Mùa hè nóng bức phơi nắng nhiều nên phụ nữ luôn bảo vệ làn da cho đỡ bắt nắng. Trước đây bỗng rộ lên phong trào đắp mặt nạ bằng thuốc Bắc. Chỉ phụ nữ ở thành phố mới có điều kiện đắp mặt nạ. Thời gian gần đây với giá cả đa dạng, ngay cả phụ nữ ở nông thôn cũng đua nhau đắp mặt nạ. Liệu loại mặt nạ này có thật sự đem lại hiệu quả thần kỳ khi được bán với giá rẻ như vậy?
Không nên tùy tiện đắp thuốc đông y lên mặt
Bỏng da, dị ứng vì làm đẹp
Một bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu khám kể lại về việc dùng mặt nạ thuốc đông y của mình: “Tôi đến một tiệm thuốc Bắc gần nhà hỏi mua những vị thuốc có thể làm trắng da. Sau đó, tôi nhờ họ xay nhuyễn, trộn tất cả các vị thuốc ấy lại với nhau. Theo hướng dẫn của tiệm, tôi trộn hỗn hợp thuốc đó với nước lạnh thành một bát thuốc sền sệt rồi đắp lên mặt mỗi tối”.
Khi đắp mặt nạ bằng thuốc đông y cần phải có ý kiến của nhà chuyên môn. Ảnh: M.H
“Tôi đắp lần thứ nhất, chừng mười lăm phút sau, có cảm giác da mặt mình bị nóng rát. Tôi nghĩ mới đắp lần đầu chắc chưa quen nên chuyện thấy nóng rát là phản ứng tự nhiên. Hôm sau tiếp tục đắp, thấy da nóng rát dữ dội hơn. Sáng ra, còn thấy nhiều mụn nước ửng đỏ nổi lên khắp mặt. Hoảng quá, tôi đi Bệnh viện Da liễu để khám ngay!”.
Da mặt là một vùng da hết sức nhạy cảm nên các chị em không thể tùy tiện đắp lên đó các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, khuynh hướng dùng thuốc đông y trong việc làm đẹp hiện đang được ưa chuộng bởi phái đẹp đang có xu hướng tìm về với các loại mỹ phẩm được chế xuất từ cây cỏ trong tự nhiên. Các thẩm mỹ viện cũng theo xu hướng này mà dùng thuốc đông y trong các quá trình trị liệu để thu hút khách. Nhiều người kháo nhau về chuyện ở thẩm mỹ viện có sử dụng thuốc đông y để trị nám, làm trắng da. Điều này là có thật, thế nhưng ít ai biết để làm cho da hết nám, trắng sáng, việc sử dụng thảo dược chỉ là một biện pháp hỗ trợ trong quá trình trị liệu.
Bên cạnh đó, nhiều chị em đã mua thuốc đông y tự chế về làm mặt nạ để đắp. Hậu quả của việc sử dụng loại mặt nạ làm từ thuốc đông y trôi nổi này là nhiều người bị dị ứng, nổi mẩn đỏ, đau rát, nên phải đi khám và điều trị ở Bệnh viện Da liễu.
Khi mua thuốc đông y trên thị trường, bạn không thể biết trong những gói thuốc không nhãn mác đó gồm có các thành phần nào, cũng như liều lượng của mỗi thành phần đó là bao nhiêu. Thế nên cũng không đảm bảo được thuốc đó có gây dị ứng hay tác hại nào khác cho da hay không. Khi quyết định dùng thuốc đông y để làm mặt nạ đắp, thậm chí pha chế với nhiều loại trái cây, sữa chua dùng thường xuyên khiến da bị dị ứng nên sưng đỏ, viêm tấy... bạn nên gặp thầy thuốc để được chỉ dẫn cụ thể, không nên tự ý mua về sử dụng.
Thuốc đông y có làm đẹp da?
Theo các nhà chuyên môn, một số vị thuốc đông y từ ngàn xưa đã được chứng minh là có công dụng trong việc làm đẹp. Danh y Tuệ Tĩnh trong Nam dược thần hiệu cũng đã ghi lại hai phương thuốc dùng hoa đào để làm đẹp da mặt cho phụ nữ. Phương thứ nhất: hoa đào 4 lạng ta, nhân hạt bí đao 5 lạng ta, vỏ quýt 2 lạng ta, tất cả đều phơi khô, tán bột, uống mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 2 đồng cân với nước ấm sau bữa ăn. Muốn da trắng thì thêm nhân hạt bí đao, nếu muốn da đỏ hồng thì thêm hoa đào. Uống 50 ngày thì mặt trắng, uống thêm 50 ngày nữa thì da dẻ toàn thân cũng trở nên trắng trẻo. Phương thứ hai: vào ngày mùng 3 tháng 3 âm lịch, lấy hoa đào phơi khô, tán bột. Ngày mùng 7 tháng 7 chích lấy máu ở mào con gà, đem trộn với bột hoa đào rồi bôi lên da mặt, sau 2 - 3 ngày màng thuốc bong ra thì da mặt trở nên tươi sáng như hoa. Do vậy, muốn làm đẹp da bằng đông y cần phải đến các nhà chuyên môn để biết kết hợp các thành phần này một cách hợp lý, đúng liều lượng, đúng loại da mang lại hiệu quả tốt nhất.
Theo lương y Đinh Công Bảy, Tổng thư ký Hội Dược liệu TP.HCM, trong đông y, các vị thuốc như bạch phục linh, cám gạo, trái cây, hoa đào, hoa hồng... có công dụng làm đẹp và đã được kiểm nghiệm thực tế. Tuy nhiên, các thành phần này phải được pha chế đúng liều lượng và thường sau một thời gian mới phát huy hiệu quả chứ không thể trong một sớm một chiều.
Ai cũng biết, thuốc đông y là một loại “mỹ phẩm” tự nhiên. Chúng tác động vào da và ngấm dần vào máu trong quá trình đắp mặt hoặc uống. Thế nên, chúng có công dụng lâu dài và an toàn, chứ không thể có tác dụng nhanh chóng như các loại hóa chất.
Hơn nữa, việc dùng thuốc đông y để uống hay đắp mặt đều phải sử dụng theo đúng liều lượng và tùy từng loại da.
Với các loại mặt nạ không nguồn gốc vừa nêu, không ai biết chúng gồm những thành phần gì. Cũng không loại trừ khả năng người bào chế thuốc có cho thêm một thành phần chất tẩy trắng nào đó vào thuốc đông y dạng bột này. Hơn nữa, do sự hiểu biết hạn chế, nhiều chị em tự ý mua thuốc bột về pha chế với nhiều loại trái cây, sữa chua để đắp lên mặt và lại dùng thường xuyên khiến da bị dị ứng nên sưng đỏ, viêm tấy...