Tập đoàn Y dược Bảo Long là một đơn vị điển hình tiên tiến về xã hội hóa văn hóa, giáo dục, y tế và thể thao. Trong 12 đơn vị thành viên có bệnh viện đa khoa, Trường phổ thông Võ thuật, trung tâm thể thao văn hóa và các công ty sản xuất Đông dược... Tập đoàn Y dược Bảo Long đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và năm 2007 vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc về vấn đề đào tạo vận động viên võ thuật từ nhỏ trong trường phổ thông qua cuộc trao đổi với võ sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Khai - Tổng giám đốc Tập đoàn Y dược Bảo Long.
Xin ông cho biết xuất phát từ ý tưởng nào khiến ông mạnh dạn đầu tư rất lớn về kinh tế và công sức xây dựng một mô hình giáo dục văn hóa và thể chất mới nhất không chỉ ở nước ta mà cả Đông Nam Á, đó là mô hình vừa dạy văn hóa vừa dạy võ thuật?
Tôi nhận thấy võ thuật là một di sản văn hóa gắn liền với lịch sử hào hùng dựng nước và giữ nước của dân tộc. Các hoàng đế hầu hết trưởng thành từ võ. Võ thuật đem đến cho họ một sức mạnh vô song, một nghị lực kiên cường, một ý chí sắt đá và một tinh thần cao thượng. Rõ ràng võ thuật không thể thiếu trong việc giáo dục và rèn luyện. Từ xa xưa, có những lúc võ thuật bị ngăn cản, cấm đoán luyện tập. Tuy nhiên bằng mọi cách, sức sống bất diệt của võ thuật vẫn tồn tại và đến khi có điều kiện nó lại trỗi dậy rất mạnh mẽ. Ngoài đặc thù riêng, võ thuật còn là trụ cột trong các nghi thức lễ hội cũng như vui chơi thể thao, văn hóa. Ở nước ta, võ thuật vẫn được coi là "mỏ vàng" tại các đại hội thể thao lớn trong nước và khu vực. Tuy nhiên "mỏ vàng" ấy sẽ dần cạn kiệt nếu như không có hướng đào tạo tài năng trẻ từ trường phổ thông. Là một võ sư, với cương vị là Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam, tôi nhận thấy trách nhiệm và kết hợp cùng với anh em tâm huyết với võ thuật đã xây dựng đề án trình các cấp lãnh đạo cho phép thành lập Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. Kể từ ngày thành lập tới nay, mới chưa đầy một năm nhưng đã có gần 500 học sinh từ khắp các địa phương của đất nước về nhập trường.
Xin ông cho biết chủ trương và mục tiêu đào tạo của Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long?
Chủ trương và mục tiêu chính của Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long là quản lý, giáo dục và rèn luyện ra những học sinh có khả năng chịu đựng gian khổ trong cuộc sống và trong học tập, có sức khỏe dẻo dai, có ý chí phấn đấu, có nghị lực trước áp lực từ mọi hướng, sống biết tự tin (mạnh không kiêu, yếu không nản và luôn quyết tâm chiến thắng) ứng xử, hội nhập tốt với xã hội.
Về kiến thức văn hóa, chúng tôi tuân thủ theo đúng quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo như mọi trường khác. Ngoài giờ học văn hóa và nghỉ ngơi của học sinh, chúng tôi tận dụng hết thời gian để giảng về đạo lý, võ đạo và võ thuật. Đồng thời có lồng thêm kiến thức về y học để học sinh của mình có kiến thức chăm lo, bảo vệ sức khỏe nhất là khi luyện khí công phải am hiểu kiến thức y học Đông phương thì mới tránh được sai lầm. Là một trường chuyên võ, tuy nhiên chúng tôi vẫn coi vấn đề dạy văn hóa lên hàng đầu và quyết tâm đạt kết quả về văn hóa trên sàn trung bình so với các trường trên toàn quốc. Thầy hiệu trưởng của chúng tôi là nhà giáo Nguyễn Quang Khải đã gần 50 năm gắn bó với giáo dục và trên 20 năm giữ chức Hiệu trưởng trường phổ thông trung học. Các thầy cô giáo chúng tôi tuyển rất kỹ từ các địa phương trên toàn quốc.
Cán bộ, giáo viên trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. |
Thưa ông, biết rằng với cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc một tập đoàn lớn với khối lượng công việc bề bộn. Tuy nhiên, ông lại là một võ sư danh tiếng, ông có thể sắp xếp công việc để tham gia dạy võ cho Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long không?
Đối với Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long, với cương vị là Chủ tịch HĐQT và kiêm Phó Hiệu trưởng phụ trách khối võ thuật, tôi đã xác định là chính mình phải đem kinh nghiệm từng trải trong đời cùng sở học về võ thuật và y thuật để trực tiếp truyền thụ cho học trò. Mỗi tuần tôi thu xếp thời gian giảng 5 tiết. Có tuần do công việc đột xuất quá nhiều thì phòng giáo vụ xếp giờ buổi tối cho tôi giảng (học sinh rất thích và chấp nhận học buổi tối).
Tôi trực tiếp dạy võ thuật cơ bản. Vì võ thuật cơ bản là nền tảng cho sự phát triển nâng cao, cũng như tòa nhà nếu không quan tâm tốt đến nền móng thì không thể xây cao lên được, đồng thời trực tiếp giảng về y học Đông phương và khí công, nội công và công phá.
Học sinh học võ thuật đến cấp nào thì ông dạy khí công, nội khí và công phá?
