Đảo hồi sinh nơi cực Bắc Trường Sa

04-07-2014 14:20 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng...

Khi bước chân lên đảo Song Tử Tây, một hòn đảo lớn ngự phía cực Bắc quần đảo Trường Sa, điều đầu tiên khiến tôi reo lên một cách ngỡ ngàng là bởi ngay cạnh bến xuồng là một âu tàu khá lớn, có thể chứa được hàng trăm tàu cá về đây neo đậu. Và cái điều đầu tiên làm tôi khó hiểu là rất nhiều cây bàng vuông có hàng rào bao quanh? Chẳng nhẽ lại rào để lính khỏi hái quả? Quả bàng vuông đâu có ăn được kia chứ?

Âu tàu ở đảo Song Tử Tây.

Âu tàu ở đảo Song Tử Tây.

- Không phải rào người mà rào bò - người lính thủy đánh bộ đi cùng tôi giải thích - Đảo Song Tử Tây của chúng em duy trì đàn bò từ lâu rồi. Đàn bò bao giờ cũng trên dưới mười con. Như thời điểm này là chín con. Theo như em biết, toàn bộ quần đảo Trường Sa thì chỉ đảo Song Tử Tây mới nuôi được đàn bò, vì đảo Song Tử Tây có nhiều cỏ hơn các đảo khác!

Tôi nhìn xuống dưới chân và nhìn ra xung quanh: đúng là có cỏ thật, phần lớn là cỏ gà, cỏ gà mật và một số loại cỏ mà tôi chưa biết tên, nhưng cỏ đã bị bò gặm sát gốc, thỉnh thoảng nhìn thấy một ngọn cỏ còn sót thì cũng đỏ sậm, lá quắt queo vì cháy nắng.

- Cỏ về mùa khô nó xấu xí thế đấy - anh lính thủy đánh bộ nói tiếp - Cho nên phải rào những gốc cây bàng vuông lại. Không rào là bò xơi hết lá non, gặm hết vỏ cây. Phần lớn những cây bị bò gặm hết vỏ ngoài đều bị rơi vào thân phận chết đứng như Từ Hải. Ba lô, túi xách của anh để đâu phải coi chừng đấy. Nếu để ngoài sân hay ngoài vườn, chỉ trong nháy mắt là bò nó xơi sạch mọi thứ, kể cả quần áo, khăn mặt, tất chân...

- Khiếp! Bò như thế là thành tinh thành quái rồi! Nên cân nhắc xem có thể tiếp tục nuôi chúng nữa hay không! - tôi nói.

- Ấy chết, anh chưa nên vội tỏ thái độ ghét lũ bò - anh lính thủy đánh bộ có vẻ không hài lòng với câu nói của tôi, rồi nói tiếp - Bây giờ đang cuối mùa khô, trông cỏ cằn cỗi thế. Giỏi chịu hạn như cây phong ba, cây bão táp mà ngọn lá còn héo quắt lại. Nhưng chỉ sang tháng sau, mùa mưa đến, cả hòn đảo này như một cô nàng Lọ Lem lột xác, bừng lên một màu xanh mướt mát của cỏ cây. Khi ấy mà không có đàn bò mới thấy tiếc ngơ tiếc ngẩn. Ở đảo này, trời cho một chút gì lính cũng như dân phải tận dụng triệt để nhằm mang lại lợi ích cho con người. Thế mới sống được. Đến mùa mưa, tuy lắm bão giông, nhiều sóng dữ, nhưng đảo lại sinh sôi nhiều thức ăn cho vật nuôi. Không chỉ bò có nhiều cỏ để ăn, mà lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng, chó, mèo cũng dễ kiếm được những côn trùng trong thảm cỏ, lại còn hải sản kiệt sức vì bão gió từ ngoài khơi dạt lên bãi cát nữa. Đó là những món ăn bổ béo mà biển cả ban tặng cho lũ vật nuôi ở đảo. Chưa ở đâu mà súc vật có tinh thần đoàn kết như ở đảo đâu anh. Vào mùa cỏ sinh sôi mà đến đây, anh sẽ thấy, những con vật như cũng có thêm sức sống mới...

- Cỏ sinh sôi. Súc vật có sức sống mới. Thế còn con người ở đảo thì sao? - tôi hỏi có vẻ đùa nhưng cái tình bên trong câu nói thì rất thật.

