Đào tạo y khoa và Lễ Tri ân (Macchabée)

18-01-2017 13:22 | Tin nóng y tế

SKĐS - Nếu học y khoa mà không tuyên thệ lời thề Hippocrate trong lễ tốt nghiệp và run run thắp một nén hương tri ân trong ngày lễ Macchabée thì cái ý vị của những ngày tháng trong đời sinh viên cũng nhạt nhòa đi ít nhiều.

Hôm nay, trong những ngày cuối cùng của năm Bính Thân 2016 chuẩn bị đón mừng năm mới Đinh Dậu 2017, Đại học Y Dược TP.HCM long trọng tổ chức Lễ Tri ân những người đã hiến tặng thi hài cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học và đào tạo y khoa. Cùng với sự phát triển của đất nước, ngành y khoa cũng không ngừng lớn mạnh, từ một trường đại học đầu tiên ở Hà Nội năm 1902 đến nay, một hệ thống trường đại học và Viện Nghiên cứu y khoa đã xuất hiện ở khắp mọi miền đất nước: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thái Bình, Vinh, Huế, Đà Nẵng, Tây Nguyên, Cần Thơ, Trà Vinh, Long An, Hậu Giang, TP.HCM... Trong quá trình học tập để trở thành bác sĩ y khoa, sinh viên phải qua một môn học quan trọng, đó là môn Giải phẫu - môn cơ sở của các môn cơ sở. Tuy nhiên, muốn học tốt môn này - điều quan trọng, quyết định nhất là phải có tiêu bản người thật. Để có được những tiêu bản - những thi hài cho đào tạo, nghiên cứu, lịch sử phát triển y khoa đã phải trải qua nhiều ngàn năm, thăng trầm cùng với lịch sử phát triển của xã hội loài người. Ngay từ buổi xa xưa thời trung cổ, sự nuối tiếc và cầu chúc của những người đang sống đối với những người đã đi xa, luôn tồn tại trong suy nghĩ của những người thân còn lại, tình cảm thiêng liêng đó được ghi đậm dấu ấn trong những nghi lễ, hội hè, thờ cúng và nghệ thuật. Người xưa đã vẽ, đã khắc họa những bức tranh mô tả lễ hội khiêu vũ của những người chết dưới âm phủ với niềm mong mỏi: người thân của mình khi qua đời sẽ được sang một thế giới mới, một thế giới hoàn toàn bình đẳng, an lành và siêu thoát. Hippocrate - nhà y học Hy Lạp thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, ông tổ của nền y học phương Tây là người đầu tiên đưa những luận thuyết khoa học vào y học, xua đi bóng đêm mê tín dị đoan của những thế kỷ trước. Trong gần 2.000 năm kể từ thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên đến sau thế kỷ 15 sau Công nguyên, tôn giáo thời đó là một rào cản sự phát triển của khoa học kỹ thuật, nhiều nhà khoa học phải hy sinh tính mạng để bảo vệ luận điểm của mình. Nhà y học bị cấm mổ xác để nghiên cứu và giảng dạy, ai vi phạm sẽ bị treo cổ... giải phẫu động vật tuy có giúp ích phần nào trong đào tạo nhưng không thể thay thế giải phẫu học cơ thể người. Phương pháp luận khoa học thực nghiệm đã thôi thúc nhu cầu khám phá những bí mật trong cơ thể con người, tìm hiểu các quy luật vận động... và bất chấp mọi sự nguy hiểm, thầy trò ngành y đã bí mật đem các thi hài vô thừa nhận xuống các hầm ruợu để mổ xẻ, học tập. Đến thời kỳ Phục hưng, thế kỷ 16 sau Công nguyên, ngành giải phẫu học phát triển mạnh mẽ, trở thành một môn học quan trọng, việc phẫu tích xác trở nên phổ biến và bắt buộc trong các trường đại học. Các nhà giải phẫu học là những người cảm nhận hơn ai hết sự cống hiến vô giá đầy hiệu quả của những thi hài phục vụ cho học tập, nghiên cứu... Vì thế, các nhà giải phẫu và sinh viên y khoa đã có sáng kiến, biến tinh thần biết ơn trên thành buổi lễ Macchabée - khiêu vũ tạ ơn những người đã hiến thân mình cho khoa học vào dịp lễ Noel hàng năm. Macchabée là một hình tượng văn hóa độc đáo, phổ biến ở các nước phương Tây, thể hiện tính đa dạng trong nghi lễ, hội hè, âm nhạc và nghệ thuật, lễ hội Macchabée còn mang đậm tính nhân văn sâu sắc bởi sự kính trọng và thương tiếc của những người sống đối với những người đã khuất, qua đó, gửi gắm khát vọng hạnh phúc và bình đẳng cho tất cả mọi người.

