Đảo Hòn Dấu: Rừng phố - đảo đèn

12-07-2014 13:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Hòn Dấu chính là đỉnh núi vươn dài từ dãy núi Đồ Sơn chín ngọn, chạy ra ngoài biển xanh, đứng chơ vơ đơn độc.

Đảo Hòn Dấu trước đây còn được dân ở Đồ Sơn gọi là Hòn Dáu. Hỏi vì sao lại có hai tên như vậy, thì chính họ cũng không giải thích được. Nhà thơ Minh Trí, Hội Nhà văn Hải Phòng dẫn chúng tôi ra đảo nói, có lẽ do thổ ngữ của địa phương, khi phát âm đã làm du khách nghe thành Hòn Dấu. Lâu dần thành quen. Xưa nữa, Hòn Dấu còn có tên Núi Độc, vì nó chính là đỉnh núi vươn dài từ dãy núi Đồ Sơn chín ngọn, chạy ra ngoài biển xanh, đứng chơ vơ đơn độc.

Đèn biển và di tích lịch sử.

Đèn biển và di tích lịch sử.

1. Rừng phố

Người ta hình tượng hóa Đồ Sơn như đầu rồng đang hướng về viên ngọc bích là đảo Hòn Dấu, đuôi quẫy ra khơi xa làm thành đảo Bạch Long Vĩ. Chính vì thế nếu nhìn từ xa, đảo Hòn Dấu có hình quả trứng, nhiều lớp vỏ được kiến tạo đầy màu sắc, với khu rừng nguyên sinh được bảo tồn lâu đời nhất. Chung quanh đảo còn có những bãi đá bao bọc, chống chọi với sóng to gió lớn cùng thủy triều lên xuống quanh năm.

Khi tàu cập bến lên đảo, chúng tôi bỡ ngỡ với những cây đa xù xì như những cụ già hiền từ đứng hai bên đường đón khách. Nhà thơ Minh Trí kể, trên đảo là một rừng đa cổ thụ, hàng chục cây mấy trăm năm tuổi đều được đánh dấu trở thành di sản quốc gia. Tôi rẽ vào khu tập thể của trạm khí tượng, ở ngay trên đường lên núi, để chụp ảnh những hàng cây đa bao quanh tường, tạo nên bức thành đa xanh tươi và dày đặc những chùm rễ buông thành thân cây điệp trùng, những đa là đa.

Đúng lúc này, mọi du khách xôn xao vì có người để quên ví tiền ở quán nước, vừa quay lại tìm. Chẳng ai có thể tin sẽ tìm lại được. Vậy mà bà chủ hàng nước đã cười nói, không thể mất được đâu, tất cả những gì ở trên đảo sẽ được bảo vệ. Quả nhiên, anh chàng kia đã nhận lại ví, hỉ hả cảm ơn bà chủ rồi lại vội chạy ra tàu về bến. Rồi sau đó bà kể bao nhiêu là chuyện, những người tham lam lấy bất cứ vật gì trên đảo đều bị thần trừng trị, nên đảo ngàn năm xưa có gì nguyên nấy. Bà hồ hởi nói, ngay vào lễ hội đền Hải Nam Thần Vương trên đảo, hàng trăm người ngủ lại nhưng cũng không bao giờ bẻ một cành cây, hay làm gãy một bông hoa. Phải nói đền rất thiêng, với bao điều kỳ bí được truyền lại hàng trăm năm nay, người dân từ xa đến cũng hay đi thuyền sang đền Hòn Dấu để lễ cầu phúc đức và may mắn cho con cháu.

Bà còn nhớ, cứ mỗi lần trước khi đến ngày lễ hội chính, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng 2 hàng năm, thường bao giờ biển cũng dậy sóng, dồn tôm cá về cho ngư dân Đồ Sơn. Vào những ngày đó, các chợ ở Hải Phòng cũng đầy tôm cá ngon như chim, thu, nhụ, đé. Ai cũng biết ngài ở đền Hải Nam Thần Vương trên đảo đã ban lộc cho mọi người. Sự trùng lặp về hiện tượng này không thể chỉ giải thích một cách thuần túy về hiện tượng thiên nhiên và quy luật của biển cả. Mà về khía cạnh tâm linh có tính thâm sâu trong lòng những ngư dân ở đây, bao đời chỉ nghĩ đó là lộc ngài ban, nên hãy bảo vệ và yêu thương biển hết lòng. Nghe bà cụ kể chuyện, nhà thơ Minh Trí cũng nhớ đến hiện tượng, cứ mỗi lần đến ngày hội là có hàng đàn cá heo trắng về vui cùng mọi người. Không ít người còn nhớ hình ảnh những chú cá heo nhảy múa vào ngày hội Nam Hải, tháng 2 năm 1974. Năm ấy dân được mùa cá làm xôn xao dậy sóng đất cảng.

Gốc đa lớn mấy trăm năm tuổi.
Gốc đa lớn mấy trăm năm tuổi.

