Đạo diễn Việt 'mất tích', phim Việt mất cơ hội chiếu tại Cannes

28-05-2014 09:33 | Văn hóa – Giải trí
google news

Cannes 2014 vừa kết thúc với dư âm về những người chiến thắng, nhưng để lại dấu ấn đáng buồn với điện ảnh Việt.

Hoàng Trần Minh Đức từng theo học lớp diễn viên, sau đó chuyển sang lớp đạo diễn tại trường ĐH SK&ĐA TP. HCM). Cô từng làm diễn xuất trong Vó ngựa trời Nam (2010), Taxi (2009), Gọi giấc mơ về (2007)… và làm đạo diễn phim ngắn Siêu trộm nhang (2010), Nhắm (2009)…

Vắng đạo diễn, khán giả xem phim trên máy tính

Tôi ba mươi được giới thiệu trong chương trình “Short Film Corner” (Góc phim ngắn) tại LHP Cannes, chứ không được chọn trình chiếu như một số báo đưa tin. Đạo diễn François Serre, đại diện cho trường FASTERI (Pháp), đơn vị tài trợ cho dự án Tôi ba mươi cho Thể thao&Văn hóa biết ông đã nhiều lần liên lạc với Minh Đức nhưng không thành.

Cảnh phim Tôi ba mươi

"Tôi đã không thể liên lạc được với cô ấy, phút cuối nghe nói cô ấy đi Bangkok. Chúng tôi rất thất vọng vì chúng tôi đã bỏ toàn bộ chi phí tài trợ cho hoạt động này. Vắng mặt cô ấy nên không thể tiến hành xếp lịch chiếu phim này tại Cannes. Khách đến Góc phim ngắn chỉ có thể xem phim trên màn hình máy tính", François Serre nói.

Năm 2012, trường FASTERI và trường Sân khấu Điện ảnh TP. HCM có một dự án hợp tác về đào tạo đạo diễn. Học xong khóa này, Minh Đức đã thực hiện một bộ phim bài tập là Nỗi buồn trên cây (25 phút). Bộ phim lấy ý tưởng từ bài thơ Nỗi buồn trên cây của Nikita Như Quỳnh Nguyễn, cô cũng chính là nhà sản xuất của Tôi ba mươi sau này.

Tôi ba mươi là một câu chuyện đầy dằn vặt xoay quanh Mai. Bước vào tuổi 30 mà sự nghiệp và tình cảm của Mai đều lận đận, Mai cảm thấy rất bức bí. Cô luôn tìm cách thoát ra khỏi những ràng buộc trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Cô nổi loạn bằng cách cạo đầu trọc, làm người mẫu chụp hình khỏa thân... Lựa chọn của Mai sẽ dẫn cô đi đến đâu?

Đạo diễn François Serre đánh giá hình ảnh trong Nỗi buồn trên cây được quay rất tốt, tuy nhiên phim còn nhiều lỗi. Đến năm 2013, François Serre quyết định dựng lại bộ phim sao cho đạt chuẩn quốc tế. Phiên bản mới thời lượng 15 phút mang tên Tôi ba mươi chính thức ra đời. Tôi ba mươi được thực hiện hậu kì hoàn toàn tại Pháp với sự giúp đỡ của nhà biên tập phim Arthur Guibert (đơn vị Arte France). Các sinh viên của trường FASTERI cũng đã hoàn thiện phần kĩ thuật, để bộ phim đạt chuẩn 4K có thể chiếu tại rạp, và cho các kênh truyền hình chuẩn HD.

Lãng phí một cơ hội

Trả lời câu hỏi của TT&VH về việc các nhà làm phim độc lập có phim được giới thiệu tại Góc phim ngắn ở Cannes có ý nghĩa như thế nào, đạo diễn François Serre cho biết: "Góc phim ngắn chính xác là một nơi để làm việc, chứ nó không hào nhoáng như mọi người vẫn nghĩ về Cannes. Đây là nơi để các đạo diễn trẻ tìm kiếm cơ hội mở rộng mối quan hệ, gặp gỡ các nhà sản xuất, các đài truyền hình, học hỏi tại các workshop. Việc giới thiệu phim của Minh Đức tại Góc phim ngắn chính là món quà chúng tôi dành cho cô ấy. Đây là cơ hội để Đức học thêm về môi trường quốc tế. Tiếc là cô ấy đã vắng mặt".

TT&VH đã liên lạc với đạo diễn Minh Đức nhưng cho tới ngày 27/5 điện thoại của cô vẫn ở tình trạng không liên lạc được. Nikita Như Quỳnh Nguyễn cho biết cô cũng không thể liên lạc được với đạo diễn Minh Đức.

Đạo diễn François Serre kể lại khi giới thiệu Tôi ba mươi tại Cannes, rất nhiều người Pháp và khách nước ngoài thích bộ phim này. Theo kế hoạch sau khi giới thiệu phim ngắn tại Cannes, bước tiếp theo sẽ đưa phim tới Liên hoan phim ngắn ở Clermont-Ferrand. Tuy nhiên, vì đạo diễn Minh Đức không có mặt tại Cannes, nên kế hoạch sẽ bị hủy.

Năm 1993, phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng giành giải Camera vàng (Caméra d'Or) tại LHP Cannes. Cuốc xe đêm của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải ba ở hạng mục Phim ngắn tại LHP danh giá này năm 2000. Tại Cannes 2010, Bi, đừng sợ! của đạo diễn Phan Đăng Di góp mặt trong Tuần lễ phê bình quốc tế (International Critics Week) và giành được giải thưởng cho Kịch bản xuất sắc nhất.

Các phim Việt được mời giới thiệu và trình chiếu tại Góc phim ngắn của LHP Cannes: A good day to die (2011) của nhóm Young Media, Hai, tư, sáu (2012) của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, 16:30 (2013) của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy.

 

Ngọc Diệp

 

 


Ý kiến của bạn