Đáp án nào cho xiếc thú?

30-05-2018 19:49 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Gần đây, giới làm nghề và dư luận rất quan tâm tới việc Liên minh châu Á vì động vật (AFA - Asia For Animals Coalition) có thư ngỏ mong muốn nghệ thuật xiếc Việt Nam không sử dụng các loài động vật hoang dã để diễn xiếc. Từ đó, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi nên dừng hay vẫn diễn xiếc thú?

Góc nhìn đối lập

Trong thư ngỏ của AFA gửi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện gần đây, AFA cho biết, hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp. Theo những thông tin AFA thu thập được, có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép. Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. Chính vì điều này, AFA mong muốn hoạt động biểu diễn ở Việt Nam chấm dứt hoàn toàn sự bóc lột động vật tại các cơ sở biểu diễn xiếc.

Nhiều nghệ sĩ xiếc ở nước ta thời gian qua đã huấn luyện thú nuôi trong nhà để biểu diễn xiếc thú.

Nhiều nghệ sĩ xiếc ở nước ta thời gian qua đã huấn luyện thú nuôi trong nhà để biểu diễn xiếc thú.

Cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam từ lâu đã tồn tại, phát triển 2 loại hình nghệ thuật trong biểu diễn xiếc gồm xiếc người và xiếc thú. Trong đó, xiếc thú vốn là loại hình nghệ thuật luôn thu hút khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, thực tế xiếc thú cho thấy yếu tố mạo hiểm với người nghệ sĩ bởi chỉ cần một sơ suất hoặc một sự cố nhỏ trên sàn diễn với voi, gấu, sư tử, cá sấu... cũng có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, tính mạng nghệ sĩ bị đe dọa. Trong lịch sử xiếc thú nước ta đã từng xảy ra một số vụ việc thương tâm khi thú phản lại nghệ sĩ hoặc thú của đoàn xiếc tấn công người dân...

Trên thực tế, câu hỏi “Dừng hay vẫn nên biểu diễn xiếc thú?” đã được đặt ra với nhiều đoàn xiếc ở Việt Nam cũng như trên thế giới bởi yếu tố mạo hiểm và góc độ bảo tồn động vật quý hiếm. Nhưng đến nay, đáp án cho câu hỏi trên vẫn còn chưa thống nhất. Chẳng hạn, Hiệp hội Các đoàn xiếc châu Âu (ECA) với sứ mệnh thúc đẩy văn hóa và nghệ thuật xiếc cổ điển nhận định dùng động vật trong rạp xiếc mang tính giáo dục, giải trí và giúp người dân hiểu được khả năng của động vật. Trong khi đó, nhiều đoàn xiếc của Thụy Điển, Áo, Phần Lan, Singapore, Thụy Sĩ, Đan Mạch, Hy Lạp, Costa Rica, Bolivia... từ lâu đã không sử dụng động vật hoang dã để diễn xiếc mà chỉ cho phép dùng các loài được nuôi trong nhà như thỏ, mèo, chó nhằm bảo tồn động vật hoang dã quý hiếm cũng như đảm bảo an toàn cho nghệ sĩ xiếc thú.

Người trong cuộc nói gì?

Trước thư ngỏ của AFA, giới nghệ sĩ xiếc thú ở nước ta đã lên tiếng. Theo NSƯT Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam, việc một số loài động vật được tuyển chọn để chăm sóc, huấn luyện và biểu diễn trên sân khấu xiếc không đi ngược lại với các quyền và lợi ích cơ bản của các loài. Với nhiều tiết mục xiếc thú đặc sắc và có tính nghệ thuật cao của các đoàn xiếc Việt Nam thời gian qua đã góp phần giáo dục cho các thế hệ thiếu nhi tình cảm yêu thương, quan tâm và gần gũi hơn nữa của con người đối với các loài động vật. Trong khi đó, NSND Tâm Chính mong muốn không nên cấm diễn xiếc thú một cách cơ học như yêu cầu của AFA khi chưa hiểu hết đặc thù của việc biểu diễn và nuôi dạy con thú trong ngành xiếc. NSND Tâm Chính chia sẻ, những con thú hoang dại nhưng được đưa về làm xiếc bao giờ cũng được huấn luyện, chăm sóc, thương yêu và dạy dỗ những động tác để phục vụ khán giả chứ không phải đánh đập, dùng roi vọt.

Đồng quan điểm trên, NSƯT Phi Vũ - Phó Giám đốc Nhà hát nghệ thuật Phương Nam cho biết, những con thú được thuần phục như gấu, trăn, voi, ngựa… được người nghệ sĩ chăm sóc, nuôi dạy và được ở trong một điều kiện an toàn, không hề có sự đánh đập. Chính vì thế, một số ý kiến cho rằng việc cấm xiếc thú là thiếu cơ sở, điều quan trọng ở đây là chúng ta nên có quy định cụ thể về môi trường chăm sóc, môi trường huấn luyện và biểu diễn phù hợp với đặc thù của xiếc thú và từng loại thú. Trong trường hợp đơn vị nào nuôi nhốt, huấn luyện động vật hoang dã như voi, gấu, sư tử... với mục đích biểu diễn xiếc thú nhưng trái với quy định và có hành vi tận diệt động vật thì cơ quan chức năng mới nên vào cuộc xử lý, đóng cửa.

NSƯT Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ thêm, trong tương lai, liên đoàn sẽ thay thế các động vật hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người như đà điểu, mèo, chó, trâu... trong biểu diễn xiếc thú. “Tôi nghĩ rằng, với mong muốn của AFA vì động vật, chúng tôi không thể không thực hiện nhưng cũng cần có lộ trình. Tất nhiên, sân khấu biểu diễn xiếc không thể không có xiếc thú bởi mỗi con vật đều gắn liền với ký ức tuổi thơ lẫn việc giáo dục cho trẻ em”, NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn