Các bác sĩ của Trung tâm Y học dưới nước và ôxy cao áp - Viện Y học biển Việt Nam vừa tiếp nhận điều trị cho 2 bệnh nhân bị bỏng nặng bằng trị liệu ôxy cao áp và mang lại kết quả điều trị rất tốt.
Bệnh nhân (BN) Vũ Thị X., (60 tuổi), vào viện vì bỏng nước sôi độ 2 cẳng chân phải, diện tích 6% ngày thứ 2. Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, trước khi vào viện bệnh nhân có tự bôi thuốc ở nhà (theo BN kể lại là cao lá vối). Chính điều này đã làm tổ chức bỏng hoại tử kèm theo đau rát, phù nề, chảy dịch mủ hôi nhiều.
Bệnh nhân vào viện đã được cắt lọc tổ chức hoại tử, thay băng vết thương kết hợp điều trị tích cực bằng ôxy cao áp 2 lần/ngày. 3 ngày đầu BN đau rát vết thương, còn nề, sau đó BN đỡ đau nhiều, lên tổ chức hạt tốt và không có dấu hiệu nhiễm trùng tái phát. Sau 12 ngày BN ra viện.
Tổn thương bỏng rất nặng ở bệnh nhân tự ý điều trị.
Bệnh nhân bỏng được sơ cứu đúng cách và chuyển viện sớm.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân Nguyễn Văn Lâm (48 tuổi), bị tai nạn xe máy đổ nồi hấp bánh bao lên nửa người dưới, được sơ cứu tại chỗ và đưa vào Viện Y học biển điều trị ngay.
Bệnh nhân vào viện chẩn đoán là bỏng nhiệt độ 2 vùng đùi, gối cẳng chân 2 bên, diện tích 18%. Bệnh nhân điều trị oxy cao áp 2 ca điều trị/ ngày, chỉ sau 2 ngày BN đã đỡ đau nhiều, hết nốt sưng phỏng. Sau 4 ngày BN được các bác sĩ cho ra viện với vết bỏng khô, hết đau rát.
GS.TS Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Viện Y học biển Việt Nam cho biết, hai bệnh nhân cùng bỏng độ 2 nhưng do cách xử trí khác nhau và thời gian nhập viện khác nhau đã ảnh hưởng đến kết quả điều trị của bệnh nhân.
“Ở BN thứ nhất, xử trí cấp cứu băng bài thuốc dân gian nên làm vết thương hóa mủ, mô bị tổn thương sâu hơn, thơi gian điều trị kéo dài hơn. Trong khi đó bệnh nhân thứ 2, bỏng diện tích lớn hơn nhiều nhưng được đưa đến Viện ngay và điều trị kịp thời bằng ôxy cao áp nên chỉ sau 4 ngày đã khỏi hoàn toàn và xuất viện trong niềm vui của cả gia đình”- GS.TS Nguyễn Trường Sơn nói.
Vết bỏng được điều trị tiến triển tốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng.
Rút ngắn điều trị bỏng cho người bệnh
Theo GS.TS Nguyễn Trường Sơn, hiện nay, việc điều trị các trường hợp bỏng bằng phương pháp ôxy cao áp đã mang lại kết quả ngoài mong đợi, nó giúp rút ngắn thời gian điều trị và hạn chế việc hình thành sẹo sau khi vết bỏng khỏi.
“Tác dụng của phương pháp này đối với bệnh nhân bỏng là giúp giảm đau, giảm nề, tăng tái tạo tân mạch, mọc tổ chức hạt đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình biều mô hóa và liền sẹo vết bỏng.
Và một trong những tác dụng tốt nữa của oxy cao áp trong quá trình thực tế chúng tôi điều trị là tác dụng chống nhiễm khuẩn, không có bệnh nhân nào có dấu hiệu nhiễm trùng khi điều trị bằng liệu pháp này”- chuyên gia này cho hay.
Các bác sĩ cho biết, bỏng là một tai nạn thường gặp trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong lao động. Hậu quả của bỏng tùy theo mức độ nặng nhẹ mà có thể ảnh hưởng tới nhiều chức năng của cơ thể, đặc biệt là các trường hợp không được xử lý cấp cứu kịp thời hoặc xử lý không đúng cách.
Chính vì vậy, GS.TS Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, nếu không may bị bỏng người dân hãy sơ cứu bỏng đúng cách và nhập viện điều trị càng sớm càng tốt, không nên tự bôi thuốc không rõ tác dụng lên vết bỏng để tránh gây hậu quả nghiêm trọng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Theo các bác sĩ, khi bị bỏng, cần quan sát thật kỹ và tùy theo nguyên nhân mà xử trí. Nên lưu ý trong những trường hợp phức tạp, phải bình tĩnh xem xét một cách tổng quát để giúp đỡ nạn nhân tốt nhất và tránh việc mình trở thành nạn nhân. Đảm bảo hiện trường an toàn cho người cấp cứu và nạn nhân, đặc biệt khi nguyên nhân bỏng là do hóa chất, phóng xạ, cháy nổ...
Sau đó sơ cứu theo thứ tự ưu tiên. Nếu nạn nhân có vấn đề về đường thở, chấn thương cột sống, chảy máu cần phải xử trí trước. Trường hợp nạn nhân còn tỉnh, cần nhanh chóng uống bù nước.
Xử trí vết thương nhanh chóng, nhẹ nhàng tránh đau cho nạn nhân. Cách xử trí bỏng còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra.
Ví dụ bỏng do nhiệt là loại hay gặp nhất, chiếm từ 60 - 75% các loại bỏng, nguyên nhân do lửa, nước sôi, tiếp xúc vật nóng. Công tác sơ cứu cần tiến hành tuần tự các bước dưới đây:
Bước 1: loại bỏ nguyên nhân gây bỏng càng sớm càng tốt như dập lửa, cởi bỏ quần áo đang cháy hoặc ngấm nước sôi, tách nạn nhân khỏi vật nóng...
Bước 2: việc sử dụng nước sạch để làm mát vùng bỏng chỉ có giá trị trong khoảng 30 phút đầu sau khi bị bỏng nên cần nhanh chóng ngâm vùng cơ thể bị bỏng vào nước mát. Đây là biện pháp đơn giản nhưng khá quan trọng trong sơ cấp cứu bỏng ban đầu. Nếu không thể ngâm cơ thể vào nước mát, có thể dùng cách dội nước mát hoặc đắp khăn mát lên vùng bị bỏng, tiến hành khoảng 15 - 20 phút. Nếu mùa đông cần giữ ấm các phần khác của cơ thể.
Bước 3: đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để điều trị.