Đắp lá thuốc trị rắn cắn, thiếu niên phải cắt bỏ cánh tay

10-07-2019 14:38 | Camera bệnh viện
google news

SKĐS - Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây - TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn cánh tay phải cho một bệnh nhân bị hoại tử do đắp lá thuốc trị rắn độc cắn.

Bệnh nhân là Y Lương Siu, sinh năm 2002, ngụ thôn 8, xã Ea Rốk, H.Ea Súp ( Đắk Lắk). Theo BS Lê Tất Thắng - Phó Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho biết, trước đó ngày 26/6, Khoa tiếp nhận bệnh nhân Siu  trong tình trạng nhiễm trùng, sốt, môi khô, lưỡi bẩn, bạch cầu cao, thiếu máu nặng, hoại tử toàn bộ cánh tay phải, bốc mùi hôi thối. Sau khi thăm khám, xác định không cứu được cánh tay nên các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật tháo khớp vai, bỏ chi hoại tử, chuyền 6 đơn vị máu cho bệnh nhân.

Cũng theo BS Thắng, người nhà bệnh nhân cho biết, anh Y Lương Siu bị rắn độc cắn nhưng không đi bệnh viện mà tự ý đắp thuốc tại nhà. Sau gần 20 ngày, toàn bộ cánh tay có dấu hiệu hoại tử nên mới đưa bệnh nhân vào viện.

“Trường hợp bệnh nhân này là rất may mắn, đáng lẽ bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc và tử vong do bị rắn độc cắn nhưng do bệnh nhân bị tắc mạch khiến chất độc không lưu thông được. Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm độc ít, không có rối loạn đông máu. Sau khi tiến hành phẫu thuật, hiện nay sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, bệnh nhân bị hoại thư sinh hơi nên hiện vết thương để hở, chúng tôi đang chờ vết thương ổn định sẽ khâu da thì 2 đóng vết thương”, BS Thắng nói.

Bệnh nhân Siu cho biết, cách đây mấy tuần anh cùng bạn lên núi chặt củi thì nhìn thấy một con rắn nặng gần 2kg. Lúc này, anh đuổi theo bắt rắn thì vô tình bị rắn cắn vào ngón trỏ tay phải. Do chủ quan, anh không nhập viện mà về nhà mua thuốc lá đắp của thầy lang trong vùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, tay bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu hoại tử nên gia đình đưa anh nhập viện.

Bệnh  nhân Siu nằm điều trị tại bệnh viện với cánh tay đã bị cắt.

Theo các bác sĩ nhiều bệnh nhân bị rắn cắn, người nhà thường sai lầm trong sơ cứu khi bị rắn cắn  là người nhà để bệnh nhân ở nhà áp dụng kinh nghiệm dân gian.


Nhiều trường hợp bệnh nhân để ở nhà tự điều trị đến khi có các biểu hiện của suy hô hấp như tím tái, co cơ, khó thở… hoặc sưng nề hoại tử diện rộng thì mới đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế. 

Các  bác sĩ khuyến cáo, các trường hợp sau khi bị rắn độc cắn cần nhanh chóng sơ cứu đúng cách với mục đích hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể.  Không tự ý điều trị bằng thuốc lá tại nhà, tránh hậu quả đáng tiếc.  Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như trường hợp rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu.

Sau đó, người nhà nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu suy hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để được xử lý kịp thời.
Người dân không sử dụng các biện pháp sau: Cố gắng hút nọc độc của rắn; Chích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn; Gây điện giật, chườm đá, sử dụng “hòn đá chữa rắn cắn” hay sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền, chữa bằng mẹo; Cố gắng bắt hoặc giết rắn… Tất cả các biện pháp trên đều không mang lại hiệu quả mong muốn và chưa có cơ sở khoa học chứng minh.

Các bước sơ cứu đúng khi bị rắn cắn:

1. Động viên bệnh nhân bình tĩnh để làm các động tác sơ cứu, tìm cơ sở y tế tốt nhất có thể đến cấp cứu kịp thời.

2. Không để bệnh nhân tự đi lại; bất động chân, tay bị rắn cắn bằng nẹp (vì vận động sẽ làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).

3. Băng ép bất động khi bị một số loại rắn hổ cắn (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang thường).

4. Đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế đồng thời duy trì băng ép, bất động.

5. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay...).

Trần Lực
Ý kiến của bạn