BS. Hoàng Văn Tâm – Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Hà Nội) cho biết, gần đây bác sĩ tiếp nhận liên tiếp 4 trường hợp bệnh nhân vào viện vì tổn thương da đen, trắng xen kẽ nhau sau một thời gian dài đắp lá trầu không với mong muốn da trắng sáng, hết sạm da, nám má, tàn nhang…
Trường hợp đầu tiên là một phụ nữ 50 tuổi. Chị này từng bị nám má và được người thân quen giới thiệu đắp lá trầu không theo bài thuốc của người dân tộc Dao sẽ hết nám?!. Tin theo mách bảo, bệnh nhân đã đắp lá trầu không trong khoảng thời gian dài suốt 3 năm.
Bệnh nhân cho biết, tuần đầu tiên đắp lá, da của chị đã trắng hơn so với ban đầu. Sau một tháng, da bệnh nhân trắng hồng rất tự nhiên, nhìn đẹp như da em bé. Nhưng chị chẳng thể ngờ sau khi ngừng đắp lá, phần nám má trước đó lại xuất hiện trở lại, thậm chí còn nhiều hơn lúc đầu. Sốt ruột, bệnh nhân có tâm lý muốn dùng lại bài thuốc được mách bảo. Vì vậy, suốt 3 năm qua, bệnh nhân liên tục bỏ rồi dùng lại bài thuốc kể trên.
Cho đến gần đây, trên mặt xuất hiện những đốm trắng, đốm đen loang lổ theo từng chấm xen kẽ nhau, da càng ngày càng xuống cấp trầm trọng thì chị mới đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.
Tại đây, bác sĩ Tâm cho biết, toàn bộ da mặt của bệnh nhân là màu đen xen kẽ chấm trắng giảm sắc tố. Theo nhận định ban đầu, bác sĩ nghĩ ngay đến bệnh giảm sắc tố kiểu rắc hoa giấy.
Một ca bệnh khác, bệnh nhân quê ở Hải Dương nhập viện trong tình trạng da trắng như bạch biến. Bệnh nhân cũng bị chứng nám má, cách đây khoảng một năm, chị này đã đến một cơ sở spa bôi thuốc, đắp thuốc. Thời gian đầu, da bệnh nhân rất đẹp nhưng càng ngày, làn da bắt đầu xấu xí hơn trước. Bác sĩ nhận định bệnh nhân bị giảm sắc tố trên một vùng mặt, với đặc điểm tổn thương giảm sắc tố, bác sĩ nghĩ ngay đến viêm da tiếp xúc giảm sắc tố liên quan đến chất tẩy tương tự chất có trong lá trầu không.
Trắng da thần tốc, coi chừng hỏng da
Theo BS. Hoàng Văn Tâm, lá trầu không ban đầu được hấp, sau đó để nguội, đắp lên mặt trước khi đi ngủ. Trong lá trầu chứa phenolic compounds có cơ chế ức chế sản xuất melanin và lột da nên có tác dụng làm trắng da nhanh. Nhóm này bao gồm benzen, phenol, catechol, hydroquinone.
Chính điều này khiến nhiều người thích thú nhưng nếu dùng lâu dài thuốc sẽ làm mất hoàn toàn màu da tạo thành hình ảnh giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố. Tác dụng giảm sắc tố của những chất này sẽ tự mất đi theo thời gian giống như sử dụng hydroquinone trong điều trị nám má, tăng sắc tố sau viêm. Khác với monobenzen (cũng thuộc nhóm phenolic compounds) chất làm giảm sắc tố vĩnh viễn, thuốc này được Michael Jackson tự biến mình từ người da màu thành người da trắng.
BS. Tâm thăm khám cho bệnh nhân.
