Người xưa có câu “Tháng 3 bà già đi biển”, nghĩa là khi ấy sóng yên biển lặng, nhưng tôi lại cưỡi gió vượt biển ra đảo Phú Quốc vào giữa tháng 7, đúng mùa mưa gió phương Nam. Con tàu cánh ngầm khá lớn nhưng cũng phải chùn bước, vật lộn với những đợt sóng lừng cản lại, khi xuất phát từ bến cảng Hà Tiên. Mưa xối xả. Sóng trập trùng. Hầu hết khách đi đều bị hành cho đến nơi đến chốn. Tôi chóng mặt, nhưng vẫn cố nắm chặt cột sắt ở đuôi tàu rồi phó mặc cho mọi chuyện xảy ra...
Những kỷ lục trên đảo lớn
Tiếng còi tàu hú vang báo hiệu cập bến. Ai nấy đều như vừa thoát khỏi cơn lộn tùng phèo sau hơn một tiếng hành xác. Những ngôi nhà đã hiện lên trong màn mưa. Mọi người đã trở về với những nụ cười của mình và hối hả chạy vội lên bờ. Người đón tôi là anh Trần Xuân Tiến - một người bạn được giới thiệu để đồng hành trong chuyến đi. Anh là người ở thị trấn Dương Đông và nắm được mọi chuyện đang diễn ra trên đảo này.
Trên đường đi hơn 10km hướng về trung tâm thị trấn, tôi nói anh Tiến kể tóm tắt nhanh cho tôi biết về những gì thú vị nhất của Phú Quốc. Ngay lập tức, anh nói đảo mới có điện lưới quốc gia. Rồi anh kể say sưa về cái chuyện các anh thợ điện làm cách nào để chôn đường cáp ngầm dưới đáy biển từ Hà Tiên vào đảo kéo dài tới hơn 50km. Ôi cha cha! Anh cứ nức nở, thật là thần kỳ. Đó là ước mơ trăm năm qua của gần chục vạn dân trên đảo, đã trở thành hiện thực. Mà có điện là có tất cả. Trước cứ nói đảo Phú Quốc là đảo Ngọc, nghĩa là đầy tiềm năng kinh tế, du lịch, nhưng không có điện lưới quốc gia, tất cả đều ngoảnh mặt. Con đường dọc biển cứ là bụi mù. Nhưng mới từ đầu năm 2014, đảo có điện, hàng chục dự án lớn đã ầm ầm nhảy vô.
Như được đà sự phấn khích, anh Tiến khoe đảo còn có nhiều cái đứng vào hạng số một mà không đảo nào có được. Đầu tiên, đảo Phú Quốc có diện tích lớn nhất trong hệ thống đảo của nước ta, rộng 56.500ha. Anh còn nói ấy là chưa kể đến huyện đảo còn có đảo Thổ Chu và đảo Hòn Thơm cũng lớn hơn nhiều so với các đảo khác trong vùng biển nước ta. Tôi tặc lưỡi tỏ ra thú vị, anh Tiến lại tiếp tục với những con số của mình, ấy là sân bay quốc tế Hàng không Phú Quốc mỗi ngày có 20 chuyến đến và đi khắp nơi. Rồi nữa, từ tháng 2 năm nay đã có chuyến bay thẳng từ Nga về đây nên khách quốc tế tăng lên chóng mặt, các quán ăn chợ đêm ở Dinh Cậu phục vụ không xuể. Nói rồi anh cười khà khà.
Tôi tò mò hỏi, đảo còn gì nhất nữa? Bãi tắm biển! Anh nói ngay, ví dụ bãi Trường dài tới 30km. Bãi Sao dài 7km, còn bãi Dài kéo liền một mạch 10km. Tha hồ tắm. Anh còn nhấn, mà cát ở những nơi này trắng và mịn như kem ấy chứ. Tôi phì cười vì sự ví von đúng theo kiểu PR ngọt lịm. “Không, thật đấy!”, anh bảo tôi mai cứ ra Bãi Sao mà xem, đúng thế. Hình như anh chợt nhớ ra một kỷ lục mới sắp hoàn thành, đó là Khách sạn 5 sao của Tập đoàn Vincom Phú Quốc đang xây dựng với 500 phòng. Anh quay đầu lại thì thầm rằng, cuộc thi chung kết Hoa hậu báo Tiền Phong sẽ diễn ra tại đây vào tháng 12/2014 đấy. Anh khoái chí cười vì chắc mẩm sắp tới, những cô gái đẹp nhất nước sẽ xếp hàng trên bãi biển này để cho mình ngắm. Tôi chép miệng thốt lên thích thế. Anh lại cười. Một nụ cười xởi lởi rất Phú Quốc. Thế rồi mọi chuyện đành tạm dừng vì tôi đã về tới nhà nghỉ của Bưu điện ngay trung tâm khu phố.
