Thực tế, không ít sinh viên buộc phải làm việc trái ngành nghề hay tự mình lăn lộn để lấy kinh nghiệm như hiện nay cho thấy có một khoảng cách quá xa giữa phương pháp, chương trình đào tạo đại học với yêu cầu thực tế của xã hội, của các doanh nghiệp. Thực tế này tồn tại đã khá lâu khi lượng sinh viên mới tốt nghiệp luôn tỉ lệ thuận với nạn thất nghiệp. Có một lượng lớn hồ sơ đăng ký việc làm tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, thuộc Bộ Lao động-Thương binh và xã hội, nhưng với không ít các nhà tuyển dụng, chỉ có một số ít trong đó có thể đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp mà thôi.
Chính Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nhìn thấy chất lượng đào tạo sinh viên hiện nay còn là điều đáng bàn. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo, muốn khắc phục vấn đề này phải tiến hành ngay các biện pháp như: cần tính đội ngũ giảng viên trên sinh viên, nếu các điều kiện khác mà không thay đổi thì chỉ cần chúng ta đưa số sinh viên trên một giảng viên về mức hợp lý thì cũng có thể nâng cao được chất lượng đào tạo. Tiếp đến là phải cải thiện cơ sở vật chất thì cũng tạo điều kiện để nâng cao chất lượng đào tạo. Một điều không thể thiếu là cần cân đối đầu ra của sinh viên với nhu cầu của các ngành nghề, nhu cầu của các doanh nghiệp để định hướng việc đào tạo hợp lý.
Trên thực tế, nhiều trường đại học, cao đẳng những năm qua vẫn chấp nhận nộp phạt để được vượt chỉ tiêu tuyển sinh khi mà bản thân cơ sở đào tạo đó chưa đủ các điều kiện về số giảng viên cơ hữu. Cùng với đó, cơ sở vật chất, diện tích phục vụ cho công tác đào tạo cũng chưa đạt yêu cầu, vẫn tiến hành công tác đào tạo sinh viên và cung cấp cho xã hội những nguồn nhân lực chưa đạt chất lượng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ sinh viên ngay từ khi lựa chọn ngành học và trong quá trình học đã không có một sự định hướng cụ thể và “cũng không được ai khuyên” về các nghề gắn với ngành học của mình. Việc sinh viên tiếp cận và theo học chuyên môn hiện tại của mình đôi khi xuất phát từ một điều ngẫu nhiên, từ một kinh nghiệm gia đình, bè bạn hoặc chỉ đáp ứng được nhu cầu “có bằng đại học”. Tất cả những yếu tố đó vô hình trung đang đổ thêm gánh nặng cho xã hội.
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, đào tạo là phải tính toán đầu ra, trường nào đủ điều kiện mới được đào tạo. Trao quyền chủ động cho các trường là rất đúng nhưng trao quyền chủ động mà các trường không quan tâm đến nhu cầu xã hội thì rất nguy hiểm.
Để tránh được sự thất bại trong cuộc đua chạy theo số lượng như hiện nay thì rất cần sự liên kết với các doanh nghiệp trong vấn đề đào tạo chuyên ngành để sinh viên có thể tiếp cận với môi trường, phong cách làm việc và kỹ năng làm việc theo từng ngành nghề, từng công ty doanh nghiệp có ngành nghề đó. Đối với sinh viên, nên chủ động hơn trong việc chọn ngành nghề, chuyên ngành học cho phù hợp với đầu ra, đồng thời cần tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cũng chính là yếu tố đem lại cho họ sự tự tin khi tiếp cận với các doanh nghiệp.
Minh Phong