Đáo hạn thẻ tín dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự

07-12-2024 14:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo luật sư, đáo hạn thẻ tín dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho chủ thẻ tín dụng và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, thời gian gần đây, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, nhu cầu tiêu dùng mua sắm tăng cao nên dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng diễn ra sôi nổi, thông tin dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng được quảng cáo tràn lan trên các trang mạng xã hội.

Theo luật sư Nam, đáo hạn thẻ tín dụng là một dịch vụ chủ thẻ vay tiền để trả nợ thẻ tín dụng từ bên thứ ba khi đến hạn thanh toán thẻ tín dụng mà chủ thẻ chưa đủ khả năng tài chính. Các đơn vị cung cấp dịch vụ thực hiện theo phương thức cho chủ thẻ vay tiền bằng việc nạp tiền vào tài khoản để thanh toán dư nợ tín dụng cho khách hàng.

Đáo hạn thẻ tín dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Sau đó, đơn vị đó sẽ tiếp tục quẹt thẻ qua máy POS để lấy lại khoản tiền mới nộp vào ngay sau khi ngân hàng cấp lại hạn mức tín dụng cho chủ thẻ ở kỳ sao kê tiếp theo/dịch vụ thanh toán mới. Việc thu nợ được thực hiện dưới hình thức mua hàng hóa (nhưng thực chất không mua hàng). Như vậy, việc này tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho chủ thẻ tín dụng và có thể là thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thứ nhất, bản chất của dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng là dùng chính tiền của Ngân hàng để trả khoản vay/dư nợ đang phát sinh tại Ngân hàng. Chủ thẻ dùng khoản tiền vay sau để trả nợ cho khoản vay trước đó, vô hình chung việc này làm cho khoản nợ của khách hàng/chủ thẻ tín dụng ngày càng lớn (số tiền nợ Ngân hàng nhiều) và có nguy cơ mất khả năng chi trả/tất toán khoản vay cho Ngân hàng khi đến hạn.

Các hành vi này có dấu hiệu của tội "Vi phạm hoạt động ngân hàng hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" theo quy định tại Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017, tội danh có khung hình phạt cao nhất tới 20 năm tù.

Ngoài ra, trong quá trình thanh toán này không có việc mua/bán hàng hóa thực nên để hợp thức nguồn tiền hợp thức giao dịch thanh toán có thể các đối tượng tạo lập hồ sơ thanh toán khống, hành vi này có dấu hiệu của tội danh "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức" theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự. Tội danh này có khung hình phạt cao nhất tới 7 năm tù. Hoặc có thể phạm các tội khác có liên quan đến linh vực hóa đơn, chứng từ kế toán, thuế...

Thứ hai, trong quá trình phối hợp với các đơn vị thực hiện dịch vụ đáo hạn thẻ tín dụng, chủ thẻ tín dụng phải cung cấp một số thông tin để các đối tượng này thực hiện việc đáo hạn thẻ. Như vậy, có nguy cơ các chủ thẻ bị lộ thông tin cá nhân của mình và việc này có nguy cơ bị các đối tượng khác trục lợi đối với chủ thẻ tín dụng.

Trong đó, hiện nay xảy ra tình trạng nhiều đối tượng giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện, yêu cầu thực hiện các giao dịch để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các chủ thẻ tín dụng và nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã bị lừa, bị chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn.

Bên cạnh đó, trong quá trình kiểm soát các giao dịch thanh toán, có thể xảy ra trường hợp ngân hàng phát hiện ra giao dịch thanh toán trên thẻ tín dụng bất thường. Để bảo vệ cho ngân hàng, các giao dịch thanh toán có thể bị kiểm soát, ngăn chặn cấm thực hiện và có thể khi phát hiện ra sự việc khách hàng, chủ thẻ tín dụng sẽ bị đẩy nhóm nợ xấu, không thể thực hiện hoạt động vay vốn tín dụng của ngân hàng cho các giao dịch khác sau này.

Cách tránh bị lừa đảo nâng mức hạn thẻ tín dụngCách tránh bị lừa đảo nâng mức hạn thẻ tín dụng

SKĐS - Để không bị lừa đảo nâng hạn mức thẻ tín dụng, khách hàng không cung cấp mã bí mật CVV trên thẻ tín dụng, không cung cấp mã OTP, không truy cập link hay cài ứng dụng theo yêu cầu...


Phúc Đức
Ý kiến của bạn