Đào tạo xiếc: Muốn trò hay phải có thầy giỏi

04-07-2014 10:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một clip đăng tải trên mạng xã hội đã ghi lại cảnh thầy giáo Đỗ Thành Trung có hành vi lăng mạ, ném cốc thuỷ tinh vào thầy hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam

Một clip đăng tải trên mạng xã hội đã ghi lại cảnh thầy giáo Đỗ Thành Trung có hành vi lăng mạ, ném cốc thuỷ tinh vào thầy hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam trong cuộc họp đang khiến dân mạng xôn xao trong nhiều ngày qua. Hành vi côn đồ của người thầy giáo trong clip đã hứng chịu hàng ngàn “gạch đá” từ các ý kiến comment dưới clip, dư luận vô cùng lo lắng khi mà môi trường giáo dục lại xảy ra những hành vi côn đồ như vậy.

Đâu là chuẩn mực đạo đức giáo viên?

TS. Hoàng Minh Khánh - Hiệu trưởng Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ Việt Nam đã xác nhận clip ghi lại cảnh trong cuộc họp với Khoa Xiếc ngày 1/4/2014 do hiệu trưởng chủ trì với các nội dung tổng kết đánh giá những công việc, đồng thời trả lời chất vất các vấn đề vướng mắc của các bộ, viên chức. Có 12 câu hỏi của 8 giáo viên lần lượt được đặt ra, trong đó giáo viên Đỗ Thành Trung đã nêu ra hai câu chất vấn hiệu trưởng là tại sao mình bị tăng lương chậm 6 tháng và vì sao nhà trường không dán niêm yết công khai bảng điểm thi học kỳ của sinh viên. Theo diễn biến trong clip, giáo viên Trung dùng tay chỉ vào mặt thầy hiệu trưởng và tỏ ra không đồng tình với câu trả lời của thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng ngắt lời, yêu cầu giáo viên Trung không được dùng tay chỉ mặt người khác trong lúc đối thoại. Bất ngờ, giáo viên Trung phản ứng, đứng dậy văng tục rồi cầm cốc nước xông đến ném thẳng vào mặt thầy hiệu trưởng. Do cự ly ném quá gần, chỉ cách chỗ hiệu trưởng ngồi chưa được 3m nên thầy Khánh hầu như không kịp phản xạ hoặc né tránh vì quá bất ngờ. Chiếc cốc đập vào xương quai xanh và trúng vào búi thần kinh ở vai vỡ vụn bắn ra xung quanh đã khiến một tay của thầy hiệu trưởng bị xệ và tê bại không cử động mất hơn nửa tháng. Ngay sau cuộc họp, ngày 29/4, Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy đã gửi thông báo về việc khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can Đỗ Thành Trung với hành vi “cố ý gây thương tích phạm vào Điều 104 Bộ Luật hình sự”. Ngày 6/5, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cũng đã có Công văn số 1402 do Thứ trưởng Lê Khánh Hải ký gửi Giám đốc Công an thành phố Hà Nội về việc đề nghị điều tra, xử lý vi phạm pháp luật.

Dàn dựng một tiết mục xiếc.

Tại lễ tổng kết năm học 2013-2014 vừa được tổ chức tại Trường Xiếc, bên cạnh những thành tích đạt được không thể phủ nhận bởi thành công của thầy và trò trong chuyên môn với nhiều giải thưởng cao giành được trong các cuộc thi và liên hoan xiếc quốc tế, vượt qua cả các diễn viên xiếc chuyên nghiệp ở các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì bản báo cáo tổng kết của Trường Xiếc đã không thể không nêu lên những hiện tượng “lệch chuẩn” trong đạo đức của một bộ phận giáo viên của Trường Xiếc: “Hiện nay, trong số giáo viên huấn luyện xiếc của trường còn tồn tại một số hiện tượng vi phạm ngay cả quy chế văn hoá công sở như không mặc trang phục theo đúng quy định khi tham gia huấn luyện kỹ năng thực hành đã làm ảnh hưởng đến chất lượng huấn luyện đào tạo cho học sinh. Có giáo viên xăm trổ trên người như thành phần xã hội đen. Có giáo viên còn chửi bới, lăng nhục học sinh và đồng nghiệp: không biết tự tôn trọng mình, thậm chí còn ngang nhiên mặc quần đùi, quần sooc, áo phông đến dự các buổi lễ trang trọng của ngành giáo dục như khai giảng năm học, ngày Nhà giáo Việt Nam...”.

