trộn tất cả với dấm gạo thành dạng cao rồi đắp vào rốn, cố định bằng băng dính, mỗi ngày thay thuốc một lần, 5 lần là một liệu trình.

Bài 8: Phục thần 20g, ngũ bội tử 20g. Hai vị tán thành bột, rây kỹ. Khi dùng, lấy một lượng bột vừa đủ rải lên một miếng băng dính có kích thước 4,5 x 4,5 cm rồi dán vào rốn, sau 1 đêm thì bỏ ra. Công dụng: phục thần lợi thủy thẩm thấp, kiện tỳ an thần; ngũ bội tử sáp niệu, hai vị hợp dụng: một lợi thủy, một sáp niệu, tương phản tương thành tạo nên công năng trị liệu đái dầm.

Bài 9: Bạch truật 20g, bạch thược 20g, bạch phàn 20g, lưu hoàng 20g, cam thảo 20g. Tất cả tán thành bột, mỗi lần lấy 10g hòa với nước thành dạng cao rồi đắp vào rốn, cố định bằng băng dính, 3 ngày thay thuốc một lần.


ThS. BS. Hoàng Khánh Toàn
Ý kiến của bạn