Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt - Đó là một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/2/2005 của Bộ Chính trị. Trong dịp đầu năm học 2009-2010, PV Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội về những điểm mới trong công tác tuyển chọn và đào tạo nghề đặc biệt này.
PV: Từ năm học này nhà trường đưa bộ môn Y đức vào chương trình đào tạo chính khóa. Trong khi mối quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân vẫn đang được dư luận quan tâm và còn nhiều điều phải bàn, theo ông nó có làm gia tăng áp lực đối với sinh viên khi mà chương trình đào tạo bác sĩ vốn dĩ đã rất nặng nề so với các ngành nghề khác?
PGS.TS. Nguyễn Đức Hinh (PGS.TS. NĐH): "Nhân chi sơ, tính bản thiện" con người khi sinh ra ai cũng có bản chất tốt. Bản chất ấy sẽ được khơi dậy và phát triển nếu có một môi trường gia đình, nhà trường, xã hội tốt.
Đã là con người, ai cũng cảm thấy xót thương trước sự mất mát, đau đớn của đồng loại. Môi trường của ngành y là một môi trường hết sức đặc biệt. Trong môi trường đó có mối quan hệ giữa thầy thuốc với người bệnh; thầy thuốc với thân nhân người bệnh; thầy thuốc với các đồng nghiệp khác... Khi gặp người bệnh tính mạng chỉ còn được tính bằng giây phút, người thầy thuốc cần phải rất tỉnh táo tìm cách cứu người bệnh nhưng cũng không được để bệnh nhân thấy "cái đầu lạnh" của mình. Hai trạng thái này nằm trong một con người ở cùng một thời điểm là khó khăn. Như vậy rõ ràng là bản thiện ai cũng có, nhưng thể hiện ở thời điểm như thế nào không dễ. Phải biết thể hiện hay kiềm chế như thế nào đó để người bệnh, thân nhân người bệnh thấy thầy thuốc không vô cảm, nhưng cũng không quá yếu mềm, để người bệnh và thân nhân thấy rằng họ được an ủi, chia sẻ, và tin cậy thầy thuốc.
Như vậy là bản chất tốt cũng chưa đủ mà phải có phương pháp thể hiện lòng tốt đó. Nhận thức được vấn đề này và cũng là thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế, bắt đầu từ năm học 2009 - 2010, Trường đại học Y Hà Nội đã đưa Bộ môn Y xã hội học và Y đức vào chương trình đào tạo. Môn học sẽ khơi dậy lòng tự hào nghề nghiệp cho sinh viên y khoa, truyền cho sinh viên niềm cảm hứng của nghề "trị bệnh, cứu người" một nghề đặc biệt được xã hội coi trọng và tôn vinh. Từ những tình huống, những bài học điển hình thông qua môn học sinh viên sẽ tích luỹ được các phương pháp ứng xử khác nhau, vận dụng linh hoạt trong thực tế cuộc sống nghề nghiệp sau này. Là bộ môn mới nhưng nhà trường và Bộ Y tế rất quan tâm đầu tư phát triển, đó là Bộ trưởng Bộ Y tế là Chủ nhiệm danh dự của bộ môn và Hiệu trưởng nhà trường là phó chủ nhiệm bộ môn. Theo tôi, bằng thực tiễn sinh động, môn học này không làm sinh viên nhàm chán, không làm nặng nề thêm chương trình đào tạo.
PV: Hiện nay điểm chuẩn đỗ vào các trường đại học y vẫn rất cao, trong khi bác sĩ thì vẫn còn rất thiếu, đặc biệt là tuyến cơ sở. Theo ông, khi nào chúng ta mới giải được bài toán nhân lực?
PGS.TS. NĐH: Trước hết nói về điểm đầu vào cao. Nghề y là một nghề đặc biệt, nghề liên quan đến tính mạng con người. Vì vậy chỉ những học sinh giỏi nhất mới được chọn vào học ngành y.
Trở lại với câu chuyện thiếu bác sĩ. So với các nước trong khu vực và trên thế giới chúng ta vẫn là nước có tỷ lệ bác sĩ/dân số thấp. Tuy nhiên không có nghĩa do việc thiếu bác sĩ mà chúng ta đào tạo ồ ạt. Nguồn nhân lực y tế hiện nay thiếu nhiều ở tuyến cơ sở - tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu. Vì vậy bắt đầu từ năm học này Trường đại học Y Hà Nội đã cùng với một số địa phương triển khai mô hình đào tạo theo địa chỉ. Nhà trường phối hợp cùng các địa phương tuyển các em có điểm thi thấp hơn điểm chuẩn một chút vào đào tạo bằng nguồn kinh phí của địa phương. Các đối tượng này cùng chịu sự quản lý của địa phương và sau này khi ra trường thì quay trở lại phục vụ ngay chính địa phương của mình. Trong ngành y thì không chỉ có bác sĩ mà còn có nhiều các nhóm ngành nghề khác chịu trách nhiệm các phần việc chăm sóc sức khoẻ nhân dân như điều dưỡng, kỹ thuật y học, y học dự phòng, y học dân tộc... Năm nay nhà trường cũng rất chú trọng đến các ngành nghề mà học sinh hiện nay coi là không "hot" này bằng nhiều chính sách như tăng chỉ tiêu, miễn giảm học phí... Bằng các cách như vậy nguồn nhân lực ngành y tế sẽ từng bước được đáp ứng.
PV: Thực hành đối với sinh viên y là cực kỳ quan trọng, trong khi các bệnh viện luôn luôn quá tải, bệnh nhân chẳng mấy vui vẻ khi sinh viên đi lâm sàng... Liệu rằng "hành" như vậy có bảo đảm chất lượng không, thưa ông?
PGS.TS. NĐH: Học tại trường và thực tập tại bệnh viện là một công việc hết sức cần thiết và quen thuộc của sinh viên y khoa. Hầu hết các bệnh viện trong thành phố là cơ sở thực tập của sinh viên trường y. Gần đây, để nâng cao chất lượng thực tập của sinh viên, nhà trường đã mời nhiều lãnh đạo của các bệnh viện kiêm nhiệm thêm công tác giảng dạy, quản lý bộ môn như Bệnh viện Nhi TW, Bệnh viện Mắt TW, Bệnh viện Lao TW, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia... Nhà trường cũng đã có một bệnh viện riêng vừa phục vụ nhân dân vừa là cơ sở để sinh viên và học viên thực tập. Đồng thời với việc thực tập tại bệnh viện, nhà trường đang tích cực mở rộng các hình thức thực tập trên mô hình hay đóng vai. Sinh viên phải thành thạo trên mô hình trước khi thực hành trên người bệnh. Điều đó giúp cho vừa đảm bảo y đức, vừa nâng cao tay nghề. Nhà trường đã có nhiều cơ sở thực địa như: huyện Ba Vì, quận Đống Đa (Hà Nội), huyện Kim Bảng, huyện Bình Lục (tỉnh Hà Nam) để sinh viên học tập và phối hợp với các BV tuyến tỉnh, huyện để sinh viên đi thực tế.
Trường chúng tôi phấn đấu trong tương lai sẽ trở thành một trong các trường đại học y hàng đầu của khu vực.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Bùi Hà (thực hiện)