Hà Nội

Dập dìu hành lễ giải hạn đầu năm

15-02-2022 08:51 | Xã hội
google news

Trước thềm Rằm tháng Giêng, các chùa lớn ở Hà Nội đều chung cảnh nhộn nhịp khách hành hương vừa hành lễ, vừa đăng ký làm lễ cầu bình an, giải hạn.

Đến hẹn lại lên, các khóa lễ cầu an, giải hạn được tổ chức vào mỗi dịp đầu năm, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ghi nhận của phóng viên vào những ngày chạm Rằm tháng Giêng, các chùa trên địa bàn TP Hà Nội đều chung cảnh người dân dập dìu hành lễ.

 - Ảnh 2.

Năm nay, do dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên các chùa trên địa bàn Hà Nội luôn đảm bảo công tác phòng chống dịch bằng các khẩu hiệu tuyên truyền.

Do tháng Giêng là tháng đầu tiên của năm mới nên trước thềm rằm tháng Giêng, khách hành hương tại các chùa vừa hành lễ, vừa đăng ký các khóa lễ giải hạn, cầu bình an.

Tham gia hành lễ tại chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Linh (SN1988, tại Long Biên, Hà Nội) cho biết, vì hôm nay là ngày chuẩn bị bước vào Rằm tháng Giêng nên anh và gia đình đã có mặt tại chùa Quán Sứ từ rất sớm để vừa hành lễ, vừa tham khảo các khóa lễ cầu an, giải hạn đầu năm.

 - Ảnh 3.

Trước thềm Rằm tháng Giêng, các chùa lớn ở Hà Nội đều chung cảnh nhộn nhịp khách hành hương vừa hành lễ, vừa đăng ký làm lễ cầu bình an, giải hạn.

Anh Linh cho biết: "Năm nay, những người tuổi Thìn sinh năm 1988 bước vào năm đầu của hạn tam tai nên tôi đã đăng ký làm lễ giải hạn, cầu bình an tại chùa Quán Sứ. Theo thông báo của chùa Quán Sứ, nhà chùa tổ chức khóa lễ cầu an, giải hạn vào 14h các ngày mồng 6, 12, 20, 26 và 30 tháng Giêng. Vì đến chùa vào ngày Rằm nên tôi đăng ký làm lễ sớm nhất có thể là vào ngày 20 tháng Giêng tới đây".

Cũng theo anh Linh, chi phí cho lễ cầu an tại chùa Quán Sứ là 500.000 đồng, hoặc khách hành hương có thể tùy tâm đóng góp cho buổi lễ.

 - Ảnh 4.

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên ngay từ khu vực hành lang lối vào, các chùa đều chuẩn bị đầy đủ công tác phòng, chống dịch như xịt khử khuẩn, rửa tay, khẩu trang...

Tại chùa Giáp Nhất (Nhân Chính, Thanh Xuân), mặc dù nhà chùa không thông báo rộng rãi về các khóa lễ cầu an, giải hạn nhưng nhà chùa vẫn nhận, tổ chức các khóa lễ cầu an, giải hạn cho cư dân lân cận.

Theo nhà chùa, chi phí cho buổi lễ cầu an, giải hạn là "tùy hỷ", có thể dao động từ 200.000 – 300.000 đồng/sớ. "Phần chi phí này nhà chùa sẽ mua vật phẩm, đồ lễ. Sau lễ, các vật phẩm này sẽ được nhà chùa tán lộc cho người đến chùa hành hương", đại diện nhà chùa cho biết.

Không chỉ tiếp nhận thông tin người làm lễ trực tiếp tại chùa, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, một số nhà chùa đã tổ chức tiếp nhận thông tin, tổ chức các buổi khóa lễ cầu an, giải hạn bằng hình thức online.

 - Ảnh 5.

Hình ảnh người dân đi lễ tại chùa Phúc Khánh những ngày đầu năm mới.

Đơn cử tại chùa Phúc Khánh (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa), để đảm bảo công tác phòng chống dịch, ngoài việc tiếp nhận thông tin đăng ký cầu an tại chùa, nhà chùa cũng tổ chức tiếp nhận thông tin qua email, zalo, facebook.

Ngoài ra, buổi đại lễ "cầu nguyện quốc thái dân an" diễn ra vào 19h tối 14/2 cũng được "livestream" qua 3 trang facebook của nhà chùa.

 - Ảnh 6.

Công tác chuẩn bị cho buổi đại lễ cầu an diễn ra lúc 19h tối 14/2 đã được chuẩn bị tươm tất.

Trước đó, ngày 28/1, để tổ chức nghi lễ cầu an Tết Nhâm dần đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch và các hoạt động mừng Xuân mới an vui, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện trong cả nước nghiêm chỉnh tăng cường, nâng cao ý thức tự giác phòng, chống dịch.

Tổ chức, thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an, phục vụ nhu cầu tín ngưỡng tâm linh phải đảm bảo không tập trung đông người, thời gian phù hợp ngắn gọn, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không đốt vàng mã, tránh những nội dung nghi lễ không đúng chính pháp…

Xem thêm video đang được quan tâm:

7 lợi ích của vitamin C


Bảo Loan
Ý kiến của bạn