Lại những điều bất ngờ
Ngay buổi tối, chúng tôi đi chợ đêm Dinh Cậu. Nói là chợ đêm, thực ra người ta đã bày hàng ra bán từ 5 giờ chiều, bởi cái lẽ đúng vào bữa ăn tối của du khách tìm đến. Quả đúng là nhiều người Nga có mặt từ sớm, đặt những món hải sản; trong lúc chờ đợi, họ còn cùng nhau hát bài Đôi bờ, có lẽ vì nhớ quê. Có đôi vợ chồng trẻ còn ôm cả ba đứa con nhỏ đến chợ: một đứa còn ẵm trên tay, một đứa còn nằm ngủ trên xe, còn cậu con thứ ba thì ngồi khua thìa và cái bát rỗng. Người đi lại tấp nập.
Thấy có một quầy hàng tập trung khá đông, tôi len vào mới hay bà chủ hàng đang hướng dẫn khách nếm nước mắm ngon, đặc sản của Phú Quốc. Bà say sưa nói, thế nào là nước mắm cốt, thế nào là nước mắm nhĩ. Thấy mấy người nuốt nước miếng nhóp nhép, bà khoái chí lắm, bèn đố khách hàng. Bà hỏi ai biết, vì sao nước mắm Phú Quốc mới được Ủy ban kinh tế châu Âu công nhận thương hiệu và chất lượng số 1 không. Nào ai biết, tưởng có gì cao xa lắm; hóa ra đó chỉ là cách làm nước mắm truyền thống. Nghĩa là 3 lớp cá 1 lớp muối, không phụ gia, không chất bảo quản. Bà cười rồi đưa cái chén nước mắm cho mọi người nếm thử. Một cô gái nhanh tay lấy chiếc thìa nhỏ nhấm nháp tí chút và gật đầu tấm tắc. Bà chủ chợt hỏi vì sao cái vị nước mắm Phú Quốc lại đậm và ngọt đến thế? Một bí mật bà cho biết, ngoài loại cá “cơm than” ướp muối, nhưng thùng gỗ ướp chượp mắm phải là loại gỗ Bời Lời, khi lên men mới gọi là nức mùi thơm. Nhiều người cố chen vào để nghe, tôi bị đánh bật ra lúc nào không hay, phải nói tiếp thị hàng như bà mới gọi là thân thiện.
Tôi theo chân đoàn dạo quanh chợ ngắm những quầy hàng ngọc trai và đồ lưu niệm biển như vỏ ốc, cũng như các vòng dây ngũ sắc. Bất chợt rẽ sang con phố nhỏ bên phải chợ đêm, tôi gặp cửa hàng “Cà phê tiếng Anh”. Lạ thật đó! Toàn là các bạn trẻ tập trung ở cửa hàng này để nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Một bài hát tiếng Anh vang lên rộn ràng với tiết tấu vui nhộn. Ở đây, các bạn trẻ còn xem phim nói tiếng Anh hay có phụ đề tiếng Anh và trên mỗi bàn nước là những tờ báo hay bưu ảnh tiếng Anh. Những bức ảnh về nét đẹp Phú Quốc, về những điều gần gũi nhất mà họ thường gặp và là những nơi họ thường đến. Đây là Dinh Cậu, kia là ngọn đèn biển trên cầu tàu, sóng vỗ suốt ngày đêm... Bất chợt có hai cô gái trêu đùa nhau, họ cũng ríu rít bằng những câu tiếng Anh rất rõ ràng. Hình như có cô bé quát bạn rất to: “Parrot!” (con vẹt - nói như vẹt)... Có thể nói, đây là một cửa hàng cà phê độc đáo nhất không những của Phú Quốc mà còn lạ với nhiều thành phố khác.