Rõ ràng, những biểu hiện của một bộ phận giáo viên ở Trường Xiếc đã thể hiện lối sống không nghiêm túc và thiếu kỷ cương đạo đức nghề nghiệp. Những hiện tượng tồn tại nêu trên đã làm hoen ố hình ảnh và nhân cách của nhà giáo nói chung và hình ảnh, nhân cách của đội ngũ giáo viên Trường Xiếc nói riêng.

Bài toán cần lời giải...

Đề án nâng cấp Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc VN lên bậc đại học đã được lãnh đạo Bộ VHTT&DL thông qua, tuy nhiên, nhìn vào thực tế thì Trường Xiếc đang phải đối diện với những khó khăn và không thể không giải quyết. Mối lo đầu vào từ công tác tuyển sinh đang được khai thông với tỷ lệ lựa chọn ngày càng tăng cao là dấu hiệu khả quan để có những tài năng trẻ cho nghệ thuật xiếc thì xiếc phải đối diện với bài toán đó là muốn có trò hay thì phải có thầy giỏi. Mặt bằng trình độ đào tạo ban đầu của đội ngũ giáo viên xiếc hiện nay quá thấp, đội ngũ không đồng đều. Nguyên nhân là do những năm trước đây việc đào tạo và tuyển dụng không theo một chuẩn quy định, nhiều nghệ sĩ trở thành giáo viên xiếc sau khi không có khả năng biểu diễn trên sân khấu hoặc chưa từng biểu diễn nên trình độ rất hạn chế.

Nhằm từng bước chuẩn hóa trình độ đội ngũ cán bộ giáo viên, trường đang thực hiện những bước đi cụ thể như: Ký hợp đồng biểu diễn và giảng dạy đối với các tài năng xiếc trẻ. Trường cũng đã làm việc với Ban giám hiệu Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và Trường ĐH Văn hóa nghệ thuật Quân đội để mở khóa đào tạo Đạo diễn sân khấu chuyên ngành xiếc, cử cán bộ, giáo viên đi đào tạo cao học, trình độ thạc sĩ. Việc khắc phục những tồn tại trong công tác đào tạo không thể giải quyết một sớm một chiều, nhưng mặc dù còn những mặt tồn tại mà dư luận đề cập thì không phủ nhận rằng, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh của Trường Xiếc đã vô cùng cố gắng. Trong điều kiện tập luyện và học tập vô cùng khó khăn nhưng trong các kỳ liên hoan, cuộc thi nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp, các tiết mục của học sinh Trường Xiếc luôn giành giải cao nhất. Những thành tích của các học sinh đã vượt xa các bậc đàn anh, đàn chị trong các đoàn xiếc chuyên nghiệp là điều đáng mừng.

Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và Tạp kỹ VN được thành lập tháng 11/1961, là cơ sở duy nhất đào tạo diễn viên xiếc chuyên nghiệp và một số chuyên ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cho ngành xiếc Việt Nam và quốc tế trên phạm vi các nước khu vực Đông Nam Á. Việc nâng bậc học cao hơn là một việc làm rất cần thiết nhưng rõ ràng Ban giám hiệu nhà trường cũng như các cơ quan có trách nhiệm cần có những biện pháp tích cực để ổn định tình hình mang lại sự lành mạnh trong môi trường đào tạo nghệ thuật cũng như nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo để trường ra trường, thầy ra thầy, trò ra trò.

Lương Nhi


Ý kiến của bạn