Đột nhiên, nhà thơ dừng lại trước bậc thềm của cây đèn biển Hòn Dấu. Anh chỉ về phía thành phố Hải Phòng, rồi khoát tay quanh đảo nói, khu rừng nguyên sinh này thuộc về nội thành, là đơn vị hành chính của thị trấn Đồ Sơn. Vậy nên người ta còn gọi phố rừng, hay rừng của phố là vì thế. Có thể nói Đồ Sơn là một thị trấn độc nhất vô nhị trên đất nước ta có hẳn một khu rừng nguyên sinh. Anh cười nói vui, chúng ta đang đứng ở phố rừng có cái tên Hòn Dấu. Thật thú vị, đây là một con phố dị biệt với những huyền thoại bất tử, về đền thờ tướng của nhà Trần chiến đấu chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ngài đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên cương và biển cả nước nhà.

2. Mắt ngọc đèn biển

May lúc này chúng tôi gặp được anh Xuân, một trong 19 người của tổ đèn biển Hòn Dấu, đang làm việc. Anh kể, ban đầu người ta gọi đảo Hòn Dấu là đảo đèn, vì cây đèn biển được xây dựng ở đây cốt để điều hành sự vận chuyển, ra vào của tàu biển mỗi khi đến cảng Hải Phòng. Hơn 100 năm qua, đảo không có dân sinh sống, vì đảo chỉ có rừng và đá, diện tích nhỏ chừng 12ha, không có đất sản xuất. Phương tiện đi lại khó khăn cho dù chỉ xa đất liền 2km, nhưng sóng to gió mạnh. Mãi tới năm 1956, mới có trạm khí tượng thủy văn được xây dựng, mà cũng chỉ có 6 nhân viên làm việc. Riêng đội kiểm soát biên phòng biển đảo sau này bổ sung, nhưng con số cũng rất khiêm tốn, 3 chiến sĩ.

Anh Xuân định dẫn chúng tôi leo hơn 100 bậc thang lên đèn biển để tham quan, nhưng lại dừng lại phòng truyền thống. Ở đây, chúng tôi ai cũng thích thú xem những vật dụng như đèn, sổ sách và những di chứng của một thời chiến tranh. Anh chỉ lên một bảng kẻ khẩu hiệu được viết từ những năm 1964, khi máy bay Mỹ bắt đầu đánh phá cây đèn biển. Chúng tôi bồi hồi đọc lại hàng chữ đầy máu lửa một thời: “Còn đảo, còn người, hải đăng còn cháy sáng”. Anh nhớ lại những ký ức nóng bỏng ngày ấy...

Máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Đèn biển Hòn Dấu là một trong những mục tiêu quan trọng, mà chúng ném bom đánh phá liên tục suốt ba năm liền, tất cả là 116 lần oanh tạc. Con mắt biển của đảo Hòn Dấu vẫn vững vàng soi sáng hàng đêm, để soi rọi, làm dấu mốc cho những đoàn tàu vận tải không số, tiếp tế vũ khí và lương thực cho mặt trận phía Nam. Đầu năm 1967, đèn biển Hòn Dấu bị chúng đánh sập hoàn toàn, nhưng tối đến ánh sáng vẫn bừng lên, chớp lóe. Các công nhân đèn biển cùng các chiến sĩ tự dựng khung đèn biển bằng sắt, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cho chiến trường. Cùng với đó, mọi người trên đảo còn đào một căn hầm với giao thông hào xuyên núi, để đêm đêm lên thắp đèn cho ngọn hải đăng cháy sáng. Tất cả đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường bám đèn, bám biển, với khẩu hiểu được viết bằng máu và nước mắt của đảo. Và, đèn biển Hòn Dấu được vinh danh là “Mắt ngọc Tổ quốc” từ cuộc chiến một mất một còn như thế.

Đến năm 1986, đèn được xây lại trên nền móng cũ và đến gần 10 năm sau, thành phố cho phục dựng lại theo đúng hình dáng ban đầu của ngọn đèn biển, được xây dựng từ năm 1892. Đó là một tác phẩm kiến trúc mẫu mực của cuối thế kỷ 19 và là một trong 5 ngọn đèn biển đẹp nhất nước ta tính đến nay. Danh hiệu “Mắt ngọc Tổ quốc” quả là xứng đáng với vai trò nguồn sáng vĩnh cửu và những diễn biến lịch sử vinh quang đã được trao cho Hải đăng Hòn Dấu.

3. Lời chào đất mẹ

Đi cùng chúng tôi còn có một số phóng viên trẻ say mê nhiếp ảnh. Họ đi săn những khuôn hình và thể hiện những tìm tòi và khám phá những điều mới lạ trên đảo đèn Hòn Dấu. Khi lên tới đỉnh tháp đèn, họ cũng giống như chúng tôi, đều hướng ra biển cả, với bao điều xốn xang khi biết tin những kẻ xấu đang xâm lấn bờ cõi biển khơi nước ta. Bất ngờ anh bạn mặc chiếc áo phông đỏ gắn ngôi sao của lá cờ Tổ quốc, giơ tay chào hướng về phía biển xa. Phía trước là đảo Bạch Long Vĩ anh hùng, là đảo Long Châu kiên cường, bất khuất. Còn phía xa kia là Hoàng Sa bất tử. Chúng tôi đều hướng mặt về Hoàng Sa. Phía sau các chiến sĩ đang ngày đêm kiên cường bám trụ là sự có mặt của chúng tôi. Tất cả mọi người đã sẵn sàng tiếp sức khi Tổ quốc cần, lên đường bảo vệ non sông gấm vóc 4.000 năm lịch sử huy hoàng, Việt Nam. 

Chung Tử

 


Ý kiến của bạn