Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho y tế cơ sở: Tạo cơ hội để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn ngay tại địa phương

25-02-2025 09:58 | Y tế

SKĐS - Dự án thí điểm đào tạo, đưa bác sĩ chuyên khoa tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa... là bước đột phá của ngành Y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Thêm niềm tin của người dân với y tế cơ sở

Bệnh nhân Lý Văn Bảo ở Si Ma Cai (Lào Cai) mới hơn 1 tháng tuổi bị suy hô hấp, viêm phổi nặng, được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Si Ma Cai giữa đêm khuya. Nếu như hai năm trước, trường hợp của cháu Bảo sẽ buộc phải chuyển bệnh viện tuyến trên.

Thế nhưng, nhờ những kiến thức được đào tạo bài bản cùng sự hỗ trợ trực tuyến 24/7 từ bác sĩ ở tuyến Trung ương, bác sĩ chuyên khoa I (BSCKI) Giàng A Sếnh - Trưởng Khoa Nhi đã kịp thời giúp cháu qua cơn nguy kịch.

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho y tế cơ sở: Tạo cơ hội để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn ngay tại địa phương- Ảnh 1.

BSCKI Giàng A Sếnh - Trưởng Khoa Nhi - BVĐK huyện Si Ma Cai tỉnh Lào Cai điều trị cho cháu bé viêm phổi tại Khoa. Bác sĩ Sếnh là một trong những 'quả ngọt' của chương trình đào tạo, đưa bác sĩ chuyên khoa tình nguyện về công tác tại vùng sâu, vùng xa do Bộ Y tế triển khai thực hiện cùng với sự đồng hành của Quỹ Thiện Tâm.

Chị Thào Thị Tông, mẹ cháu Bảo xúc động bày tỏ lời cảm ơn các bác sĩ giúp con chị khỏe mạnh, gia đình vượt qua nỗi sợ hãi lo lắng cho con khi cháu bỏ ăn mấy ngày, sốt cao và bác sĩ bảo bị viêm phổi nặng...

Còn anh Giàng Seo Tỏa, xã Nàn Sán, huyện Si Ma Cai, Lào Cai chia sẻ: Nhà mình vẫn tin tưởng các bác sĩ của bệnh viện tuyến huyện. Đau ở chỗ nào, gặp bệnh tật gì: ốm, sốt, ho, đau dạ dày… cứ về đây các bác sĩ chữa trị là khỏi hết!

"Mình rất yên tâm chữa trị ở bệnh viện tuyến huyện vì các bác sĩ đều có chuyên môn tay nghề. Chữa bệnh ở bệnh viện huyện cũng đỡ tốn kém chi phí hơn. Tiền thuốc và kinh phí điều trị đã có BHYT chi trả, mình chỉ cần chi thêm ít tiền đi lại, ăn uống thôi. Nếu đi lên bệnh viện tuyến tỉnh hay Trung ương thì vừa tốn tiền xe đi lại, các khoản kinh phí cũng phát sinh rất nhiều"- anh Tỏa bày tỏ.

BSCK I Giàng A Sếnh - người dân tộc Mông là một trong hàng trăm 'quả ngọt' đào tạo trong giai đoạn 2 của chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II cho các huyện nghèo khó khăn. Và, bác sĩ Sếnh hiện cũng đã trở thành một trong những "hạt giống đỏ" của BVĐK huyện Si Ma Cai, đang ngày đêm cùng các đồng nghiệp miệt mài chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc anh em trên địa bàn huyện miền núi Si Ma Cai.

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho y tế cơ sở: Tạo cơ hội để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn ngay tại địa phương- Ảnh 2.

Học viên được học theo cách đào tạo "cầm tay chỉ việc". Trong ảnh, học viên được các y bác sĩ của Trường Đại học Y Dược Huế hướng dẫn về gây mê ngoài phòng mổ và thủ thuật nội soi tiêu hoá.

Trước đó, theo ước tính của Bộ Y tế, chỉ tính riêng tại 62 huyện nghèo trên cả nước, hệ thống các bệnh viện tuyến huyện cần tới hàng nghìn bác sĩ chuyên khoa để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.

Từ yêu cầu cấp thiết này, năm 2013, Bộ Y tế đã triển khai dự án "Thí điểm đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn" (còn gọi là Dự án 585), trong đó cho phép các bác sĩ chính quy hoặc liên thông tốt nghiệp khá, giỏi đã được tuyển dụng tại huyện nghèo tham gia Dự án được đào tạo bài bản theo chương trình đặc biệt, 1 thầy kèm 1 trò theo hướng 'cầm tay chỉ việc' trong 24 tháng liên tục với kỳ vọng đây sẽ là lực lượng chính lấp đầy khoảng trống thiếu hụt nhân lực trình độ cao ở hệ thống y tế cơ sở.

Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ sẽ về công tác ít nhất 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.

BS Nguyễn Văn Tự đến từ huyện nghèo Quản Bạ của tỉnh miền núi Hà Giang, là một trong những học viên được trao cơ hội đi đào tạo chuyên khoa I tại trường Đại học Y Hà Nội. Thời gian đào tạo kéo dài trong hai năm với giáo trình được các chuyên gia dày công biên soạn.

