Dập nát bàn tay vì máy xay đá

24-08-2020 12:20 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Các bác sĩ Khoa Chấn thương - chỉnh hình & Bỏng và khoa Phẫu thuật – Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực Bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật bảo tồn cổ tay, bàn tay phải bị dập nát cho người bệnh bị tai nạn trong khi sử dụng máy xay đá.

Bệnh nhân là N. T. M. 54 tuổi, trú tại Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh. Theo lời kể của bệnh nhân, gia đình bà có thâm niên làm nghề xay đá nhiều năm nay. Một ngày trung bình xay khoảng 5 đến 6 tạ đá, mỗi viên đá nặng khoảng 6kg, kích thước 25x50cm, dày 7 đến 8 cm.

Hình ảnh tổn thương bàn tay qua phim chụp Xquang

Thông thường khi xay đá bà M. chỉ đẩy một phần đá vào máy và để máy tự cuốn đá vào trong. Tuy nhiên, ngày 18/8/2020, khi máy đã cuốn đá vào trong, bà M. không rời tay ra mà để tay cùng với đá cuốn vào máy. Đến khi máy cuốn đến khuỷu tay chị M. mới hốt hoảng gọi người nhà. Ngay lập tức người nhà đã ngắt cầu dao, gỡ tay chị M. ra khỏi máy, nhanh chóng cầm máu và đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí.

Tại Bệnh viện, bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng tỉnh, da xanh, niêm mạc nhợt, đau, chảy máu, mất vận động cổ tay, bàn tay phải, vết thương phức tạp bàn tay phải và 1/3 dưới cẳng tay phải, lóc da rộng, lộ cơ, gân. Người bệnh được chỉ định phẫu thuật cấp cứu nối gân, kết hợp xương, nối phục hồi động mạch quay phải bị đứt.

Hình ảnh tay người bệnh sau phẫu thuật nối gân, kết hợp xương, nối phục hồi động mạch quay phải bị đứt


Với sự phối hợp của các bác sĩ Khoa Chấn thương - chỉnh hình & Bỏng và khoa Phẫu thuật – Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực Bệnh viện, sau 3 tiếng phẫu thuật người bệnh đã được xử trí các vết thương đứt gân, cơ, động mạch và bảo tồn cổ tay, bàn tay phải.
Do vết thương dập nát nhiều nên người bệnh hiện đang được tiếp tục theo dõi đánh giá mức độ lưu thông máu sau nối mạch và mức độ nhiễm trùng tại khoa Phẫu thuật – Can thiệp Tim mạch & Lồng ngực để có hướng điều trị phù hợp.
Qua đây các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần áp dụng đầy đủ các biện pháp an toàn, cũng như cần hết sức tập trung trong quá trình lao động sản xuất. Bởi chỉ cần lơ là một chút, nguy cơ mất an toàn, nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng cho người tham gia sản xuất là rất cao.


Nhị Vũ
Ý kiến của bạn