Chỉ một loáng sau, tôi đi theo mấy người ra Dinh Cậu. Sóng vỗ từng lớp phả bọt trắng xóa lên bờ cát, lấp lánh dưới ánh đèn. Đây là bãi tắm cũng mang tên Dinh Cậu nằm dưới đền Cậu, thờ Hải long Thiên vương để phù hộ cho ngư dân mỗi lần ra khơi xa. Bãi biển vòng cung còn được ánh sáng của cây đèn biển quét qua, nom rất vui mắt. Vậy nên không ít người vừa đi chợ đêm vừa ngồi hóng mát hay tắm đêm ngay tại bãi biển tấp nập người này. Người ta còn nói thị trấn không có một dấu vết tệ nạn nào và đặc biệt không bao giờ có kẻ cắp. Quả vậy, tôi nhìn thấy hàng chục xe máy để ngổn ngang trên bờ biển, chả cần ai trông nom. Hay còn có chiếc xe để trên cầu cá vẫn còn cắm nguyên cả chùm chìa khóa.
Về “cội nguồn” và mơ...
Sáng hôm sau, theo lời chỉ dẫn, chúng tôi gặp nhau tại Bảo tàng “Cội Nguồn” trên đường Trần Hưng Đạo. Đây là một trong số ít bảo tàng tư nhân được các tổ chức xếp hạng và có kiểm tra về độ tin cậy của vật thể trưng bày. Theo như ông Huệ - Giám đốc bảo tàng cho biết, trong số 3.000 cổ vật thì có tới hơn một phần ba đã được thẩm định, đăng ký bản quyền và cấm được mang ra khỏi lãnh thổ nước ta. Vậy đây là một bảo tàng lịch sử tư nhân có nhiều cổ vật quý hiếm và duy nhất.
Khi tiếp chúng tôi, ông Huệ cho biết, thực ra, đảo Phú Quốc còn nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá. Với sự hình thành 3.500 năm qua, đất, biển và rừng Phú Quốc như một kho báu, đúng với nghĩa của nó là sự giàu có của thiên nhiên ban tặng. “Cội Nguồn” là những trang sách đầu tiên được đọc lên giữa chốn trùng khơi. Và đặc biệt, ông nhấn mạnh, đảo Phú Quốc có vị trí được coi là trung tâm của vùng Đông Nam Á nên rất được thế giới chú ý.
Chúng tôi đi khắp các phòng trưng bày cổ vật của 5 tầng bảo tàng “Cội Nguồn”. Ai nấy đều thán phục ông giám đốc “chịu chơi” văn hóa kiểu này. Bỏ ra dăm tỷ bạc chỉ để mua vui cho mọi người. Âu cũng là một sự lạ. Nhưng rồi bất ngờ, anh Tiến - người mà tôi mới gặp đã xuất hiện. Anh báo, đã có những câu chuyện mới để tiếp nối câu chuyện về những cái nhất thuộc về Phú Quốc từ ngày hôm qua. Anh xòe ra một tờ bản đồ đảo, rồi ngồi bệt xuống sàn để mở ra cho rộng. Tôi cũng tò mò ngồi xuống. Anh chỉ mấy điểm trên bãi biển và thông báo, đến nay, đảo đã có 102 dự án được đầu tư chính thức với tổng số tiền lên tới 108.537 tỷ đồng. Tương lai của Phú Quốc sẽ trở thành một đặc khu kinh tế, du lịch và chỗ chúng ta đang đứng sẽ là một thành phố biển đảo lớn nhất nước.
Lúc này, ông Huệ đứng kề bên gật gù tán thưởng khi nghe anh Tiến say sưa mơ tưởng. Ông nói, chẳng bao xa, một thành phố hiện đại sẽ hình thành vào năm 2020. Mà giờ đây, tất cả đã bắt đầu. Ông Huệ còn nhấn mạnh, khi đó, Đặc khu kinh tế Phú Quốc còn là một trung tâm tài chính cỡ khu vực, tạo nên một nhịp sống mới, ào ạt như sóng nước vỗ bờ. Những con đường đã hình thành. Lúc này, một tốp thanh niên cầm tay nhau bước lên thềm bảo tàng. Họ cười và hồ hởi tìm lại những quá khứ và mọi sự bí ẩn của hòn đảo Ngọc này. Bắt đầu từ đây, họ bước lên cùng con tàu vượt sóng...
Bài và ảnh: Chung Tử