Lời giải cho vấn đề tai nạn giao thông ngày trở nên cấp bách. Là người có gần 30 năm ôm vô lăng xe khách và giảng dạy lái xe, ông Trương Nhất Vương - Giáo viên Trường Trung cấp nghề Vnasime Tây Nguyên gửi đến bạn đọc báo SK&ĐS, đặc biệt là các trường dạy lái xe, tài xế bài phân tích một trong những nguyên nhân gốc rễ của TNGT hiện nay.
Trình độ nào cho thầy trò trường lái?
Cứ mỗi khi có tai nạn giao thông nghiêm trọng, người ta lại nghĩ ngay đến các trung tâm đào tạo lái xe và dư luận lại đặt câu hỏi về chất lượng đào tạo cũng như đạo đức nghề nghiệp của các giáo viên dạy lái.
Cần phải dạy nghiêm ngặt dù là thao tác nhỏ.
Từ 1995 trở về trước, những người muốn theo nghề lái xe phải trải qua một thời gian dài phụ xe, nhẫn nại kính thưa vô số việc không tên. Tất cả những công việc gian khó đều đến tay lơ xe, nhưng riêng cái ghế tài xế và vô lăng thì không được chạm vào. Thời gian là phép thử đức tính kiên nhẫn. Sự chịu khó, chịu khổ chăm chút chiếc xe, với những hành trình kéo dài bằng năm tháng là phép thử tình yêu nghề và quyết tâm theo đuổi nghề tới cùng nếu không muốn chấm dứt ước mơ lái xe. Một phụ xe khi đã trải qua được những thử thách và có tố chất lái xe, sẽ được tin tưởng kèm cặp nhiều hơn, được cho chạy xe không qua những cung đường từ dễ đến phức tạp, trước khi được chính thức chở hàng hoặc hành khách.
Thầy dạy lái xe thời đó chả khác thầy dạy võ, phải đưa ra rất nhiều thử thách mới chọn được những trò có tâm, có đức, có năng khiếu để truyền nghề. Nhiều trò dù ngoan, hiền, chịu thương chịu khó, nhưng không có năng khiếu lái xe thì suốt đời cũng chỉ được lơ xe mà thôi.
Trước kia là vậy. Còn cách đây vài năm, những người muốn học lái xe đều phải nộp hồ sơ và chờ, thậm chí phải lo lót nhờ vả để được học sớm. Nhưng bây giờ, nhiều nơi thầy phải đem xe đến tận nhà mời trò đi học. Học lái xe hay kiếm tấm bằng lái đã trở thành “phong trào” rộng khắp trên cả nước. Đối tượng đến các cơ sở đào tạo cũng đủ các thành phần. Việc đào tạo lái xe trở thành “nồi lẩu thập cẩm” như một lẽ tự nhiên. Những giáo viên dạy lái không còn quyền tuyển chọn mà trở thành người phục vụ. Trò học lái xe mới là “Thượng đế”.
Tất cả những “Thượng đế” này qua bàn tay của người phục vụ như trứng trong lò ấp, cứ đúng thời gian là “nở”. Nếu đúng quy luật trứng sẽ nở ra những con “vịt con” xinh đẹp. Nhưng than ôi ở đây thì trái lại, nó lại nở ra “lái xe chuyên nghiệp”. Những lái xe này chưa kịp thành thạo đã trực tiếp điều khiển phương tiện và tai nạn xảy ra là điều tất yếu. Thống kê trên cả nước, mỗi ngày bình quân có trên 20 người vô tội ra đường mà không bao giờ còn lành lặn trở về.
Để có những lái xe có phẩm chất đạo đức, có văn hóa khi tham gia giao thông, có kỹ năng làm chủ phương tiện và lái xe an toàn thì không cách gì khác là tất cả phải được đào tạo căn bản, phải được giáo dục thật kỹ tại trường lái.
Một sự thật đáng buồn là tại các trung tâm dạy lái, nơi đào tạo, sản sinh ra những lái xe các hạng, tất cả giáo viên chỉ cần có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, có vài năm kinh nghiệm chạy xe, qua một lớp nghiệp vụ sư phạm chóng vánh thì nghiễm nhiên trở thành thầy dạy lái. Một hai năm trở lại đây có thông tin Bộ Giao thông vận tải (BGTVT) quy định giáo viên (GV) dạy lái phải có trình độ trung cấp thì lập tức các lớp trung cấp nghề dành cho GV dạy lái được mở ra để các GV trên cả nước hoàn thành phổ cập đúng yêu cầu, quy định của Bộ GTVT để không bị mất việc.
