Ngay sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố những thay đổi chính sách đối với Cuba, theo xu hướng đảo ngược tiến trình bình thường hóa quan hệ mà hai nước bắt đầu từ 2 năm qua, Chính phủ Cuba đã chính thức lên án quyết định này. La Habana nhấn mạnh những biện pháp mà Tổng thống Donald Trump công bố đặt ra những rào cản mới cho doanh nghiệp Mỹ, cản trở quyền đi lại của công dân Mỹ tới Cuba và đi ngược lại sự ủng hộ của đại đa số dư luận Mỹ, kể cả cộng đồng kiều dân Cuba tại Mỹ, đối với việc dỡ bỏ cấm vận chống “hòn đảo tự do”.
Nhiều người dân Cuba cho rằng, chính sách mới của Mỹ đang đẩy mối quan hệ hai nước quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh. “Rõ ràng đây là một bước thụt lùi. Ông Trump đã xóa bỏ nhiều bước đi mà cựu Tổng thống Obama đã thiết lập và là rào cản lớn trong mối quan hệ song phương” - bà Idana Del Rio, một tiểu thương Cuba nói. Bộ Ngoại giao Mexico khẳng định, Chính phủ nước này sẽ tiếp tục ủng hộ Cuba, đồng thời kêu gọi Mỹ cùng đảo quốc Caribe này giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận chủ quyền của hai bên.
Ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh đảo ngược lại chính sách của Mỹ đối với Cuba.
Trước đó, phát biểu khi tới thăm thành phố Miami ở tiểu bang Florida, Tổng thống Trump tuyên bố bãi bỏ “chính sách một chiều” với Cuba từ thời cựu Tổng thống Barack Obama và quyết định này sẽ có hiệu lực ngay lập tức. Cụ thể, theo quyết định trên, Cuba sẽ siết chặt các quy định về đi lại, nghiêm cấm công dân Mỹ làm ăn với bất kỳ doanh nghiệp quốc doanh nào có quan hệ với quân đội và lực lượng an ninh Cuba, chấm dứt mọi hoạt động giao lưu nhân dân và chỉ cho phép tiến hành các chuyến thăm người thân. “Chúng tôi sẽ tăng cường lệnh cấm đi lại, lệnh cấm vận. Chúng tôi sẽ đưa ra các bước đi cụ thể để đảm bảo rằng dòng đầu tư trực tiếp sẽ đến với người dân, để người dân có thể mở các hoạt động kinh doanh và bắt tay vào việc phát triển đất nước” - ông Donald Trump cho biết.
Tuy nhiên, chính sách mới của Tổng thống Trump vẫn tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao giữa hai nước, duy trì hoạt động của hai đại sứ quán, cũng như cho phép các hãng hàng không và vận tải biển của Mỹ khai thác dịch vụ tới đảo quốc Caribe này.
Chỉ có Mỹ sẽ là chịu thiệt?
Nhìn lại quá trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cuba 3 năm qua, tuyên bố của Tổng thống Donald Trump được cho là một bước thụt lùi đáng tiếc. Sau tuyên bố lịch sử của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro ngày 17/12/2014, Washington đã thực thi một loạt biện pháp nhằm tiến tới dỡ bỏ những hạn chế đối với Cuba, trong đó phải kể đến việc chính thức mở lại đại sứ quán tại Thủ đô mỗi nước, nới lỏng hạn chế về đi lại và thương mại giữa hai bên.
Thống kê cho thấy, chỉ một năm sau ngày hai nước nối lại quan hệ ngoại giao, lượng du khách Mỹ đến Cuba đã tăng đột biến. Mỹ và Cuba đã ký 12 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như thương mại, vận tải, viễn thông và nông nghiệp... Đặc biệt, lượng doanh nghiệp Mỹ đến tìm kiếm cơ hội làm ăn với Cuba ngày càng đông. Do đó, giới phân tích cho rằng sự đảo chiều trong chính sách của Mỹ với Cuba trước hết sẽ gây thiệt hại cho chính các doanh nghiệp Mỹ. Một tổ chức ủng hộ việc khôi phục dần quan hệ với Havana có tên Engage Cuba (có trụ sở tại Thủ đô Washington D.C) công bố nghiên cứu cho thấy việc đảo ngược các chính sách thời Tổng thống Obama về Cuba sẽ gây thiệt hại cho Mỹ hơn 6 tỉ USD và làm giảm 12.000 việc làm, đặc biệt là trong ngành hàng không và du lịch Mỹ. Trước khi Tổng thống Donald Trump có bài phát biểu về việc thay đổi lại chính sách với Cuba tại Miami, hơn 40 doanh nghiệp và các tổ chức Mỹ cũng đã lên tiếng yêu cầu Tổng thống Donald Trump xem xét lại quyết định trên. Thậm chí, giới quan sát cho rằng thắt chặt các biện pháp mới cấm vận về đi lại và thương mại với Cuba sẽ là một chính sách tồi về chính trị và cả cho doanh nghiệp Mỹ. Hãng tin Mỹ AP dẫn lời Thượng nghị sĩ bang Virginia kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ Mark R.Warner nhận định rằng, quyết định của ông Donald Trump đã gửi đi một thông điệp sai lầm với thế giới về vai trò lãnh đạo của Mỹ.
Thứ hai, việc Tổng thống Mỹ đảo ngược lại chính sách với Cuba chắc chắn sẽ gây tổn hại không ít tới uy tín của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump. Bởi nó sẽ cho thấy một sự “tiền hậu bất nhất” trong nền chính trị Mỹ khiến lòng tin của các đối tác quốc tế với Mỹ suy giảm, đồng thời sẽ “khuyến khích” Cuba xích lại gần hơn với các đối thủ đang cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ trên thế giới. Tờ New York Times dẫn lời Cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Benjamin J. Rhodes nói rằng, bước đi của chính quyền mới tại Mỹ sẽ làm suy yếu các mục tiêu của ông Trums đã đặt ra, đồng thời kéo Cuba tiến gần hơn trong mối quan hệ với các quốc gia như Nga hay Trung Quốc. Theo New York Time, điều này là vô cùng bất lợi đối với nước Mỹ.