Đào tạo y khoa và Lễ Tri ân (Macchabée)Đại học Y Dược TP. HCM tổ chức Lễ Tri ân người hiến tặng thi hài cho khoa học.

Ở Việt Nam, trường đào tạo y khoa (Tây y) đầu tiên được thành lập năm 1902 tại Hà Nội với vị Hiệu trưởng BS. Alexandre Yersin, khi đó lễ Macchabée vẫn thường được tổ chức... nhưng trong giai đoạn những năm 1954-1998, do những biến động lớn lao của lịch sử nên lễ Macchabée đã bị gián đoạn trong một thời gian khá dài. Từ năm 1985, sau thời kỳ kinh tế bao cấp trì trệ, ĐHYD TP.HCM bắt đầu được trang bị và đầu tư nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại hơn, nhưng tất cả chỉ có tính chất hỗ trợ chứ hoàn toàn không thể nào thay thế tiêu bản người thật, giải phẫu học còn là một môn học đào tạo, rèn luyện những nhà phẫu thuật tài năng... Tuy nhiên, thi hài người để giảng dạy lại quá thiếu, nhà trường rất lo lắng cho sự học tập và nghiên cứu của sinh viên, nhưng không thể nào có được một phương kế gì khả dĩ tốt hơn. Năm 1990, cùng với công cuộc đổi mới của đất nước, PGS. Chủ nhiệm Bộ môn Giải phẫu Nguyễn Quang Quyền đã quyết định tổ chức lễ hội Macchabée nhằm tri ân những người đã hiến thi hài cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo y khoa. Lễ hội năm 1990 ở ĐHYD TP.HCM đã tiếp nối và hòa nhập với lễ tạ ơn Macchabée trên thế giới, từ đó, lễ hội đã nhanh chóng truyền sang tất cả các trường đại học y khoa ở Việt Nam, trở thành một ngày lễ không thể thiếu đối với sinh viên y khoa. Nghi lễ tạ ơn và thông qua đó góp phần giáo dục y đức cho sinh viên được dư luận và các phương tiện truyền thông đại chúng ủng hộ, đến tháng 12/2016, nhà trường đã nhận được 27.311 đơn tình nguyện và đã tiếp nhận 736 thi hài. Với sự có mặt của 736 thi hài những người tình nguyện, họ thực sự đã đi vào tâm hồn và trái tim của thầy, cô, sinh viên y khoa như một dấu son đỏ thắm nhất của lòng yêu thương con người. Năm 1999, Bộ môn Giải phẫu có một đề tài nghiên cứu xã hội học về những người tình nguyện hiến thi hài sau khi qua đời, phía sau các bảng phân tích kết quả và bàn luận... còn có những điều không có trong báo cáo... đó chính là một bài học vô vùng xúc động về đức hy sinh và lòng nhân ái. Chúng tôi nhận thấy rằng: dù ở bất cứ nơi đâu trên đất Việt Nam đều có những người sẵn sàng tình nguyện. Đến với nhà trường, họ là những người rất bình thường, với những mái tóc đã đốm bạc, với những thân hình nhỏ bé, với những vết nhăn khắc khổ của một cuộc mưu sinh vất vả... nhưng luôn có những suy nghĩ, trăn trở, muốn gửi gắm, trao tặng tất cả những cái gì mình có thể có cho việc đào tạo y khoa, coi di hài của mình như một món quà dành tặng cho cuộc sống, vẫn có những trái tim vàng coi sự dâng hiến là hạnh phúc. Tấm lòng nhân ái, hy sinh cao cả của những người tình nguyện, thầy, cô, sinh viên ĐHYD TP.HCM chúng tôi vô cùng kính trọng, biết ơn, đó cũng là những tấm gương rất gần, rất thực về giáo dục y đức cho các sinh viên.