Ngoài giờ học lý thuyết, 80% thời gian còn lại, bác sĩ trẻ Văn Tự cùng các học viên được đội ngũ bác sĩ đầu ngành của trường trực tiếp hướng dẫn, kèm cặp theo hình thức đào tạo nội trú, cầm tay chỉ việc "một thầy một trò" với nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu. Quá trình cọ sát thực tế cùng các thầy cô trong môi trường làm việc tại bệnh viện tuyến Trung ương là cơ hội tuyệt vời để các bác sĩ học hỏi, nâng cao tay nghề chuyên môn. Kết thúc khóa học, học viên còn luôn được hỗ trợ, hướng dẫn từ xa của thầy cô khi trở về làm việc tại địa phương.

"Trong quá trình đào tạo, tôi được cập nhật các kiến thức mới, được các thầy cô hướng dẫn tận tình, chi tiết các kỹ năng chuyên ngành nên tay nghề được nâng cao rất nhanh"- BS Nguyễn Văn Tự nói.

Bước đột phá của ngành y tế trong tiến tới bảo đảm đủ nguồn nhân lực có chất lượng

Năm 2020, sau 8 năm đi vào thực hiện, dự án 585 khép lại giai đoạn 1 với những hiệu quả thiết thực, bổ sung hơn 350 bác sĩ cho các huyện nghèo tại 22 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế, Phó Giám đốc Dự án chia sẻ, thành công đó cho thấy hướng đi đúng đắn và cần thiết triển khai giai đoạn II của dự án. Thế nhưng, Bộ Y tế khi ấy lại đối mặt với bài toán khó về ngân sách.

"Thấu hiểu ý nghĩa của chương trình, Quỹ Thiện Tâm đã quyết định đồng hành và chung tay cùng ngành y tế trong thời điểm dự án ở giai đoạn khó khăn nhất. Năm 2021, đúng dịp kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) và Bộ Y tế đã tổ chức lễ ký thỏa thuận hợp tác đào tạo bác sĩ chuyên khoa I, II cho các huyện khó khăn, mở đầu cho chặng đường mới với nhiều thành tựu và sáng kiến từ đội ngũ những người tận tâm cống hiến vì đồng bào vùng cao"- PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng thông tin.

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho y tế cơ sở: Tạo cơ hội để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn ngay tại địa phương- Ảnh 3.

Hàng trăm bác sĩ trẻ có trình độ chuyên khoa I đã đến các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa công tác, góp phần giúp người dân địa phương được chăm sóc sức khỏe tốt ngay tại địa phương.

Chia sẻ về kết quả hợp tác này, ông Lý Minh Tuấn – Giám đốc Quỹ Thiện Tâm cho hay, từ năm 2021 – 2024, Quỹ Thiện Tâm đã tài trợ cho dự án với tổng kinh phí 80 tỷ đồng để tổ chức 13 lớp với số lượng 450 bác sĩ, đào tạo 11 chuyên ngành là: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, răng hàm mặt và y học cổ truyền. Trong đó 3 lớp đã bế giảng với 150 bác sĩ trở tốt nghiệp trở về công tác tại địa phương.

Theo kế hoạch, năm 2025 Quỹ Thiện Tâm sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo thêm 150 bác sĩ để đến hết năm nay, dự án sẽ đào tạo được 600 bác sĩ chuyên khoa phục vụ sức khỏe cho nhân dân, gấp gần 2 lần so với giai đoạn 1. Đây là sự bổ sung chất lượng và kịp thời về nguồn nhân lực cho hơn 140 bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện của 38 tỉnh, thành trải dài khắp các khu vực: Miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên, Duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

"Đồng thời Quỹ Thiện Tâm cũng đưa vào hoạt động 1 Câu lạc bộ riêng cho các bác sĩ này nhằm tạo môi trường để các bác sĩ được chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn, khơi dậy tinh thần xung kích tình nguyện bằng việc tổ chức định kỳ các hoạt động chăm sóc sức khỏe miễn phí cho người nghèo và là cánh tay nối dài, kết nối tấm lòng nhân ái của Quỹ Thiện Tâm trong công tác thiện nguyện tại các vùng sâu khó khăn trong cả nước"- ông Lý Minh Tuấn nói.

Đào tạo bác sĩ chuyên khoa cho y tế cơ sở: Tạo cơ hội để người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt hơn ngay tại địa phương- Ảnh 4.

BSCK I Lê Xuân Vũ, chuyên khoa Gây mê hồi sức sau khi được đào tạo bài bản từ dự án 585 đã trở về công tác tại TTYT huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn.

GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh, trong những năm tới, ngành y tế sẽ có thêm lực lượng bác sĩ với chất lượng rất tốt được đào tạo bài bản và có đầy đủ các chuyên khoa khác nhau, giúp đỡ rất nhiều cho hệ thống y tế tại chỗ ở các vùng khó khăn.

Còn PGS.TS Nguyễn Tuấn Hưng khẳng định: Dự án thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Qua đó tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế: Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quảThứ trưởng Bộ Y tế: Đưa bác sĩ trẻ về vùng khó khăn là phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả

SKĐS - Dự án “thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn” (Dự án 585) là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả nhằm cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.

Thái Bình/ Ảnh: Lý Hoa
Ý kiến của bạn