Ngày 1/1/2014, đạo luật mới về bảo hiểm y tế được mệnh danh là “Obamacare” bắt đầu có hiệu lực. Đây là cải cách hết sức quan trọng trong nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama, tuy thành công vẫn còn chưa được đảm bảo.
Đạo luật này được thông qua vào năm 2010, cấm các công ty bảo hiểm kể từ 1/1/2014 không được ấn định nhiều mức phí khác nhau theo tiền sử bệnh hay phái tính, cấm từ chối nhận bảo hiểm đối với những bệnh nhân mà chi phí điều trị quá tốn kém, hay quy định mức trần thanh toán hàng năm. Thể thức này vốn đã khiến một số bệnh nhân bị những căn bệnh trầm kha có thể tán gia bại sản.
Người dân bày tỏ sự ủng hộ với đạo luật Obamacare.
Đổi lại, luật bắt buộc tất cả những người định cư tại Mỹ dù là công dân Mỹ hay người ngoại quốc đều phải mua bảo hiểm; nếu không sẽ bị phạt 95 USD và đến năm 2016 tiền phạt sẽ tăng lên 695 USD. Lý lẽ về mặt kinh tế khá đơn giản: Nếu tất cả mọi người đều mua bảo hiểm thì phí mà những người có sức khỏe tốt phải trả sẽ bù đắp qua cho những bệnh nhân tốn kém. Một điểm mới nữa của cải cách là đã xác định những chi phí mà công ty bảo hiểm mặc nhiên phải thanh toán. Từ nay, tất cả các gói bảo hiểm đều phải gồm cả phí điều trị tại bệnh viện nhất là cấp cứu; và các điều trị dự phòng như xét nghiệm tiểu đường, ung thư, tiêm chủng hoặc ngừa thai đều phải được thanh toán toàn bộ. Bộ trưởng Y tế Mỹ Kathleen Sebelius tuyên bố: “Luật mới sẽ thay đổi hoàn toàn hệ thống y tế của chúng ta. Từ nay, việc là phụ nữ sẽ không bị đánh đồng với việc có một tiền sử bệnh tật”. Từ trước đến nay, phí bảo hiểm đối với nữ luôn cao hơn nam.
Tại Mỹ hiện nay chỉ có những người nghèo nhất và người trên 65 tuổi mới được hưởng hệ thống bảo hiểm xã hội. Đối với khoảng 150 triệu người Mỹ đóng bảo hiểm thông qua cơ quan làm việc thì không có gì thay đổi. Nhưng còn 25 triệu người tự mua bảo hiểm tư không được hưởng giá rẻ như mua tập thể và những người không có bảo hiểm thì hồi tháng 10 Chính phủ đã lập các trang web để họ có thể tham khảo, chọn mua bảo hiểm tư, có thể được trợ giá. Trang web liên bang Healthcare.gov được sử dụng tại 36 tiểu bang, 14 tiểu bang còn lại tự lập trang mạng riêng. Chính phủ đề ra mục tiêu từ nay đến cuối tháng 3 có 7 triệu người đăng ký. Đến nay đã có 2,1 triệu người tham gia qua các trang mạng trên - một con số khá thấp so với dự kiến, nhưng tăng khá nhanh so với hai tháng 10 và 11 vì bị trục trặc về vi tính. Thêm vào đó là 3,9 triệu người được hưởng chế độ an sinh xã hội Medicaid dành cho người nghèo.
Nhưng chính quyền chưa thể nói được có bao nhiêu trong số 6 triệu người này trước đây không có bảo hiểm, một con số căn bản có thể làm nên thành công của cải cách. Tổng cộng có 50 triệu người tại Mỹ hiện không hề có bảo hiểm y tế. Không thể biết được sẽ có bao nhiêu thanh niên đăng ký mua - điều kiện cần thiết để hệ thống mới có thể cân bằng thu chi. Tony Carrk thuộc Center for American Progress, người ủng hộ cải cách nhấn mạnh, họ có thể đợi đến hạn chót là ngày 31/3 để đăng ký.
Các đối thủ phe Cộng hòa của ông Obama kịch liệt phản đối việc cải cách bảo hiểm y tế, dẫn đến tăng chi phí cho một số gia đình giàu có và đây là một trong những chủ đề tranh cử Quốc hội của họ tháng 11/2014 tới. Những ngày đầu tiên của năm 2014 có thể có một số lộn xộn tại các phòng mạch và bệnh viện, vì một số người chưa nhận được thẻ bảo hiểm y tế và hệ thống vi tính chưa sẵn sàng hoạt động. Ông Phil Schiliro, cố vấn của Nhà Trắng nhìn nhận: “Chúng tôi còn phải nỗ lực rất cao để mọi việc được suôn sẻ trong những ngày tới”.
Bộ trưởng Y tế Mỹ Kathleen Sebelius vẫn chưa thể cho biết rằng, có bao nhiêu người trong số 2,1 triệu người ghi danh đã đóng tiền bảo hiểm tháng đầu tiên để bảo đảm rằng hồ sơ bảo hiểm sức khỏe của họ có hiệu lực vào ngày 1/1/2014. Bà Sebelius và các viên chức khác thừa nhận rằng, Obamacare có thể vẫn còn một số trở ngại và khuyên người dân nên mang theo hồ sơ bảo hiểm của mình khi đến gặp bác sĩ và các hiệu thuốc tây, nên đóng tiền bảo hiểm đúng thời hạn và xác nhận lại với công ty bảo hiểm của mình.
Lê Sơn
(Theo AP)