Học vấn, trình độ GV đã thấp như vậy, nhưng không ít GV dạy lái lại còn lươn lẹo mua bằng tốt nghiệp THPT giả mới đáp ứng được yêu cầu. Ở Đăk Lăk, Đăk Nông, cơ quan chức năng từng phát hiện có tới hơn 50 GV dùng bằng THPT giả. Một số mua được giấy phép lái xe, sau thời gian 3 năm chỉ cần ghi danh học nghiệp vụ sư phạm vài ba ngày cũng nghiễm nhiên trở thành GV cho dù họ chưa ngày nào chạy xe. Những bác tài “một bước lên thầy” với trình độ như vậy, nói một câu còn chưa nên, huống hồ là đứng lớp; riêng khoản đạo đức với tư cách phách lối, bản lĩnh ngông cuồng thì có thừa. GV không có chuyên môn, không có kinh nghiệm chạy xe thử hỏi các học viên bị các thầy này dạy, thì trách sao được sau khi có bằng lái vẫn cứ nhầm chân phanh, chân ga, thành kẻ giết người dù không cố ý ?! Câu “rau nào sâu đó” xem ra chẳng hề sai. Tôi ngờ rằng đa số các tai nạn từ va quẹt nhỏ đến thảm khốc đều có nguồn gốc từ trường lái.
GV thì đã vậy, còn học viên thì sao. Lái xe hạng B, hạng C đến FC theo quy định hiện hành của BGTVT chỉ cần biết viết, biết đọc. Lái xe hạng D từ 9 chỗ ngồi trở lên chỉ cần có bằng tốt nghiệp cấp 2. Trình độ học vấn của cả thầy và trò như vậy thì khi tiếp xúc, làm chủ và điều khiển những chiếc xe chất lượng cao, trang thiết bị hiện đại, công suất, vận tốc cao... làm sao đảm bảo an toàn? Làm sao đòi hỏi lái xe phải am hiểu luật và tôn trọng văn hóa giao thông?
Muốn có những lái xe tốt, lái xe an toàn thì phải có hệ thống giáo dục chuẩn mực. Trường, lớp phải đàng hoàng, GV phải chuẩn mực. Phải có trường đào tạo GV dạy lái một cách chuyên nghiệp để rèn dũa tạo ra một người thầy chuẩn về đạo đức, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn sâu rộng, có thời gian va chạm thực tế lái xe ít nhất 3 năm trở lên. Phải tạo nên một thế hệ GV dạy lái xe chuyên nghiệp, cho dẫu muộn cũng nên làm, mới mong đào tạo ra một thế hệ lái xe chuyên nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội.
Học viên học lái các hạng xe cũng cần được nâng chuẩn trình độ từ tốt nghiệp phổ thông trung học trở lên. Phải tổ chức tuyển đầu vào những người có đạo đức, có trình độ, tránh đào tạo xô bồ như hiện nay: chỉ cần người học nộp đủ tiền cho nhà trường, thì từ trộm cướp cho đến các thành phần bất hảo khác như nghiện hút, đâm thuê chém mướn, tính cách không bình thường, đều thành “thượng đế”, đều được cấp giấy phép lái xe để rồi hậu quả là những người vô tội bị chết, bị thương và xã hội phải gánh trách nhiệm.
Nên khảo sát trình độ tiếp nhận bài giảng trước khi thực hành.
Cần siết chặt quy chuẩn
Xã hội phát triển, đòi hỏi người lái xe cũng phải học hành bài bản, đủ kỹ năng và tri thức làm chủ các phương tiện hiện đại. Tuy nhiên, thực tế cho thấy trong đà phát triển của thời đại, việc đào tạo lái xe trên cả nước ta lại rơi vào tình trạng thụt lùi.
Đào tạo lái xe hiện nay xô bồ, thời gian đào tạo ngắn, đã vậy nhiều cơ sở đào tạo vì lợi nhuận lại cắt xén bài học, giờ học của học viên; Nhiều cơ sở đào tạo khoán xe, hoặc cho GV tự đầu tư phương tiện, tự tuyển sinh rồi muốn dạy kiểu nào thì dạy... Kết quả đầu ra thế nào, ai cũng có thể hình dung ra được.
