Từng là sinh viên ĐH Bách Khoa, theo học đạo diễn tại ĐH Sân khấu- Điện ảnh Hà Nội, Trần Quốc Sơn chọn làm phim tài liệu để "lăn lóc bụi đường" khắp dọc đường đất nước, để ghi vào ống kính những điều đẹp đẽ nhất, để kể cho khán giả những câu chuyện giản dị mà cảm động, gần gũi và day dứt, in sâu...
Thành danh trong nghề từ khi còn khá trẻ, ngay từ năm 2008, Trần Quốc Sơn đã được biết đến trong vai trò đạo diễn của phim điện ảnh mang tính nghệ thuật cao “Bức họa tình yêu”, phim đã đoạt giải Tác phẩm điện ảnh xuất sắc - cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2009, giải phim truyện xuất sắc - Liên hoan Điện ảnh, Truyền hình Thể thao và Du lịch quốc tế FICTS Việt Nam lần thứ V.
Đạo diễn Trần Quốc Sơn
Trần Quốc Sơn được biết đến với nhiều vai trò: Đạo diễn điện ảnh - truyền hình, nhà biên kịch phim, nhà sản xuất phim và còn tham gia viết cho một số tạp chí như Tạp chí HTV, Thế giới điện ảnh… Hiện tại, anh làm việc tại Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh- TFS.
Nhìn vào danh mục phim anh làm, có thể thấy sức lao động nghệ thuật gần như không có khoảng trống: “Bức hoạ tình yêu” - phim điện ảnh,“Người thổi hồn cho gốm Bàu Trúc” (tham gia dự thi chương trình Discovery Viẹt Nam), “Người Sài Gòn và cá cảnh”, “Họa sĩ tốc họa Trần Đạt”, “Vang mãi bản hùng ca”, “Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP Hồ Chí Minh”- 3 tập, “NSƯT Nhạc sĩ Thế Hiển- Nhánh lan rừng nở mãi”,“Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”, “Đất mặn”, “Thương hiệu trái cây Việt”, “60 đường Trường Sơn huyền thoại”, “Cánh võng tình người”,“60 năm Trung đoàn Gia Địnhanh hùng”, “Ra biển lớn - Giáo sư Tiến sĩ Đặng Lương Mô”, “TP Hồ Chí Minh - Đô thị thông minh”…
Với một bảng thành tích khá giàu có: Ngoài phim điện ảnh “Bức họa tình yêu” đoạt hai giải phim truyện xuất sắc năm 2009, thì Trần Quốc Sơn trong vai trò đạo diễn phim tài liệu đã sở hữu một loạt giải: Tác phẩm truyền hình xuất sắc cho phim tài liệu “ Vang mãi bản hùng ca” - Bằng khen của Hội Cựu chiến binh Việt NamTP HCM năm 2014, “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm”- Huy Chương Vàng Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 35- 2015 tại Quảng Bình, “Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP Hồ Chí Minh”- Giải B - Giải Báo chí Quốc Gia 2016, “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” - Giải Báo Chí Thành Phố lần thứ 34 2015-2016 của Hội Nhà Báo TP Hồ Chí Minh, “Đất mặn” - Giải Cánh diều vàng 2017
Phim tài liệu “Cuộc gặp gỡ sau 48 năm” là câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa đại tá phi công- Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Bảy với thiếu tá cựu phi công Mỹ - Charles Plumb. Trong chiến tranh Việt - Mỹ, họ từng là kẻ thù thuộc hai chiến tuyến, nhưng trong thời hòa bình, khi Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, họ xóa bỏ thù hận, thanh thản bắt tay nhau như hai người đồng nghề. Họ đều hiểu mình đã tròn phận sự được giao. Và may mắn được sống, họ cùng hiểu giá trị của hòa bình.
Đạo diễn Trần Quốc Sơn trên phim trường
Một phim tâm đắc của Trần Quốc Sơn là “Tượng đài Bác Hồ trong trái tim người dân TP Hồ Chí Minh”- 3 tập, làm khi TP kỷ niệm 40 năm giải phóng. Đây là tác phẩm để lại dấu ấn không thể phai mờ trong sự nghiệp của Sơn. Sơn kể, vẫn không quên niềm xúc động khi đứng trước tượng đài Bác, xem lại những thước phim tư liệu về Bác tại Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi chuyến đi đến Khu di tích K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội… Đã từ lâu Sơn ấp ủ dự định làm những bộ phim tài liệu thật hay về Bác Hồ.
Hiện tại đạo diễn Trần Quốc Sơn có thể chia sẻ với bạn đọc báo Sức khỏe & Đời sống, anh đang ấp ủ đề tài gì?
Vâng! Cảm ơn bạn đọc. Những ngày này, cho dù giãn cách, nhưng được trò chuyện và chia sẻ thế này, cảm giác thật ấm áp.
Theo tôi, Điện ảnh và Truyền hình Việt Nam đang còn "nợ" khán giả những bộ phim hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nhận thấy bản thân mình còn phải tích lũy nhiều kinh nghiệm và học hỏi rất nhiều từ sách vở và các đàn anh đi trước, kể cả các tư liệu sách báo phim ảnh của nước ngoài, để có thể tiếp cận các đề tài Cách mạng và đặc biệt là đề tài về nhân vật lịch sử là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhưng liệu có khi nào anh cảm thấy khó vì đây là đề tài muốn hấp dẫn khán giả không dễ?
