Đào tạo "bảo vệ" máy gây mê, máy thở cho cán bộ làm trang thiết bị của bệnh viện

11-11-2019 20:01 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đến nay, việc đầu tư trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong toàn ngành đã từng bước được cải thiện, có khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế tuyến dưới, giảm bớt tình trạng quá tải của các cơ sở y tế tuyến trên.

Ngày 11/11, tại Hà Nội, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) và các đối tác đã tổ chức Khóa đào tạo thứ 5 về “Kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng máy gây mê, máy thở cho cán bộ làm công tác trang thiết bị y tế tại bệnh viện” cho đối tượng là các cán bộ kỹ thuật Phòng vật tư thiết bị y tế trực tiếp làm việc với máy gây mê và máy thở tại các bệnh viện khu vực phía Bắc. Đây cũng là khóa đào tạo thứ 7 về kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng thiết bị y tế được tổ chức.

ThS Nguyễn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế phát biểu tại Khóa đào tạo

Khóa đào tạo nhằm phổ biến, truyền đạt cho học viên các kiến thức về nguyên lý, cấu tạo; các quy định, kinh nghiệm trong kỹ thuật bảo trì, sửa chữa và vận hành để sau khóa học, học viên sẽ lập được kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng cũng như thành thạo kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng và sửa chữa ban đầu cho máy thở, máy gây mê GE Healthcare, từ đó có khả năng mở rộng, ứng dụng tương tự đối với máy thở, máy gây mê của các hãng khác, cũng như áp dụng, phát triển phương pháp, kinh nghiệm đã học cho các thiết bị y tế khác nói chung.

Đồng thời, học viên tham gia khóa đào tạo sẽ được cập nhật một số công nghệ mới sử dụng trong máy thở và máy gây mê để có thể tham mưu cho lãnh đạo đơn vị, cán bộ chuyên môn trong việc đầu tư, khai thác sử dụng máy thở, máy gây mê một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng.

Phát biểu khai mạc Khóa đào tạo, ThS Nguyễn Minh Tuấn- Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cho biết, trang thiết bị y tế là một loại hàng hoá đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khoẻ con người, có chủng loại đa dạng và luôn được cập nhật, ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ mới và đặc biệt, trong vài năm gần đây phát triển nhanh, mạnh tại các Bệnh viện trong cả nước, cả về số lượng cũng như chất lượng.

“Công tác quản lý trang thiết bị y tế tại Bộ Y tế và tại các đơn vị là một lĩnh vực hết sức đặc thù, cần được chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt để góp phần nâng cao chất lượng phục vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả, phát huy hiệu quả đầu tư”- Th.S Nguyễn Minh Tuấn nói

Trên thực tế cho thấy thời gian qua, tại các cơ sở y tế đã được đầu tư, trang bị các trang thiết bị y tế với số lượng lớn và đa dạng về chủng loại thiết bị, từ các thiết bị hiện đại như: Máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp, máy chụp mạch máu, các hệ thống xét nghiệm đồng bộ hiện đại... cho đến các thiết bị trong hồi sức, phẫu thuật.

Cập nhật một số công nghệ mới sử dụng trong máy thở và máy gây mê cho cán bộ làm về trang thiết bị y tế của các bệnh viện là rất cần thiết

Đến nay, việc đầu tư trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong toàn ngành đã từng bước được cải thiện, có khả năng giải quyết một cách cơ bản nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại các cơ sở y tế tuyến dưới, giảm bớt tình trạng quá tải của các cơ sở y tế tuyến trên.

Tuy nhiên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế cũng thẳng thắn nêu rõ, việc đầu tư và sử dụng trang thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế hiện còn tồn tại một số bất cập như: chưa sử dụng hết hiệu quả công suất thiết bị, lạm dụng kỹ thuật trong chẩn đoán và điều trị; một số cơ sở y tế đã được trang bị thiết bị mới nhưng chưa có cán bộ được đào tạo sử dụng hết tính năng thiết bị...

“Đặc biệt các cơ sở y tế chưa quan tâm đúng mức đến công tác duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, kiểm chuẩn định kỳ trang thiết bị do đó chất lượng thiết bị xuống cấp nhanh, tuổi thọ giảm; thậm chí có thiết bị được sử dụng đến khi hỏng nặng mới được sửa chữa, thay thế gây lãng phí về kinh tế và chất lượng khám chữa bệnh; đồng thời, công tác quản lý, kiểm định và kiểm tra chất lượng thiết bị y tế cũng chưa được thực hiện tốt...”- ThS Nguyễn Minh Tuấn nêu thực trạng.

Việt Nam hiện nay là thành viên của tổ chức thương mại thế giới và ngày càng hội nhập sâu rộng trong bối cảnh nền kinh tế thị trường. Công tác quản lý thiết bị y tế cũng cần phù hợp với thực tế, đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi cho các đơn vị, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện và đáp ứng yêu cầu hội nhập về lĩnh vực này trong khu vực và thế giới.

Các học viên tham gia khóa đào tạo về “Kỹ thuật bảo trì, bảo dưỡng máy gây mê, máy thở cho cán bộ làm công tác trang thiết bị y tế tại bệnh viện”

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo và hành động cụ thể để triển khai nội dung này như: xây dựng và tập trung triển khai thực hiện Nghị định 36/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị định 169/2018/NĐ-CP ngày 31/12/2018 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 36/2016/NĐ-CP, trong đó có nội dung về tăng cường công tác quản lý chất lượng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế; Tổ chức nhiều Hội nghị chuyên sâu về công tác quản lý trang thiết bị y tế và cơ sở hạ tầng cho 63 tỉnh thành và các đơn vị tuyến trung ương trên phạm vi cả nước; Mời các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước để tập huấn về kiến thức, kinh nghiệm, quy trình quản lý về trang thiết bị y tế cho các cán bộ của các đơn vị trong ngành...

 "Tôi mong rằng qua khóa đào tạo này, cũng như các khóa đào tạo khác đã và sẽ được tổ chức trong thời gian tới - nhận thức và trình độ của các kỹ sư, cán bộ kỹ thuật tại các bệnh viện được nâng cao một bước, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhà nước đã giao cho ngành y tế. 

Thành công của khóa đào tạo sẽ góp phần thiết thực nâng cao vị thế, vai trò và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ kỹ thuật trang thiết bị y tế tại các bệnh viện, cơ sở y tế trong cả nước."
ThS Nguyễn Minh Tuấn

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn