Đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao tiến tới bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế

04-12-2023 19:45 | Y tế

SKĐS - Việc đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao cho y tế cơ sở là bước tiến tới bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế. Đây cũng là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao.

Mất cân đối về phân bố nhân lực y tế

Dân số Việt Nam tính đến tháng 12/2022 là hơn 99 triệu người, đứng thứ 15 trên thế giới nên nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân không ngừng nâng cao. Tình trạng phân bố nguồn nhân lực y tế mất cân đối. Phân bố cán bộ y tế không đồng đều giữa các cùng miền, tập trung ở đồng bằng, thành thị và khu vực điều trị. Số lượng và trình độ nhân lực y tế chưa đồng đều giữa các tuyến y tế. Một số địa phương như Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai,... số lượng cán bộ y tế giảm đi. Cùng với đó, thiếu ở một số chuyên ngành như nhi, y học dự phòng, lây, kỹ thuật y tế..

Số lượng bác sĩ tập trung ở các các tuyến Trung ương, tỉnh nhiều, do có điều kiện công tác tốt, cơ hội thăng tiến trong công việc. Điều này dẫn tới tỷ lệ bác sĩ/vạn dân có sự chênh lệch rõ rệt giữa các tuyến cơ sở y tế. Theo niên giám thống kê y tế năm 2018 cho thấy tổng số lao động trong ngành Y tế ở các cơ sở y tế có sự chênh lệch đáng kể, tuyến tỉnh là 149.542 người, tuyến huyện là 113.513 người, còn tuyến xã chỉ 69.373 người.

Như tỷ lệ bác sĩ của TP. Hồ Chí Minh là 20 bác sĩ/vạn dân nhưng tỷ lệ nhân viên y tế xã chỉ đạt 2,31, thấp hơn nhiều so với TP Hà Nội và một số địa phương khác.

Đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao tiến tới bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế- Ảnh 1.

Sự phân bố nhân lực y tế còn thiếu cân đối

Theo "Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam - Thành tựu và thách thức" cho thấy chỉ có 15,3% bác sĩ và y sĩ có kiến thức và kỹ năng đúng trong xử lý sơ cấp cứu... Đào tạo nhân lực y tế là giải pháp căn cơ để cải thiện và nâng cao chất lượng chăm sóc y tế cho người dân.

Các chuyên gia y tế cũng nhận định, việc phát triển nguồn nhân lực y tế sẽ tạo ra bước chuyển căn bản trong phát triển số lượng, nâng cao chất lượng, điều chỉnh dần cơ cấu và phát triển đội ngũ cán bộ y tế có trình độ cao đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và yêu cầu ngày càng cao của nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ.

Phương thức đào tạo thiết thực, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng

PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh tại Lễ khai giảng lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa I cho 22 bác sĩ trẻ tình nguyện tham gia Dự án "Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" cho 7 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái và Bắc Giang: theo đó, việc tổ chức đào tạo trình độ bác sĩ chuyên khoa I với 6 chuyên ngành ngoại, sản, nội, nhi, chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm sẽ góp phần quan trọng và có ý nghĩa bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn của khu vực miền núi phía Bắc...

Dự án "thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" (Dự án 585) là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Đào tạo bác sĩ trẻ tay nghề cao tiến tới bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế- Ảnh 2.

Nhiều kỹ thuật cao đã và đang được các bác sĩ trẻ triển khai tại bệnh viện vùng cao Bắc Hà

Nhờ triển khai Dự án này, hiện nay trên cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010 - 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 93,8% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc 2, 3 ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản,...

Các bác sĩ được đào tạo liên tục trong vòng 24 tháng như bác sĩ nội trú, theo hướng "cầm tay chỉ việc", bên cạnh đó trường còn giao mỗi giảng viên trực tiếp hướng dẫn 1 học viên và có sự kiểm soát chặt chẽ kết quả đầu ra, bảo đảm khi ra trường họ giỏi tay nghề, có thể "độc lập tác chiến" ở vùng sâu, vùng xa, thực hiện tốt các kỹ thuật khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế tuyến huyện.

Sau khi tốt nghiệp bác sĩ CKI, các bác sĩ sẽ về công tác 03 năm (đối với nam) và 02 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện. Riêng đối với các bác sĩ được các huyện nghèo cử đi đào tạo sẽ công tác lâu dài tại Bệnh viện, trung tâm y tế huyện nghèo.

Mục tiêu đến năm 2025 đưa 450 bác sĩ trẻ về công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn. Trong đó ưu tiên cho 62 huyện nghèo và tương đương huyện được hưởng chính sách như huyện nghèo nhằm giải quyết sự thiếu hụt về nhân lực y tế.

Đa dạng hóa hình thức đào tạo góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tếĐa dạng hóa hình thức đào tạo góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế

SKĐS - Theo các chuyên gia y tế, đa dạng hóa hình thức đào tạo đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế. Từ đó tăng cường năng lực, xây dựng hệ thống y tế chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế.


Gia Minh th
Ý kiến của bạn