Thời điểm này, không chỉ có nho, táo, dưa... mà các loại đào Trung Quốc cũng đổ bộ chợ Việt. Theo đó, đào da trơn lòng vàng và xanh giá dao động từ 7.000-12.000 đồng/kg tuỳ loại, đào lông giá 20.000 đồng/kg; đào mỏ quạ, đào mật giá từ 30.000-55.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, ngoài những loại đào có giá rẻ, trên thị trường còn xuất hiện đào tiên Trung Quốc giá vô cùng đắt đỏ. Loại đào này được quảng cáo là hàng Vip, vỏ có màu đỏ hồng, ăn giòn ngọt, trọng lượng dao động từ 350-400 gram/quả.
Đào tiên được đóng theo thùng 9 quả, trọng lượng hơn 3kg bán với giá 500-600 ngàn đồng/thùng. Tính ra, giá đào tiên dao động từ 165.000-200.000 đồng/kg, tương đương 55.000 đồng đến gần 70.000 đồng một quả.
Với mức giá trên, đào tiên vượt qua cả nho sữa Vân Nam trở thành loại trái cây Trung Quốc đắt nhất thị trường Việt Nam hiện nay.
Trao đổi với PV. VietNamNet, chị Thuý Hoà, đầu mối bán trái cây ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội), thừa nhận, loại quả này mới chớm mùa, giá lên tới 500.000 đồng một thùng 9 quả.
Theo chị, ở chợ đào Trung Quốc nhiều vô kể, giá bán tương đối rẻ nhưng nhiều khách vẫn chọn mua đào tiên. Bởi, loại đào này không chỉ to, mẫu mã bắt mắt mà phần thịt còn giòn, vị ngọt thuần khác hẳn với đào mỏ quạ hay đào tuyết Lệ Giang (hai loại được đánh giá cao về độ giòn ngọt).
Với kinh nghiệm bán đào nhiều năm nay, chị Hoà cho biết, mùa đào tiên rất ngắn, chỉ rộ trong vòng hơn 1 tháng. Khi chín đúng độ đào cứng quả, đảm bảo ăn giòn ngọt, còn để chín quá sẽ bị mềm. Do đó, những tín đồ của đào tiên thường tranh thủ mua về ăn hoặc làm quà biếu tặng khi chớm mùa thu hoạch.
“Giá loại này khá cao nhưng ngày cao điểm tôi cũng bán hết vài chục cân”, chị chia sẻ.
Chị Nguyễn Hồng Ánh, chủ cửa hàng trái cây ở Kim Ngưu (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho hay, cửa hàng chị đang bán 3 loại đào Trung Quốc, gồm: đào trơn lòng vàng giá 15.000 đồng/kg, thường được chị em nội trợ mua về làm món trà đào giải nhiệt; đào mỏ quạ 55.000 đồng/kg và đào tiên 200.000 đồng/kg.
Với đào mỏ quạ và đào trơn lòng vàng, cửa hàng lúc nào cũng có sẵn vì nguồn cung khá dồi dào. Một ngày chị tiêu thụ hết 1,5-2 tạ.
Còn đào tiên muốn ăn phải “xếp hàng”. Bởi, mới chớm mùa, một tuần chị nhập chỉ được 2-3 chuyến. Lượng hàng về vừa đủ trả đơn, muốn thưởng thức khách đều phải đặt trước.
“Sáng hôm nay cũng vậy, 35 thùng đào vừa về chỉ đủ giao khách. Những đơn đặt sáng nay đều phải chờ vì 2 ngày sau mới có chuyến tiếp”, chị Ánh nói.
Theo một số chủ cửa hàng ở Hà Nội, sở dĩ muốn ăn đào tiên khách phải đặt trước bởi giá loại quả này khá đắt đỏ và khó bảo quản. Đào để ở nhiệt độ thường rất nhanh hỏng nên họ chỉ nhập theo đơn khách đặt, không có sẵn ở cửa hàng. Đến trung tuần tháng 7, đào tiên rộ vụ lúc đó cửa hàng nhập về số lượng lớn sẽ dễ mua hơn thời điểm hiện tại.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của rau quả Việt Nam xuất khẩu, nhưng hàng năm nước ta cũng chi một lượng tiền khủng để nhập các loại rau quả của Trung Quốc về phục vụ tiêu dùng nội địa.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2022, kim ngạch nhập khẩu rau quả từ Trung Quốc đạt trên 858 triệu USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta cũng chi ra gần 260 triệu USD để nhập các mặt hàng rau quả và trái cây từ Trung Quốc.