Đào tạo y khoa và Lễ Tri ân (Macchabée)Lễ tri ân tại phòng thực tập bộ môn giải phẫu.

Trước thềm năm mới, trong không khí đón xuân và những ngày trang trọng của lễ Macchabée, với tư cách là một người thầy thuốc - thầy giáo, cho phép tôi có đôi lời với những thầy, cô đặc biệt của chúng ta, đó là những thi hài trang nghiêm trong giảng đường Bộ môn Giải phẫu... những người mà trong suốt cuộc đời học nghề và hành nghề, sinh viên và thầy thuốc chúng tôi luôn mãi mãi mang nặng nghĩa ân. Thưa các bạn, dẫu cho các bạn đã rời xa cuộc sống đời thường để vào cõi vĩnh hằng bất tử, nhưng thân thể các bạn vẫn ở tại nơi này, vẫn âm thầm lặng lẽ trao tặng những gì cuối cùng còn lại của các bạn cho chúng tôi để chúng tôi được học tập và nghiên cứu, chúng tôi hiểu sâu sắc rằng sự có mặt của các bạn là phương tiện tốt nhất, quý nhất trong giáo dục và đào tạo y khoa, tất cả sinh viên và những người thầy thuốc, dù ở bất cứ nơi đâu cũng đều thấu hiểu sự cống hiến to lớn của các bạn, luôn nghĩ về các bạn với lòng kính trọng, yêu thương và biết ơn vô hạn. Những hình ảnh giải phẫu của các bạn luôn luôn khắc sâu trong tâm trí chúng tôi, sẽ theo mãi với chúng tôi trong suốt quãng đời học nghề và hành nghề của mình. Sự cống hiến và hy sinh của các bạn tuy âm thầm, lặng lẽ, không có tượng đồng, bia đá nhưng trong trái tim của thầy trò chúng tôi... mãi mãi các bạn vẫn là những người bất tử. Xin các bạn hãy tin rằng, chúng tôi sẽ đón nhận tất cả những gì mà các bạn đã để lại, chúng tôi sẽ trân trọng sử dụng có hiệu quả nhất, chúng tôi sẽ đem hết khả năng và trí tuệ của mình học tập, nghiên cứu, trở thành người thầy thuốc giỏi, có lương tâm và danh dự, sẵn sàng hết lòng phục vụ người bệnh, phục vụ vô tư và trong sáng... cũng giống như sự hy sinh vô tư và trong sáng mà các bạn đã dành cho thầy trò chúng tôi. Một mùa xuân mới sẽ lại đến, nhìn những đóa hoa rực rỡ, những chồi non xanh, lộc biếc, chúng ta cũng nao lòng khi thấy những chiếc lá úa vàng đã lìa cành, nhưng chúng ta cũng biết rất rõ: Những chiếc lá ấy đâu phải chỉ như nói về kỷ niệm một mùa xuân đã qua... lá vàng lặng lẽ rụng xuống, lặng lẽ phân hủy để thành muôn vàn dưỡng chất, làm màu mỡ thêm cho đất, nuôi cây đời mãi mãi xanh tươi. Nguyễn Du đã từng viết “Thác là thể phách, còn là tinh anh”... với những thi hài của người tình nguyện, họ dường như vẫn còn cả hai, vẫn còn đó “Thể phách” với từng  mạch máu, bắp cơ, từng bộ phận cơ thể trong  bài giảng của thầy, trò trường y... vẫn còn đó  “Tinh anh” trong mỗi dịp xuân về, trong mỗi dịp Lễ Tri ân - Macchabée truyền thống... những người thầy, người bạn đó luôn hiện hữu cùng với chúng ta và đang tiếp tục một cuộc sống khác đầy ý nghĩa.

Trong buổi lễ trang trọng này, trước thềm năm mới: Xin kính chúc toàn thể quí vị đại biểu và gia đình những người tình nguyện, kính chúc quý thầy, cô, quý đồng nghiệp, các em sinh viên và các bạn một năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt và đón một mùa xuân mới thật tươi vui.


BS. Phan Bảo Khánh
Ý kiến của bạn