BS. Tâm phân tích, quá trình làm trắng da của lá trầu không chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu là giai đoạn tẩy da, trong 3 ngày đầu bệnh nhân có cảm giác kích ứng nhẹ như đỏ da, châm chích sau đó cảm giác này mất đi. Trong nghiên cứu ở Đài Loan trên 15 bệnh nhân, 8/15 bệnh nhân nhận thấy rằng, trắng da xuất hiện trong vòng một tuần sau đắp, trong đó có 3 bệnh nhân hiệu quả thấy được sau 3 ngày. Tác dụng trắng da này nhanh hơn bất kì loại thuốc làm trắng hiện tại trên thị trường.
Giai đoạn thứ 2 tăng sắc tố sau viêm, sau giai đoạn trắng da bệnh nhân sẽ xuất hiện tăng sắc tố.
Giai đoạn 3, giảm sắc tố hình chấm trên nền tăng sắc tố (confetti-like depigmentation).
Để điều trị cho những bệnh nhân này, các bác sĩ sẽ khuyên bệnh nhân ngừng đắp thuốc, chấp nhận da sẽ đen hơn nhiều. Tiếp đó, điều trị tăng sắc tố, tránh dùng các thuốc giảm sắc tố có nguồn gốc từ phenolic compounds trong đó có hydroquinone (chuẩn vàng điều trị tăng sắc tố). Ưu tiên sử dụng nhóm thuốc khác như azelaic, retinoid, kojic… Việc điều trị giảm sắc tố giống như bạch biến, hoặc chờ đợi phục hồi sắc tố sau một thời gian.
Bác sĩ khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với các bài thuốc làm đẹp truyền miệng kẻo nguy hiểm cho sức khỏe.
BS. Hoàng Văn Tâm cũng cho biết, nhiều người có thói quen ăn lá trầu không cũng dẫn đến việc giảm sắc tố vùng khoang miệng. Hay ở một số loại thuốc nhuộm tóc kém chất lượng có pha hoạt chất phenol cũng có thể gây triệu chứng tương tự.
Với biến chứng của phenol, các bác sĩ sẽ phải tiến hành giải quyết tình trạng tăng - giảm sắc tố cho bệnh nhân, có thể bằng thuốc bôi, chiếu tia UVB… Thông thường, mất khoảng một năm để làn da của bệnh nhân có thể phục hồi.
Với các trường hợp nặng, điều trị không hiệu quả cần điều trị bằng công nghệ cao hơn, có khi phải ghép da, ghép tế bào.
“Đây là một bệnh lý khó điều trị, dễ tái phát. Có người bị những đám không đều màu trên da, có khi là đốm đen như chân nhang ở hai má nhưng có người thì toàn bộ mặt trở nên đen sì.
Đáng nói là chúng tôi đã gặp khá nhiều người chữa nám má bằng các loại kem trộn không rõ thành phần hoặc các công nghệ làm đẹp không rõ nguồn gốc. Không ít trường hợp bệnh nhân đã sử dụng một số thuốc không phù hợp với điều trị laser nhưng thẩm mỹ viện vẫn chỉ định trị nám bằng laser”- TS. Hà cho hay.
Để giảm nguy cơ bị nám, TS. Hà khuyến cáo chị em cần hạn chế các tác động và tầm soát các bệnh lý liên quan đến hormone, nhất là hormone sinh dục và tuyến giáp, như dùng thuốc tránh thai, đặt vòng...
Hơn nữa, phòng nám bao giờ cũng dễ hơn điều trị nám. Một trong những biện pháp phòng nám hiệu quả là tránh nắng bằng các vật dụng che nắng (áo chống nắng, mũ rộng vành), hạn chế ra nắng từ 11 đến14 giờ - thời gian có cường độ ánh sáng cao trong ngày. Khi ra đường, nên bôi kem chống nắng đúng cách (2 giờ bôi 1 lần), kể cả trong những ngày trời râm mát. Ngoài ra, có thể uống thêm viên chống nắng.
Nếu bị nám phải điều trị, người bệnh cần được thăm khám và tư vấn bởi bác sĩ da liễu. Nên phối hợp nhiều biện pháp khác nhau như sử dụng các thuốc làm trắng sáng, lột da bằng hóa chất, laser và ánh sáng trị liệu để điều trị nám tại các cơ sở y tế uy tín.