Đào đường ở Hà Nội: Biết rồi, khổ lắm... bó tay?!

25-12-2009 08:05 | Thời sự

Chưa hết nỗi ám ảnh do các ngành điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước thi nhau đào lên lấp xuống khiến cho đường phố như bãi chiến trường, người dân Thủ đô lại phải chứng kiến việc hạ ngầm đường dây đi nổi,

Chưa hết nỗi ám ảnh do các ngành điện lực, viễn thông, cấp nước, thoát nước thi nhau đào lên lấp xuống khiến cho đường phố như bãi chiến trường, người dân Thủ đô lại phải chứng kiến việc hạ ngầm đường dây đi nổi, cào bóc vỉa hè, lòng đường. Vẫn biết hạ ngầm đường dây đi nổi là để xóa "rác trời", làm đẹp Thủ đô hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhưng khâu hoàn trả vỉa hè, lòng đường quá tùy tiện, cẩu thả, khiến cho bộ mặt đô thị chằng chịt sẹo ngang, sẹo dọc...

 Hà Nội xấu hơn vì đào đường.

"Tang thương" những con phố

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Canh Dần 2010 nhưng những ngày vừa qua, vỉa hè trên nhiều tuyến phố của Hà Nội bỗng dưng bị cày xới để hạ ngầm đường dây thông tin, điện lực... Điều đáng nói là việc hoàn trả mặt đường quá cẩu thả đã khiến cho nhiều đoạn vỉa hè trở nên nham nhở, vừa mất mỹ quan vừa ảnh hưởng tới giao thông đô thị.

Tuyến phố Lò Đúc nằm trong tình cảnh "tang thương" nhất. Đoạn trước cửa Nhà hộ sinh B (quận Hai Bà Trưng), đoạn từ dốc Thọ Lão kéo dài đến đầu Ô Đống Mác, vỉa hè suốt đoạn phố dài bị đào xới, người dân đành mang xe đạp, xe máy dựng bừa dưới lòng đường khiến cho giao thông càng ùn tắc. Tại đây cũng chỉ có lác đác vài công nhân đào bới.

Tuyến phố Hàng Bài chỉ dài khoảng 500m nhưng có tới 6 - 7 đoạn vỉa hè bị "bóc" lên nham nhở, đoạn này cày lên chưa kịp lấp xuống, đoạn khác lại bị "xẻ thịt". Một đoạn dài vỉa hè trước cửa Trường Tiểu học Trưng Vương bị xẻ thành rãnh sâu với đường kính 50 - 80cm khiến nhiều phụ huynh và học sinh ra, vào trường rất vất vả. Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều tuyến phố khác của Thủ đô.

Tốc độ... rùa

        Nhằm chấn chỉnh tình trạng đào đường, đào hè và hoàn trả mặt đường cẩu thả, làm mất vệ sinh môi trường, mất ATGT, ngày 15/12, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Văn Khôi tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT tăng cường kiểm tra, giám sát việc đào hè, đường trên địa bàn TP; khẩn trương rà soát số lượng các dự án, số lượng các điểm đào hè, đường đã được Sở cấp phép đang triển khai thi công; định kỳ báo cáo UBND TP về dự kiến kế hoạch cấp phép đào hè, đường (các tuyến sẽ cấp phép, số điểm cấp phép...) trong từng quý.

Việc cào bóc vỉa hè chậm như "rùa bò" nhưng với các tuyến phố đã cào xong, đến phần hoàn trả mặt đường, đơn vị thi công lại thực hiện một cách cẩu thả, tùy tiện. Vỉa hè phố Lý Thường Kiệt đẹp là thế bây giờ chằng chịt sẹo ngang, sẹo dọc. Lẽ ra sau khi hạ ngầm, đơn vị thi công phải hoàn trả vỉa hè như cũ theo đúng biên bản khảo sát hiện trạng từ trước; nhưng thực tế, toàn bộ những viên gạch vuông đỏ chống trơn mới được lát cách đây chưa lâu lại được thay bằng lớp xi măng láng nham nhở, rất khó coi. Những chỗ bị lún, nứt ngay trước cửa Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Trường Trung học Nguyễn Du, công nhân lấy cát vàng đổ bừa vào, làm cho vỉa hè thêm cong vênh. Hàng đống ống nhựa xanh, đỏ, gạch, cát tập kết bừa bãi trên hè. Trên các phố Tràng Tiền, Hàng Khay, Lê Thánh Tông... không chỉ đầy rẫy "di chứng" là những rãnh xi măng ngang dọc, khác hẳn với chủng loại gạch lát cũ, cứ cách chừng 10 - 15m hè lại có những bó ống nhựa to màu xanh, da cam nhô khỏi mặt đất tới cả mét, rất mất mỹ quan, gây khó khăn cho người đi bộ. Đoạn phố Kim Mã, khu Ngoại giao đoàn vốn được coi là "con đường đối ngoại" của Thủ đô, nơi rất nhiều đoàn khách quốc tế từ sân bay Nội Bài về trung tâm thành phố thường xuyên xuất hiện những "con lươn" nằm vắt ngang, mỗi lần xe đi qua phải long sòng sọc!. Ông Nguyễn Văn Đức, công dân phố Kim Mã phân vân “Đã gọi là cải tạo, chỉnh trang thì phải đẹp hơn chứ thế này, rõ ràng chủ đầu tư và nhà thầu đã làm sai chủ trương của TP. Được việc nọ, hỏng việc kia, tiền của bị lãng phí mà vỉa hè lại thêm xấu”.

Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội thừa nhận, việc lập lại trật tự hè phố và chỉnh trang diện mạo vỉa hè mọi tuyến phố là việc phải hoàn tất trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010. Tuy nhiên, việc cải tạo vỉa hè còn bất cập. Nếu so sánh từng loại gạch giữa các tuyến hè phố đã cải tạo và chưa cải tạo, rõ ràng thiếu thống nhất. Các đơn vị thi công chưa làm hết trách nhiệm. Sở đang kiểm tra và sẽ có biện pháp xử lý kịp thời nhằm sớm chấn chỉnh tình trạng này.

Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, Thanh tra đã lập danh sách cụ thể các đơn vị được cấp phép đào đường, vỉa hè nhưng không hoàn trả đúng hiện trạng ban đầu. Theo  thống kê, đã có hơn 20 đơn vị bị xử phạt, với mức phạt 1,2 - 2 triệu đồng. Ngoài xử phạt hành chính, Thanh tra sở đã yêu cầu các đơn vị này phải trải thảm lại lòng đường, vỉa hè nếu sau khi hoàn trả mà mặt bằng vẫn bị lún, nứt.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính cho rằng, để hạn chế đào lên lấp xuống nhiều lần, cần so sánh giữa phương án sử dụng tuyến cống, bể riêng và phương án sử dụng hào kỹ thuật để hạ ngầm các đường cấp điện, chiếu sáng và thông tin, đồng thời khảo sát kỹ các tuyến hào kỹ thuật đã có nhằm xem xét khả năng cải tạo để kết hợp sử dụng. Để khắc phục tình trạng này, hằng năm TP nên đầu tư cùng một lúc các dự án điện lực, thông tin liên lạc, cấp, thoát nước... để các chủ đầu tư có thể triển khai cùng một thời điểm. Bên cạnh đó là quy trách nhiệm cụ thể cho chủ đầu tư và đơn vị liên quan đối với công trình của đơn vị mình. Cần có các quy định, chế tài cụ thể, nghiêm khắc để xử lý kiên quyết mọi hành vi vi phạm.         

Tuấn Lương


Ý kiến của bạn