- Đương nhiên là người cũng mang một diện mạo mới - người lính nói và hướng cái nhìn về phía cái âu tàu khổng lồ, nói tiếp - Anh biết không, ở đảo này, muốn trồng một cây xanh, chúng em phải dùng búa chim, xà beng đào 2 mét khối đá san hô, sau đó đổ cát pha đất mùn xuống, như thế trồng cây mới sống được. Đào đá san hô thì kinh khủng lắm. Hai người lính khỏe mạnh đục choang choang cả ngày chỉ được nửa mét khối. Để trồng được một cây hai người lính phải đào bốn ngày. Từ đó suy ra, để đào được cái âu tàu rộng hàng hec-ta kia, những người lính công binh hải quân phải đổ vào đấy bao nhiêu công sức, mồ hôi, nước mắt, và cả máu nữa. Nhưng hạnh phúc nào mà chẳng có cái giá phải trả. Nhờ cái âu tàu ấy mà hòn đảo này đã cứu sống cho bao nhiêu kiếp người. Hàng ngày tàu của ngư dân đánh cá quanh vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa thường về đây neo đậu. Tàu cá của ngư dân vào âu được hưởng các dịch vụ như: cung ứng nhiên liệu, lương thực, thực phẩm theo giá quy định của Nhà nước như trong đất liền; chăm sóc y tế, cung cấp nước ngọt, sửa chữa miễn phí; cứu hộ, cứu nạn khi tàu gặp sự cố...

Tôi đã đến thăm trạm xá của đảo. Trạm xá được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đỡ đầu, cử các tổ quân y luân phiên ra đảo làm nhiệm vụ. Họ thực hiện công tác bảo đảm y tế cho bộ đội và nhân dân trên đảo. Ngoài ra, họ còn đảm trách việc cấp cứu, điều trị cho ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển Trường Sa - Hoàng Sa nếu không may mắc bệnh hay bị tai nạn lao động.

Theo đánh giá của huyện đảo, năm 2012 và những tháng đầu năm 2014, so với toàn quần đảo, Trạm xá đảo Song Tử Tây tổ chức cấp cứu cho ngư dân nhiều nhất, cũng là nơi gặp những ca bệnh hiểm nghèo nhất như: nhồi máu cơ tim cấp, viêm phúc mạc toàn thể do thủng dạ dày, viêm ruột thừa cấp, vết thương chi thể mức độ nặng, hội chứng giảm áp do lặn sâu...

Tôi mở tập hồ sơ bệnh án của những bệnh nhân đã được cấp cứu, điều trị tại trạm xá thì thấy: chỉ tính từ tháng 1/2012 đến tháng 5/2014, các thầy thuốc của trạm xá đã khám bệnh và cấp cứu gần 2.000 lượt bệnh nhân, trong đó hơn 600 lượt là bộ đội, hơn 100 lượt viên chức nhà nước và nhân dân trên đảo, gần 700 lượt ngư dân đi đánh cá trong khu vực. Số bệnh nhân trên, có nhiều trường hợp cấp cứu. Trong quá trình điều trị, có hơn 60 bệnh nhân phải phẫu thuật, trong đó có phẫu thuật loại I và phẫu thuật loại II. Với trách nhiệm và sự cẩn trọng của những y, bác sĩ quân đội, hầu hết các trường hợp đưa đến trạm xá này đều được xử lý kịp thời, đúng phương pháp, bệnh nhân sớm phục hồi sức khỏe. Chỉ có một trường hợp bị tử vong do đuối nước. Nạn nhân khi đưa đến trạm xá đã bị ngừng tim, ngừng hô hấp.

Ông Nguyễn Thanh Dũng, 54 tuổi, quê ở Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, làm việc trên tàu cá QNg 90188-TS, được đưa vào trạm xá đảo cấp cứu lúc 10 giờ 15 phút ngày 21/7/2012. Ông Dũng bị đau thắt khắp vùng ngực, lan lên bả vai, khó thở, môi tím ngắt, nhịp tim nhanh. Bệnh nhân được xử trí theo phác đồ điều trị nhồi máu cơ tim cấp. Sau 16 ngày điều trị, ông Dũng đã dần hồi phục sức khỏe, được bàn giao cho tàu cá để đưa vào đất liền trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Anh Tiêu Viết Hoàng, 35 tuổi, quê huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, làm việc trên tàu cá QNg 90181, được đưa vào bệnh xá cấp cứu ngày 10/9/2012 trong tình trạng khó thở, da và môi tím tái, liệt hai chân, mất hoàn toàn cảm giác từ ngang rốn trở xuống, bí tiểu. Sau khi khám xét, anh Hoàng được chẩn đoán hội chứng giảm áp do lặn sâu. Việc cấp cứu, điều trị được tiến hành khẩn trương và chỉ sau ít ngày bệnh nhân đã qua khỏi tình trạng nguy kịch, chuyển vào đất liền an toàn.