Phần thi sát hạch lái xe ở thế kỷ trước và bây giờ có điểm chung, là đều gồm 3 phần: thi lý thuyết Luật giao thông, thi trong sa hình và cuối cùng là thi kiểm tra kỹ năng lái xe của học viên trên đường trường. Phần sát hạch lý thuyết hiện Bộ GTVT đã có thêm nhiều câu hỏi phù hợp. Tuy nhiên phần thi sa hình và đường trường tuy đã buộc các xe thi lắp thiết bị chấm điểm tự động, nhưng vẫn chưa đủ độ khó để có thể cho ra lò những lái xe đảm bảo chất lượng, lái xe an toàn.
Bài thi sát hạch trong sa hình ở thế kỷ trước khó hơn bây giờ. Học viên phải thực hiện bài thi tiến lùi hình chữ chi trong thời gian giới hạn. Đây là bài khó nhất với học viên mới học lái xe, kể cả nhiều lái xe chuyên nghiệp, từng lái nhiều loại xe lâu năm trên đường, nếu không qua đào tạo cơ bản. Học viên phải thực hiện tiến, và lùi xe mà không được đổ cọc nào, nếu không muốn rớt sát hạch. Thêm phần lùi xe vào lắp rơ mooc (thi giấy phép máy kéo kéo rơ mooc trên đường). Phần thi sát hạch đường trường ở thế kỉ trước cũng khó hơn bây giờ rất nhiều, có bài dồn số khẩn cấp khi xe đang xuống dốc. Khi xe bắt đầu xuống dốc, yêu cầu thí sinh trong vòng 25 mét phải dồn được từ số 5 về số 3 theo thứ tự mà không được dùng phanh. Nếu không về được số, để xe trôi tự do sẽ bị đánh rớt sát hạch. Bài thi này nhằm mục đích rèn cho học viên kỹ năng dồn số, dừng xe khẩn cấp khi hệ thống phanh hỏng, dẫn đến hiện tượng xe mất phanh.
Bài thi sát hạch trong sa hình của tất cả các hạng xe đang áp dụng, học viên chỉ cần chạy số 1 khắp cả sân và sử dụng số lùi ở bài ghép xe vào nơi đỗ. Bài dồn số khẩn cấp được thay bằng tăng giảm số trên đường bằng. Trong vòng 50 mét, học viên phải tăng lên được một số và giảm một số. Nhiều học viên cũng không thể thực hiện được bài này. Họ có thể bỏ qua bài này mà chỉ bị trừ 5 điểm. Bài thi đường trường với 2km. Học viên chỉ cần thực hiện thao tác tăng, giảm số một lần. Trong vòng 100 mét nếu không thực hiện được cũng chỉ bị trừ mỗi lần 5 điểm và trong 2 km đó không để xảy ra tai nạn là đã đạt yêu cầu và được cấp GPLX.
Như vậy, phần thi sát hạch ô tô hiện nay chỉ để học viên thỏa mãn là được cấp GPLX cho oai, chứ trên thực tế nhiều người sau khi có GPLX có cho phép họ cũng không dám chạy, hoặc gan lì hơn một tý thì vừa chạy vừa cầu Chúa cho xe mình không húc vào “mông” ai đó.
Giải pháp cấp bách
Nhiều đồng nghiệp dạy lái của tôi đều tán thành các giải pháp hữu hiệu mà Bộ GTVT nên yêu cầu nghiêm khắc, áp dụng ngay tại tất cả các trường dạy lái: Phải tăng thời gian học lái, thời gian đào tạo để cho ra trường những công nhân lái xe lành nghề. Phải có quy trình sát hạch tay lái sát với yêu cầu thực tế, phải đưa bài tiến lùi chữ chi, bài thi dồn số khẩn cấp khi xe đang xuống dốc vào phần thi sát hạch bắt buộc. Cấm tuyệt đối các cơ sở đào tạo áp dụng hình thức cho giáo viên đầu tư xe, tự tuyển học viên và tự dạy.
Giải pháp cuối cùng, nhưng quan trọng hơn cả: là tinh thần và hành động trách nhiệm tối đa của các cơ quan quản lý. Tất cả các giải pháp cho dù có tốt, có tân tiến tới đâu mà các cơ quan quản lý buông lỏng sự kiểm tra, kiểm soát, làm không hết trách nhiệm thì mọi cố gắng đều đổ sông, đổ biển. Như vậy, không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục tại trường lái mà còn phải đào tạo, giáo dục thật kỹ những người làm quản lý, đội ngũ kiểm tra, kiểm soát, lực lượng thực thi công vụ...