Đề tài về Người có lẽ không bao giờ cạn nhưng quan trọng là cách tiếp cận đề tài đó như thế nào, bởi một tác phẩm báo chí sẽ chỉ được công chúng đón nhận khi chứa đựng nhiều thông tin và phải có tính phát hiện.Theo tôi thì làm phim về nhân vật nào cũng vậy, mình phải hiểu rõ nhân vật đó, sống cùng nhân vật đó như người thân của mình.
Có một thực tế khách quan là khán giả hôm nay đã khác, thị hiếu cũng khác, do đó, những giá trị nghệ thuật cũng thay đổi. Không thể đem những giá trị của hôm qua để so sánh với những giá trị của hôm nay. Đợt tham gia trại sáng tác của Liên Hiệp Các Hội VHNT TP.Hồ Chí Minh năm 2021, tôi cũng đang viết kịch bản phim tài liệu dài tập “ Bác Hồ trong lòng người dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long”. Bộ phim của tôi sẽ thể hiện những hình ảnh, phục dựng những câu chuyện về tình yêu vô bờ với Bác đối với đồng bào miền Nam.
Ngoài ra tôi còn ấp ủ một đề tài phim truyện điện ảnh về “Nông nghiệp thuận Thiên”- Nông nghiệp thuận theo thiên nhiên. Với ý nghĩa, góp vào việc phát triển toàn diện vùng đồng bằng sông Mekong trước tình hình biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn và nói lên tình yêu, sự gắn bó máu thịt của đồng bào Nam bộ với vùng đất này.
Và có thêm một phim tài liệu về “Năng lượng thuận Thiên”, trong bối cảnh nguồn thủy điện lớn đã khai thác hết, các nguồn điện lớn khác cần thời gian hoàn thành dài, trong khi phụ tải tiếp tục tăng nhanh, yêu cầu về nguồn điện phục vụ phát triển ngày càng lớn, nguồn điện năng lượng tái tạo càng có ý nghĩa quan trọng về mặt đảm bảo cung cấp điện...
Đạo diễn Trần Quốc Sơn, AHLLVTND Nguyễn Văn Bảy và thiếu tá cựu phi công không lực Hoa Kỳ Charlie Plumb tại Dinh Độc lập
Toàn những đề tài rất thời sự và cũng là những vấn đề lớn, không chỉ người dân Nam bộ quan tâm ! Vậy những ngày giãn cách xã hội thì anh có đi làm phim không?
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tôi luôn thực hiện nghiêm túc giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của TP.Hồ Chí Minh. Đài truyền hình TP, cơ quan tôi làm việc, cũng chấp hành nghiêm, ai làm thời sự “nóng” thì ra “tuyến đầu” , còn chúng tôi, phải “bảo toàn lực lượng”- cũng là tài sản của Đài.
Nhưng cũng không phải ngồi yên, chỉ ăn với ngủ, đây chính là thời gian để tôi “sống chậm”, và chọn cho mình những công việc phù hợp nhất. Tôi đã nhanh chóng thu xếp để dựng phim và xem lại hình ảnh của 3 bộ phim tài liệu tôi đang thực hiện phần tiền kỳ (quay phim): “Ngập úng đô thị”, “ Tầm quan trọng của chuyển đổi số” và “ Nông nghiệp hữu cơ” do Hãng phim TFS - Đài truyền hình TP.Hồ Chí Minh sản xuất.
Nhớ lại những ngày đầu “mùa” dịch, đoàn phim đã chạy hết công suất trong giai đoạn quay phim, nhưng cũng gặp rất nhiều khó khăn khi tác nghiệp. Bây giờ, tất cả mọi công việc đều chuyển sang làm bằng… online, đây là điều chưa có tiền lệ bao giờ.
Tôi cũng rất tâm đắc tình người trong lúc khó khăn dịch bệnh, chỉ dành cho nhau ân tình nghĩa cử, sao mà xúc động quá. Như khi biết có chiếc ATM gạo được sáng chế giúp người nghèo khiến tôi sung sướng cả ngày trời, lên mạng rất nhiều tin tức sẻ chia về những tấm lòng nhân ái, sẵn sàng giúp đỡ nhau qua cơn bĩ cực, thấy vui và là điểm tự hào nhất của người Việt Nam mình.
Vậy anh có nghĩ sẽ làm một phim tài liệu về COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh?
Có thể chứ. Rất nhiều chi tiết mà chỉ cần tổng hợp lại, trong một sự “sắp xếp”, một phim tài liệu hay về giãn cách xã hội dịch COVID-19 ở TP Hồ Chí Minh.
Với anh, điều gì quan trọng nhất với một đạo diễn phim?
Tôi có một nguyên tắc hết sức đơn giản đó là đạo diễn - nhà báo phải có hành trang vốn sống để cảm nhận rất nhanh mọi điều, không ngừng trau dồi nghề nghiệp cùng sự say mê và trách nhiệm công dân của nhà báo. Mọi giải thưởng sẽ qua đi nhưng phần thưởng lớn nhất với nghề báo là tác phẩm sống trong lòng công chúng và trường tồn với thời gian.
Tôi cần phải tin vào ý tưởng của mình nhiều hơn bất kỳ ai trên thế giới. Tầm nhìn của tôi phải cực kỳ rõ ràng để tôi có thể truyền tải cho người khác thấy được rằng tôi tâm huyết, đam mê với những gì tôi muốn tạo ra trên màn ảnh như thế nào.