Anh Trần Văn Thông, 35 tuổi, quê ở thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, làm việc trên tàu cá PY 92122. Thông bị tai nạn do sơ ý đưa cả bàn tay phải vào máy nghiền đá lạnh trong lúc ướp cá. Bàn tay bị giập nát gần như toàn bộ cả xương và phần mềm. Khi đó tàu của Thông đang ở khu vực khơi xa, để quay về Song Tử Tây, tàu phải chạy hơn một ngày mới tới. Khi vào trạm xá, khám thấy vết thương khá nặng, tay của anh Thông không thể điều trị bảo tồn được, các bác sĩ buộc lòng phải cắt cụt bàn tay phải, sau đó tạo hình mỏm cụt theo chỉ đạo chuyên môn (qua điện thoại trực tuyến) của các chuyên gia từ Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Cũng vào dịp ấy, tàu cá QNa 91964 - TS đưa ngư dân Ngô Văn Sang, quê ở Quảng Nam vào trạm xá đảo cấp cứu vì đau bụng nặng. Rồi cấp cứu cho Trần Đình Hội, trung úy chuyên nghiệp, thuộc Trạm rada 21 trên đảo. Rồi đến Hồ Văn Hiệp, thiếu úy chuyên nghiệp, nhân viên phục vụ đoàn công tác của Vùng 4 Hải quân ra kiểm tra toàn diện đảo Song Tử Tây cũng đã được trạm xá cứu sống...

Những người thầy thuốc ở đây hầu như không kể giờ giấc. Đang giữa đêm khuya hay đang trong cơn giông bão, cứ có bệnh nhân là lao vào công việc cứu chữa. Có hôm họ còn đi theo tàu vượt sóng gió trùng khơi giúp người bị nạn. Có bác sĩ khi đang săn sóc cho bệnh nhân ngoài đảo thì ở trong đất liền, người vợ thân yêu của anh cũng phải đi cấp cứu...

Thế hệ trẻ trên đảo.

Thế hệ trẻ trên đảo.

Và còn rất nhiều điều có thể nói về họ nhưng khi tôi đặt vấn đề muốn tìm hiểu thêm về tâm tư tình cảm của họ thì từ bác sĩ Trạm xá trưởng cho đến các y, bác sĩ khác đều nói đại ý: “Nếu anh muốn viết về chúng tôi thì anh cứ gọi chung là Tổ Quân y Bệnh viện 108 đang công tác tại đảo Song Tử Tây thế là được rồi. Bởi tất cả những gì chúng tôi làm được ở đây đều là sự cộng hưởng trí tuệ của cả một ê-kíp, chứ không thuộc về riêng một ai. Cá nhân mỗi người chúng tôi chẳng có gì đặc biệt đâu. So với những người lính đảo, chúng tôi còn đỡ vất vả hơn họ nhiều. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, ở giữa nơi bốn bề sóng nước và thiếu thốn nhiều thứ này, con người với con người sống với nhau có tình người hơn. Những ngày tháng công tác trên đảo, có thể phải thầm lặng hy sinh nhiều thứ, nhưng bù lại, chúng tôi được thử thách tay nghề, được ngộ ra nhiều điều về giá trị nhân văn...”.

Vào thời điểm tôi đang lục hồ sơ bệnh nhân thì có một chiếc tàu cá cập vào âu tàu. Những ngư dân khiêng lên một thanh niên tên là Phạm Ngọc Phú, 20 tuổi, quê huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận. Anh ta bị cá mặt quỷ đâm vào mu bàn tay phải, gây nhiễm độc nặng, trong tình trạng vết thương sưng to, nhịp thở, nhịp tim, huyết áp rối loạn. Theo các nhà chuyên môn, khi đâm vào thịt nạn nhân, độc tố sẽ tác động trực tiếp đến hệ cơ vận động, hệ thần kinh và hệ cơ trơn của tim, rất nguy kịch, nạn nhân có thể tử vong. Cá mặt quỷ xấu xí và độc địa thế, nhưng thịt nó ngon nên được nhiều người ưa thích, tìm cách đánh bắt. Nhìn người thanh niên nằm mê man trong đau đớn, tôi rất lo cho tính mạng của anh.

Nhưng sau bốn ngày, khi con tàu HQ 996 đã đưa chúng tôi đến đảo Sinh Tồn, tôi gọi điện cho anh lính thủy đánh bộ, thì biết Phạm Ngọc Phú đã được cứu sống. Tôi reo lên trong điện thoại:

- Tuyệt vời! Anh cho tôi gửi lời chia vui với những bác sĩ, y sĩ, y tá của trạm xá nhé. Họ chính là những nhân tố mang lại sức sống cho Song Tử Tây. Song Tử Tây xứng đáng là một hòn đảo luôn luôn được hồi sinh. Tôi xin gọi Song Tử Tây là Đảo Hồi Sinh!

- Đúng rồi! Gọi là Đảo Hồi Sinh! Hôm nay những hạt mưa đầu mùa đã bắt đầu rơi xuống. Thấy mưa rơi, bò, lợn, chó, mèo, gà, vịt, ngan, ngỗng... nó nhẩy cẫng lên, hân hoan lắm. Mùa hồi sinh của đảo đã bắt đầu, anh ạ.

Người lính thủy đánh bộ nói thế rồi nói lời chia tay, chúc tôi chuyến đi thành công, nhiều may mắn.

  Bút ký của Lê Hoài Nam

Đảo Song Tử Tây, 30/4

Hà Nội, 6/2014.


Ý kiến của bạn