Đào mốc, mai rừng đang cạn kiệt

01-02-2013 14:59 | Thời sự

Những năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, ngày càng nhiều người nhất là ở khu vực thành phố lớn rất thích mua đào rừng về làm cảnh trang trí nhà. Điều này khiến đào rừng trở thành món hàng đắt giá.

Những năm trở lại đây, vào dịp Tết Nguyên đán, ngày càng nhiều người nhất là ở khu vực thành phố lớn rất thích mua đào rừng về làm cảnh trang trí nhà. Điều này khiến đào rừng trở thành món hàng đắt giá. Cứ mỗi dịp Tết, đào rừng lại theo những chuyến xe về xuôi và đây chính là  nguy cơ khiến đào, mận, mai rừng bị tàn phá.

Đào mốc, mai rừng đang cạn kiệt 1
Đào rừng được chuyển về thành phố.

Có cầu…

Trước đây, mọi người dân thành phố nhất là Hà Nội thích dùng đào Nhật Tân nhưng những năm gần đây nhiều người chuyển sang gu chơi Tết bằng đào rừng. Không chỉ là cành đào mà phải cả gốc đào “mới là mốt”. Những người muốn chưng cành đào rừng, một số người lại tìm mọi cách săn bằng được cành đào rừng đẹp  để làm quà vì vậy, giá đào rừng ngày càng cao, từ vài triệu đến vài chục triệu. Nhất là những cây đào càng cổ thụ càng có giá, tuổi từ vài đến hàng trăm tuổi, gốc to sù sì tự mọc, hoặc được những gia đình người Mông trồng quanh nhà, đã trở thành của hiếm được các đại gia săn đón.

... ắt có cung

Thú chơi này đã khiến nhiều người đi vào tận thôn bản, vùng cao cheo leo lên rừng núi cùng cưa máy, ô tô trở đầy ắp đào rừng xuôi về thành phố.

Cứ khoảng ngày 20 tháng chạp âm lịch nhiều đội quân hùng hậu vận chuyển những cây đào nguyên gốc. Những xe vận tải cỡ lớn chở cành, gốc đào ngược xuôi trên trên Quốc lộ 6, qua cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đoạn từ xã Lóng Luông đến địa phận thị trấn Mộc Châu. Hiện nay đoạn đường này nhiều người  dân đã bắt đầu chuyển đào từ các ngả đường trong núi ra, bày bán cho du khách. Theo những tài xế đường dài thì tại Mộc Châu (Sơn La, cách Hà Nội khoảng 160km), người dân ở đây cho biết đã buôn đào từ đầu tháng Chạp.

Một người dân ở Lóng Luông cho biết, nhà ông trước đây trồng đào là chủ yếu, nhưng “bán hết rồi, chỉ còn vài cây mận thôi. Trong khu này nhà nào trồng mận thì còn, vì cây mận không ai mua, nhà nào trồng đào thì bán hết rồi”.

Khi được hỏi, tại sao người dân không tỉa bán cành thôi, để hàng năm còn có đào mà bán, nhổ cả gốc như thế thì triệt luôn cả cây, sau này sống bằng gì. Nhưng người dân ở đây cho biết: “Nhưng người xuôi chỉ muốn mua cả cây thôi, mà cây phải to, nhiều cành. Hết đào nhà, thì các thành viên trong gia đình vào rừng tìm kiếm, nhưng giờ cũng khó.” Theo người dân ở Lóng Luông cho biết: Trước đây còn nhiều, vài năm đua nhau khai thác, giờ thì đi xa hơn mới có và cũng ít. Điều này không chỉ có ở Sơn La mà ở các tỉnh như: Lạng Sơn, Yên Bái, Lai Châu… cũng diễn ra tình trạng này. Năm ngoái tại trường học Sa Pả  (Sa Pa - Lào Cai)  các cô giáo cho biết:  Từ ngày mùng 10/1 rất nhiều em học sinh bỏ học rất nhiều để đi vào rừng tìm kiếm đào để bán.

Và những hệ luỵ

Theo ước tính của các nhà chuyên môn, hiện hàng chục, hàng trăm hecta đào rừng đã bị tàn phá, tận diệt, bật gốc ùn ùn về xuôi. Vào mỗi dịp Tết đến đang khiến nhiều cây đào cổ thụ bị chặt phá, diện tích trồng đào rừng ngày càng bị thu hẹp. Cứ với lượng đào bị chặt bán ra như hiện nay, chẳng ai dám chắc vài cái Tết nữa, những cây đào mốc thân cổ thụ sẽ còn.

Đào mốc, mai rừng đang cạn kiệt 2
Đào rừng được bày bán dọc đường đi từ Yên Bái - Lào Cai.   Ảnh: TL

Những vựa đào nổi tiếng ở Lóng Luông, Vân Hồ, Phiêng Luông nay đã vơi đi nhiều. Đào bị chặt hạ không kịp mọc trở lại để phục vụ thú chơi của người dân. Thậm chí, đã có người sang bên Lào mua đào mang về bán. Cửa khẩu Pa Háng, thuộc xã Lóng Sập, thị trấn Mộc Châu trở nên tấp nập với những xe chở đào rừng cao ngất ngưởng.

Hiện nay, giống đào mốc nguyên chủng của người Mông đang hiếm dần. Nguyên nhân chính là việc khai thác bừa bãi thân và cành phục vụ nhu cầu chơi Tết của một bộ phận dân thành thị đã vô tình tiếp tay cho việc phá hoại môi trường, tàn phá rừng xanh. Những cành mai đào hoang sơ từ Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng và các tỉnh Tây Bắc giờ đang cạn kiện và có nguy cơ tuyệt chủng trước thú chơi của người thành phố.

Vì vậy, để bảo vệ giống đào mốc, đào rừng mai rừng rất cần các ban ngành đặc biệt các trưởng thôn cần phải việc tuyên truyền cho người dân hạn chế việc chặt hạ đào mai. Không vì lợi trước mắt mà bỏ cái lợi lâu dài. Ngoài ra, để có thể hồi sinh cho những vườn đào quý chính quyền địa phương cũng cần có những biện pháp trong việc trồng mới, bảo vệ và khai thác đào hợp lý.

Nguyễn Thảo

 
Ý kiến của bạn