Hành động này diễn ra ở nhiều lĩnh vực, với các loại đạo: tranh, nhạc, ảnh... Gần đây, việc nhà thiết kế - nhiếp ảnh trẻ Maxk Nguyễn (Nguyễn Mạnh Khôi) bị phát hiện đạo ảnh người khác lại hâm nóng chủ đề “đạo” trong hoạt động nghệ thuật.
Maxk Nguyễn là nghệ sĩ trẻ có tài năng, minh chứng là anh đã khẳng định tên tuổi qua các dự án ảnh thú vị về Sài Gòn như Saigon Emoji, Sài Gòn sau vai, Vịt lộn vịt dữa, Sài Gòn 3 mét vuông... Tưởng chừng con đường nghệ thuật của Maxk Nguyễn sẽ trải đầy hoa hồng thì mới đây, trên mạng xã hội bất ngờ có thông tin chia sẻ, nhiều tác phẩm nghệ thuật của Maxk Nguyễn có sự giống nhau về ý tưởng với tác phẩm của nghệ sĩ quốc tế.
Nhiều nghệ sĩ có tiếng trong lĩnh vực nhiếp ảnh, thiết kế khi xem tác phẩm của Maxk Nguyễn trong một dự án nghệ thuật vừa công bố nhận định, có tác phẩm được copy 100%, như tác phẩm của Maxk Nguyễn đã đăng tải trên mạng xã hội. Đơn cử tác phẩm về một người xích lô kéo xe hàng của họa sĩ - nhà thiết kế Francis Curran đã được Maxk Nguyễn “chôm” nguyên bản mà không hề có những biến tấu để “làm mới”, đánh lạc hướng công chúng. Sau khi bị phát hiện “đạo” tác phẩm của người khác, ban đầu Maxk Nguyễn có ý phủ nhận khi đưa ra biện minh “ý tưởng lớn gặp nhau”. Tuy nhiên, với các chứng cứ và phân tích của giới nghệ sĩ lành nghề, Maxk Nguyễn đã thừa nhận sai sót của mình và nhận lỗi.
Bức ảnh của Maxk Nguyễn (bên phải) đạo một tác phẩm của tác giả quốc tế (bên trái).
Việc Maxk Nguyễn bị tố đạo tác phẩm của người khác thực tế chỉ là một trong rất nhiều trường hợp đã, đang xảy ra trong đời sống nghệ thuật ở nước ta. Trong lĩnh vực âm nhạc, tình trạng này diễn ra thường xuyên, chủ yếu từ các ca sĩ, nhạc sĩ trẻ có lượng fan (người hâm mộ) đông đảo. Cách đây không lâu, làng nhạc Việt cũng trở nên ồn ào khi nữ ca sĩ Mỹ Tâm ra mắt MV mới Đâu chỉ riêng em. Tuy nhiên, ngay sau khi ca khúc Đâu chỉ riêng em (sáng tác Khắc Hưng) do Mỹ Tâm thể hiện ra mắt đạt triệu lượt xem, công chúng phát hiện nhiều đoạn nhạc giống với ca khúc Tình lay động tim nhói đau của một nghệ sĩ Trung Quốc. Sau những nghi vấn và ồn ào, nhạc sĩ Khắc Hưng thừa nhận ca khúc mới sáng tác cho Mỹ Tâm giống nhạc Hoa và gửi lời xin lỗi đến người hâm mộ, đồng thời nhạc sĩ này hứa sẽ cẩn thận hơn trong hoạt động sáng tác nhạc của mình.
Bên cạnh đó, nam ca sĩ Sơn Tùng MTP thời gian qua được biết đến là người có nhiều ca khúc trẻ trung, sôi động và được lượng lớn khán giả trẻ yêu thích. Tuy nhiên, Sơn Tùng cũng chính là ca sĩ vướng nghi án đạo nhạc nhiều nhất ở nước ta. Mỗi một ca khúc, sản phẩm mới của Sơn Tùng ra mắt đều bị “soi” và dính ồn ào đã đạo nhạc, đạo hình ảnh minh họa của người khác. Không khó để kể ra các ca khúc của Sơn Tùng được nhận định đã đạo nhạc của nước ngoài như: Chúng ta không thuộc về nhau (đạo từ bài We don't Talk Any More), Em của ngày hôm qua (đạo ca khúc Every night), Không phải dạng vừa đâu (đạo từ Set fire to the rain), Chắc ai đó sẽ về (đạo nhạc từ Because I Miss You)... Chính vì những điều này, Sơn Tùng được biết đến là nam ca sĩ “chuyên đạo nhạc” trong giới nhạc trẻ Việt.
Trong lĩnh vực hội họa, nhiều vụ việc đạo tranh cũng đã làm nóng dư luận, nhận được sự quan tâm, theo dõi từ công chúng. Mới đây nhất, nhiều họa sĩ cảm thấy bức xúc khi họa sĩ Nguyễn Đình Đăng phát hiện một tài khoản trên mạng xã hội facebook có đăng bức tranh nhan đề Câu chuyện trăm trứng. Điều đáng nói, bức Câu chuyện trăm trứng đã dùng nguyên mẫu từ ký họa Khỏa thân 5(3) được họa sĩ Nguyễn Đình Đăng vẽ từ năm 2002 tại Nhật Bản. Sau khi đối chiếu Câu chuyện trăm trứng với ký họa Khỏa thân 5(3), họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cùng các đồng nghiệp khẳng định hai bức tranh có chủ thể giống nhau, chỉ khác biệt ở việc lật chủ thể theo đối xứng gương và thêm một số đường nét, màu sắc vào nền tranh. Sau khi phát hiện vụ đạo tranh nhờ...facebook này, họa sĩ Nguyễn Đình Đăng đã yêu cầu người vi phạm tác quyền gỡ các bản chụp bức tranh chép xuống.
Có thể nói, tình trạng đạo tranh, ảnh, nhạc... kể trên đang diễn ra khá phổ biến ở nước ta và điều này làm cho đời sống nghệ thuật có những gam màu xấu xí. Quan trọng hơn, những vụ việc này phản ánh không ít người làm nghề đã cạn ý tưởng, từ đó nảy sinh tâm lý và ý định “chôm” chất xám, tác phẩm của người khác thành của mình. Tuy nhiên, những vụ việc không hay này đều bị phát hiện và người sai phạm mất dần hình ảnh đã dày công vun đắp trước đó với công chúng. Người sai tự cảm thấy xấu hổ với bản thân, với tác giả đã vay mượn ý tưởng và cả dư luận xã hội. Trong khi đó, khổ chủ của các sự việc trên không biết cách bảo vệ quyền và lợi ích khi tác phẩm bị xâm phạm.
Nhiều vụ việc “nổi” lên rồi rơi vào quên lãng vì khổ chủ không muốn “làm ra ngô ra khoai”. Vì thế, người xâm phạm thoát thân còn khổ chủ vừa mua vào người sự bức xúc đồng thời mất một khoản... tiền. Bởi theo luật, hành vi “đạo, nhái” tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả sẽ bị phạt tiền từ 15 - 30 triệu đồng (theo Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP), dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số...