Mục đích của khí công, nội khí và công phá là rèn cho con người ta sức chịu đựng và vượt qua được khắc khổ, đau đớn, có tính kiên nhẫn, có sức bền và có sức mạnh phi thường. Với mục đích ấy nên đặc thù của giáo trình luyện tập rất khắc nghiệt. Hiện nay, về khí công thì tôi dạy cho toàn thể học sinh trong trường. Về nội khí và công phá thì tôi chỉ dạy một lớp trên 40 cháu. Đối tượng của lớp này là con em những phụ huynh có mối quan hệ thân tình với tôi và những cháu quá nhút nhát, không tự tin hoặc có tinh thần rất yếu đuối (khi liên hệ với bố mẹ các cháu chấp nhận điều kiện luyện tập thì tôi dạy).
Yếu tố tuyển lựa học sinh có mối quan hệ thân tình có gì bất công bằng thưa ông?
Để hoàn thành nhiệm vụ, mục tiêu, đường lối giáo dục và đào tạo của Trường phổ thông Võ Thuật Bảo Long, tôi luôn quan tâm đến sự bình đẳng và công bằng. Lý do tuyển lựa học trò để dạy về nội khí và công phá là những đối tượng thân tình. Vì trong phương pháp rèn luyện anh biết rồi đấy, khi các cháu hội được yếu tố căn bản, người ta quật gậy vào ngay ống chân hoặc vào bất kỳ chỗ nào chỉ gãy gậy mà không đau, không tổn thương, đóng đinh lên người cũng không đau, không chảy máu. Nếu không phải là chỗ thân tình, có những phụ huynh sẽ hiểu lầm và rất có thể họ phản đối (đã có học sinh hư bị thầy dạy võ quật 1 roi vào chân mà gia đình cháu thưa kiện khắp nơi, nên tôi rất ngại...!).
Đào tạo vận động viên võ thuật nên bắt đầu từ khi trẻ còn nhỏ. |
Xin ông cho biết điều kiện của học sinh nhập học và định hướng khi ra trường?
Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long là hệ đào tạo đa cấp (tiểu học, phổ thông cơ sở và phổ thông trung học). Tuy nhiên, năm nay chúng tôi chỉ nhận các cháu từ lớp 4 đến lớp 12. Đối tượng nhập học là những học sinh có học lực khá và hạnh kiểm khá, đủ sức khỏe để tập võ, có những cháu không có năng khiếu võ thuật chúng tôi vẫn nhận để các cháu có cơ hội rèn luyện thể lực và ngoại hình (nhiều cháu tuổi thiếu nhi béo phì, nặng trên 70kg, sau vài tháng tập võ các cháu giảm hàng chục cân, săn chắc khỏe mạnh).
Khi các cháu ra trường cũng thi vào đại học như mọi trường khác. Trong quá trình giáo dục và đào tạo chúng tôi tập trung chuyên sâu cho các cháu có năng khiếu để cung cấp VĐV võ thuật cho ngành thể thao. Những cháu có năng khiếu võ thuật khi ra trường sẽ được ưu tiên tuyển chọn vào ngành thể thao, công an, điện ảnh... (theo mô hình như ở Trung Quốc).
Là một mô hình giáo dục và đào tạo thể chất rất mới, lại vừa thành lập chưa đầy một năm, tuy nhiên đã được đông đảo phụ huynh học sinh khắp cả nước gửi con em tới học, biểu hiện những thành công ban đầu. Ông có chia sẻ gì với phụ huynh học sinh và bạn đọc?
Học sinh trường năng khiếu võ thuật có thể xếp vào loại học sinh có cá tính mạnh mẽ, hiếu động và tinh nghịch nhất so với các trường năng khiếu thể thao khác. Đối tượng học sinh đủ lứa tuổi (từ 6 - 18 tuổi), lại đến từ khắp các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, cho nên việc quản lý và giáo dục bước đầu chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong tổng số học sinh chỉ có khoảng 2/3 là vì năng khiếu và đam mê võ thuật để đến học. Số còn lại là những học sinh mà bố mẹ không đủ điều kiện quản lý, dạy dỗ, nhiều trường không dám nhận, nay đến nhập học tại Trường phổ thông Võ thuật Bảo Long. Nếu xét hồ sơ học bạ thì chúng tôi không thấy những biểu hiện gì hư hỏng, nhưng sau 1-2 tháng, sự giáo dục của nhà trường chưa thấm thì các cháu đã bộc lộ hành vi không tốt, thiếu phẩm chất đạo đức, quậy phá, vi phạm không chỉ là nội quy kỷ luật nhà trường mà còn trốn ra ngoài làm ảnh hưởng an ninh trật tự xã hội khiến Ban lãnh đạo nhà trường cùng các thầy cô và cán bộ quản lý hết sức vất vả (hiện tại chúng tôi mới có gần 500 học sinh mà phải biên chế tới trên 100 CBNV (trên 20 cán bộ trực tiếp quản lý, giáo huấn học sinh, 20 nhân viên cấp dưỡng, trên 20 giáo viên cơ hữu, trên 30 giáo viên thỉnh giảng và 25 CBNV bảo vệ). Tuy nhiên, chúng tôi vẫn kiên tâm, trăn trở quyết tìm ra những biện pháp tối ưu sớm nhất để ổn định tổ chức và quản lý giáo dục học sinh cho tới hoàn thành chức năng, nhiệm vụ và mục tiêu đạo tạo của mình.
Rất mong được sự cảm thông chia sẻ, hỗ trợ của các bậc phụ huynh cùng các quý vị quan tâm đến mô hình đào tạo và giáo dục mới của trường chúng tôi.
Xin cảm ơn ông!
Diễm Thuận (thực hiện)