Ở nước ngoài, đây là một hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng. Tranh, ảnh nghệ thuật cũng được xác định là hàng hóa và được lưu thông trong nền kinh tế thị trường, do đó, chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ và Bộ luật Hình sự. Nhưng ở Việt Nam lại trở thành một “nghề ưa chuộng”, “lắm công phu”, “lợi nhuận khủng”.
Bức xúc của người trong giới
Việc phát hiện quá nhiều sai phạm chép tranh, đạo tranh, vi phạm bản quyền ngang nhiên, nhức nhối khiến các họa sĩ không khỏi buồn lòng. Họ cho rằng các cơ quan có chức năng cần xử lý “mạnh tay” bởi vì vấn nạn xâm phạm bản quyền đã ở mức không thể kiểm soát nổi. Không chỉ những danh họa thế giới, nhiều họa sĩ Việt Nam cũng là mục tiêu nhắm đến của các “nghệ nhân” sao chép tranh.
Khoảng giữa năm 2019, giới mỹ thuật Việt bức xúc vì tranh của các họa sĩ Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Huyền, Nguyễn Đăng Sơn, Phan Linh Bảo Hạnh... đã bị nhiều công ty áo dài sử dụng, cắt ghép trái phép vào hàng trăm mẫu thiết kế, chào bán rộng rãi trên mạng xã hội. Vì tính chất ngang nhiên, công khai, trắng trợn của sự việc, các họa sĩ đã phải nhờ tới luật sư, nhằm xử lý rốt ráo vụ việc. Họa sĩ Bùi Trọng Dư cũng lập nhóm “Phản đối xâm phạm bản quyền tác phẩm hội họa” nhằm mục đích cùng các họa sĩ bảo vệ tác phẩm của mình. Dù mới hoạt động, nhóm này đã nhận được nhiều phản hồi từ các họa sĩ, nhà nghiên cứu, chuyên gia về tình trạng vi phạm bản quyền ở khắp nơi.
Vụ việc trên chưa kịp nguội thì họa sĩ Hà Hùng Dũng phát hiện hàng chục bức tranh sơn dầu, màu nước của anh bị một đơn vị tại Hà Nội chép lại thành tranh tường và tranh treo trang trí cho một khách sạn 5 sao ở Sa Pa. Trước đó, họa sĩ Bùi Tiến Tuấn, Đặng Tiến, Lâm Đức Mạnh... cũng là “nạn nhân” của tình trạng này. Rất nhiều tác phẩm hội họa đã bị các nhà hàng, quán cà phê, khách sạn tự ý chép thành tranh tường trang trí hoặc chào bán công khai trên mạng, bất chấp quy định về sở hữu trí tuệ.
Không ít lần mỹ thuật Việt “muối mặt” vì những vi phạm bản quyền.
Cũng không ít lần mỹ thuật Việt “muối mặt” vì những hành vi vi phạm bản quyền. Thậm chí người trong giới không ngần ngại khẳng định, vấn nạn tranh chép là một phần nguyên nhân khiến cho tranh của họa sĩ Việt Nam mất giá trên thị trường quốc tế. Điển hình phải kể đến bộ tranh sơn mài An lạc của họa sĩ Nguyễn Trường An bị tố đạo 90% ý tưởng tác phẩm khắc gỗ A di đà Phật của họa sĩ Nguyễn Khắc Hân. Giữa tháng 8 năm nay, giới chơi tranh phát hiện thêm hai tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Rô Hùng bị một nhà sưu tập xóa chữ ký, mạo danh là tranh Phạm An Hải. Một tờ báo của Mỹ từng viết, ngay cả tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng không phân biệt chắc chắn trong số những bức tranh quý đâu là bản sao và đâu là tác phẩm thật.
Vi phạm chỉ cần... xin lỗi?
Hầu hết vụ vi phạm bản quyền trong lĩnh vực mỹ thuật nói riêng và nghệ thuật nói chung đều được giải quyết bằng mức phạt hành chính nhẹ nhàng hoặc một câu xin lỗi cho xong. Thậm chí, nghệ sĩ phải “ngậm đắng nuốt cay” vì không thể làm gì. Thậm chí nhiều vụ việc vi phạm bản quyền nghiêm trọng cũng chưa được xử lý một cách thỏa đáng.
Có thể nói, vấn đề khó khăn nhất với thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay chính là người ta không thể phân biệt thật - giả. Mỗi khi có tố giác về nạn chép tranh, nhái tranh, tranh giả đều là do họa sĩ hoặc người thân của họa sĩ tự lên tiếng, chủ yếu thông qua mạng xã hội như facebook. Các cơ quan quản lý, ngành chức năng, các chuyên gia thẩm định, nhà phê bình nghệ thuật, ai sẽ bảo vệ cho các nghệ sĩ và những đứa con trí tuệ của họ trong cuộc chiến này? Có lẽ sẽ còn khá lâu mới tìm được câu trả lời.
Sẽ là cái giá quá đắt nếu chúng ta tiếp tục thỏa hiệp và làm ngơ với tình trạng xâm phạm bản quyền trong giới mỹ thuật. Tương lai không xa, nền mỹ thuật Việt sẽ khó giữ được vị trí như hiện nay trên thị trường quốc tế. Thực tế, việc thực thi pháp luật về bản quyền, sở hữu trí tuệ ở Việt Nam từ lâu đã trong tình trạng đáng báo động. Hy vọng, với sự chung tay vào cuộc quyết liệt hơn của không chỉ cơ quan quản lý mà cả những cộng đồng nghệ sĩ, nhà sản xuất trong các lĩnh vực thì vấn đề này sẽ tháo được nút thắt. Nghệ sĩ và công chúng sẽ có thêm kiến thức, ý thức hơn trong việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật...