TPHCM: 1,17 tỷ đồng là mức thưởng Tết cao nhất mà một cá nhân làm việc trong ngành tài chính ngân hàng tại TP.HCM nhận được trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Thông tin được ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM cho biết, sau khi 1.892 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TP.HCM báo cáo về lương thưởng Tết 2019.
Về mức thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp là 10,032 triệu đồng một người. Năm nay, có khoảng 4 doanh nghiệp gặp khó khăn không có thưởng Tết cho người lao động.
Đối với Tết Dương lịch, mức thưởng Tết cao nhất của một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 500 triệu đồng, trong khi mức thưởng trung bình của khối này là 9,4 triệu đồng, cao hơn năm ngoái 60%. Mức thưởng bình quân chung của các doanh nghiệp là 4,4 triệu đồng một người, cao hơn năm trước 28%.
Ngoài mức thưởng Tết cao nhất có tăng so với năm 2018, năm nay mức thưởng trung bình mà các doanh nghiệp dành cho người lao động cũng tăng so với năm 2018, một phần do mức lương cơ bản năm 2018 các doanh nghiệp đang áp dụng cao hơn năm 2017.
Đại diện Sở LĐTBXH TP.HCM cũng cho biết ngoài 2.000 doanh nghiệp được khảo sát thì vẫn còn nhiều doanh nghiệp chưa có kế hoạch thưởng cuối năm cho người lao động do chờ kết quả kinh doanh và họ sẽ công bố vào khoảng giữa tháng 1/2019.
* Hà Nội: Sở LĐTBXH Hà Nội cho biết, nhiều doanh nghiệp đã chi trả thưởng Tết dương lịch và dự kiến thưởng Tết âm lịch bình quân tăng cao hơn so với năm trước từ 4% đến 6%.
Với khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết dương lịch bình quân 600.000 đồng mỗi người (tăng 9% so với năm trước). Doanh nghiệp có mức thưởng cao nhất là 60 triệu đồng/người và doanh nghiệp có mức thưởng thấp nhất là 300.000 đồng/người.
Mức thưởng Tết âm lịch của khối FDI mức bình quân 4,8 triệu đồng mỗi người (tăng 4,4% với năm trước); cao nhất 396 triệu đồng và thấp nhất 750.000 đồng.
Đứng thứ hai là khối doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng Tết dương lịch cao nhất 16,7 triệu đồng, thấp nhất 300.000 đồng; còn Tết âm lịch bình quân 4,2 triệu đồng mỗi người (tăng hơn 6% với năm trước), mức cao nhất và thấp nhất lần lượt là 72 triệu đồng và 660.000 đồng.
Khối công ty nhà nước có mức thưởng Tết dương lịch bình quân hơn một triệu đồng/người (tăng 5% so với năm trước); Tết âm lịch bình quân 3,8 triệu đồng mỗi người, mức thưởng cao nhất là 40 triệu đồng và thấp nhất là 800.000 đồng.
Đứng sau cùng về mức thưởng Tết là khối các công ty có cổ phần có vốn góp chi phối của nhà nước, chi thưởng bình quân Tết dương 620.000 đồng mỗi người (tăng trên 3% so với năm trước); thưởng Tết âm cao nhất là 30 triệu đồng, thấp nhất là 650.000 đồng.
* Đồng Nai: Ngày 28/12, Sở LĐTBXH tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm này có hơn 1.600 công ty, doanh nghiệp báo cáo về tình hình thưởng Tết Nguyên đán 2019 cho người lao động. Theo đó, mức thưởng Tết cao nhất cho một cá nhân được ghi nhận đến thời điểm hiện tại là 545 triệu đồng.
Cụ thể, doanh nghiệp có mức thưởng Tết cao nhất cho một cá nhân là Công ty TNHH Shell Việt Nam. Đây là doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Khu công nghiệp Gò Dầu, huyện Long Thành (Đồng Nai). Tính chung cho khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng Tết bình quân cho người lao động đạt từ 7,1 đến 7,9 triệu đồng/người.
Đối với khối doanh nghiệp dân doanh, mức thưởng Tết cao nhất cho người lao động đạt 108 triệu đồng của Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Cường Thuận IDICO. Mức thưởng bình quân của các doanh nghiệp dân doanh đạt từ 6,7 đến 7,9 triệu đồng. Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mức thưởng cao nhất được ghi nhận là hơn 36 triệu đồng.
Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất được ghi nhận thuộc về một doanh nghiệp dân doanh với mức thưởng 100.000 đồng.
* Đà Nẵng: Theo Sở LĐTBXH Đà Nẵng, các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có mức thưởng Tết dương lịch 2019 có mức thưởng Tết như sau:
Đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ tiền thưởng cao nhất là 22.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 4.728.000 đồng và bình quân người lao động là 3.207.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước tiền thưởng cao nhất là 40.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 2.509.000 đồng và bình quân người lao động là 1.183.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh tiền thưởng cao nhất là 33.000.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân người quản lý là 2.450.000 đồng và bình quân người lao động là 870.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp FDI tiền thưởng cao nhất là 112.860.000 đồng, thấp nhất là 350.000 đồng, bình quân người quản lý là 16.403.000 đồng và bình quân người lao động là 905.000 đồng.
Các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp có mức thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 như sau:
Đối với các công ty TNHH 1 thành viên do Nhà nước giữ 100% vốn điều lệ: tiền thưởng cao nhất là 44.000.000 đồng, thấp nhất là 500.000 đồng, bình quân người quản lý là 9.023.000 đồng và bình quân người lao động là 4.953.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp cổ phần có vốn góp của Nhà nước tiền thưởng cao nhất là 50.000.000 đồng, thấp nhất là 1.000.000 đồng, bình quân người quản lý là 11.133.000 đồng và bình quân người lao động là 7.216.000 đồng.
Đối với các doanh nghiệp dân doanh tiền thưởng cao nhất là 110.000.000 đồng, thấp nhất là 200.000 đồng, bình quân người quản lý là 14.858.000 đồng và bình quân người lao động là 8.883.000 đồng.
Đối với nhóm doanh nghiệp FDI tiền thưởng cao nhất là 93.000.000 đồng, thấp nhất là 1.200.000 đồng, bình quân người quản lý là 20.339.000 đồng và bình quân người lao động là 5.914.000 đồng.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có mức thưởng Tết dương lịch 2019 là: Đối với các doanh nghiệp FDI tiền thưởng cao nhất là 30.171.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 3.361.000 đồng. Đối với các doanh nghiệp dân doanh tiền thưởng cao nhất là 2.000.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 763.000 đồng.
Trong khi đó, mức thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm 2019 của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp là: Đối với nhóm doanh nghiệp FDI tiền thưởng cao nhất là 411.340.000 đồng, thấp nhất là 100.000 đồng, bình quân là 11.189.000 đồng. Đối với các doanh nghiệp dân doanh tiền thưởng cao nhất là 50.000.000 đồng, thấp nhất là 250.000 đồng, bình quân là 5.757.000 đồng.
* Bắc Ninh: Theo Sở LĐTBXH tỉnh Bắc Ninh, tính tới ngày 19/12/2018, Sở đã nhận được 370 doanh nghiệp báo cáo tình hình tiền lương năm 2018, kế hoạch thưởng Tết năm 2019.
Về kế hoạch thưởng Tết dương lịch năm 2019, đã có 327 doanh nghiệp trên tổng số 352 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo có kế hoạch thưởng Tết dương lịch, chiếm 92,89%.
Mức thưởng Tết Dương lịch bình quân trong các doanh nghiệp báo cáo là 1,195 triệu đồng/người.
Trong khi đó, kế hoạch thưởng Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi năm nay mới chỉ có 300 doanh nghiệp báo cáo có kế hoạch, tương đương 85,2% doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Tuy nhiên, mức thưởng Tết Nguyên Đán của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này lại cao hơn mức thưởng Tết Dương lịch với bình quân là 5,944 đồng/người.
Cũng theo báo cáo của mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất trên địa bàn tỉnh năm nay là 350 triệu đồng thuộc về một doanh nghiệp trong khối có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - Công ty TNHH JHCOS Vina.
Còn mức thưởng Tết Dương lịch cao nhất là 262 triệu đồng của Công ty Gunho Electronics, cũng là một doanh nghiệp FDI.
Trong khi đó, mức thưởng Tết thấp nhất là 50.000 đồng.
* Cà Mau: Sở LĐTBXH tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình hoạt động, sản xuất kinh doanh năm 2018 của các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh khá ổn định, không có trường hợp DN nợ lương, cũng như trả lương cho người lao động thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ. Toàn tỉnh có khoảng 4.528 DN (nhiều loại hình, trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất) với khoảng 51.820 người lao động.
Tính đến thời điểm hiện tại, 516 DN đã công bố tình hình lương, thưởng với Sở. Theo đó, lương DN dân doanh bình quân hơn 5,7 triệu đồng/tháng; DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là hơn 13 triệu đồng/tháng; DN có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước khoảng 11 triệu đồng/tháng.
Trong đó, tiền lương được trả cao nhất là hơn 35 triệu đồng/tháng thuộc về DN có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; tiền lương được trả thấp nhất là hơn 3 triệu đồng/tháng thuộc về DN dân doanh.
Đơn vị có mức tiền lương bình quân cao nhất năm 2018 là Công ty Khí Cà Mau, với 81 triệu đồng/tháng.
Về thưởng Tết Dương lịch 2019, có 181 DN có kế hoạch thưởng Tết. Trong đó, mức thưởng bình quân là từ 800.000 đồng đến 6 triệu đồng/người tùy loại hình DN.
Mức thưởng cao nhất cho người lao động là 11,8 triệu đồng/người thuộc về DN 100% vốn nhà nước; mức thưởng thấp nhất của người lao động là hơn 400.000 đồng/người thuộc về DN dân doanh.
Đơn vị có kế hoạch thưởng Tết Dương lịch 2019 cao nhất là một công ty điện lực, với hơn 32,8 triệu đồng/người.
Còn về thưởng Tết Nguyên đán 2019, có 385 DN có kế hoạch thưởng. Trong đó, mức thưởng bình quân từ 3,5 triệu đồng - 11,2 triệu đồng/người tùy DN.
Mức thưởng cao nhất của người lao động là hơn 21,1 triệu đồng/người thuộc về DN có cổ phần, vốn góp chi phối của nhà nước; mức thưởng thấp nhất của người lao động là hơn 600.000 đồng/người thuộc về DN dân doanh.
Đơn vị có kế hoạch thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 cao nhất là một công ty kinh doanh về bất động sản, với 41 triệu đồng/người.
* Khánh Hòa: Sở LĐTBXH tỉnh Khánh Hòa cho biết, về tiền thưởng Tết Dương lịch 2019: Mức thưởng cao nhất trong các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 70.600.000 đồng/ người; còn mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/ người.
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết: Mức thưởng của người lao động có mức thưởng cao nhất trong các doanh nghiệp có kế hoạch thưởng là 120 triệu đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp dân doanh; mức thưởng thấp nhất là 100.000 đồng/người thuộc về khối doanh nghiệp FDI.