NSND Lê Khanh và đạo diễn Trần Lực chia sẻ những câu chuyện về nghề với các nhà báo
Mô hình mới : Nhà trường Nhà hát
Tại Lễ ký kết hợp tác giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội sáng 14/2/2017, giám đốc Trương Nhuận cho biết hình thức hợp tác chủ yếu sẽ là Nhà trường mời các nghệ sĩ tham gia giảng dạy, đồng thời Nhà hát dành đất diễn cho các sinh viên của trường. Đây là hoạt động hợp tác mở đầu cho một năm sôi động của Nhà hát, đã kín lịch đến cuối năm, trong 5 dự án hợp tác với Nhật, Đức, Hàn Quốc, Bỉ …
Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Phó giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, đây là mô hình đào tạo thực tế trên thế giới đã và đang áp dụng rất nhiều. Bản thân Lê Khanh cũng như những nghệ sĩ cùng lứa như Chí Trung, Ngọc Huyền, Đức Hải… chính là thành quả của mô hình đào tạo này tại Nhà hát Tuổi trẻ từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Lê Khanh nhắc lại 2 vở diễn đầu tiên, là Lời đá cháy và Hoàng tử học nghề - mà chị và các bạn đã diễn trên sân khấu khi đang còn là học sinh. Đến năm 1982, với vở Romeo và Juliett có ngày chị đóng tới 4 ca. Chính nhờ liên tục được diễn mà lớp học sinh ngày ấy đã nhanh chóng trưởng thành, trở thành diễn viên chuyên nghiệp từ khi còn chưa được cầm trong tay tấm bằng tốt nghiệp.
Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Trương Nhuận (bên phải) và Hiệu trường trường ĐHSKDA Hà Nội Nguyễn Đình Thi ký kết văn bản hợp tác
Thực tế, không chỉ trong nghệ thuật mà mọi lĩnh vực trong xã hội đều tồn tại nghịch lý là sinh viên ra trường không tìm được việc làm trong khi đó các cơ quan/ doanh nghiệp lại không tuyển được lao động sau đào tạo đáp ứng nhu cầu. Nguyên nhân là việc đào tạo trong nhà trường vẫn chưa “gần” với nhu cầu xã hội, sinh viên ra trường thiếu nhiều kỹ năng mềm, nhiều kiến thức thực tế công việc... Để giải quyết bài toán nan giải này, việc nhà trường và nhà tuyển dụng “bắt tay” nhau trong việc đào tạo là nhu cầu tất yếu. Sự kết hợp giữa Nhà hát Tuổi trẻ và Trường ĐHSKĐA Hà Nội là một phép cộng đúng, hứa hẹn đem lại những mùa quả ngọt trong một tương lai gần.
Về vở kịch Quẫn- sản phẩm hợp tác đầu tiên của mô hình Nhà hát Nhà trường
Quẫn - vở kịch đã được xếp vào hàng kinh điển của tác giả Lộng Chương, từng được đạo diễn Trần Hoạt dựng rất hay, rất hóm (lời đạo diễn Trần Lực) từ hơn nửa thế kỷ trước. Khán giả biết Trần Lực như một ngôi sao màn bạc một thời, rồi biết anh với vai trò đạo diễn điện ảnh, mà chưa từng biết anh được đào tạo chính quy đạo diễn sân khấu ở nước ngoài. Đạo diễn Quẫn, với Trần Lực như thể quay trở lại với tình yêu thuở ban đầu- tình yêu sân khấu. Khán giả có thể ngạc nhiên về sự “chuyển dòng” của Trần Lực, chứ với anh thì đó là hệ quả tất yếu. Trong suốt thời gian làm phim, tôi vẫn luôn tìm cơ hội làm sân khấu. Có bất cứ vở nào mới tôi cũng đi xem – Trần Lực hé lộ với các nhà báo.
Cảnh trong vở kịch Quẫn
Đạo diễn Trần Lực hiện đang là giảng viên Khoa Sân khấu của Trường ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Với anh, việc giảng dạy không gì hiệu quả hơn là được thực hành nghệ thuật. Chính vì vậy, anh chọn dựng một vở kịch cho các học trò của mình. Dĩ nhiên, phải là sinh viên năm thứ tư mới có thể diễn vở kịch này- anh chia sẻ.
Nghệ sĩ Lê Khanh cho biết chị rất phục người bạn thân thiết Trần Lực trong việc anh đã tìm ra cái “mã” để có thể phục dựng lại một câu chuyện đã diễn ra hơn nửa thế kỷ mà vẫn phù hợp với tâm thế của người xem hôm nay. Đó là việc Trần Lực chọn cách dựng kịch hiện thực ước lệ (tả ý) - thường quen trong sân khấu kịch hát hơn kịch nói. Ước lệ không chỉ ở không gian, thời gian mà còn cả trong diễn xuất của diễn viên. Diễn viên phải giữ cảm xúc, buông là gục ngay. Đạo diễn đưa con mắt của điện ảnh vào sân khấu nên phần "nhìn" rất đẹp, có chiều sâu. Cảnh diễn chính phía trước, đằng sau luôn có lớp người áo đen lột ra "tâm" của nhân vật. Âm thanh, âm nhạc trên sân khấu cũng do diễn viên tạo ra, ánh sáng chỉ màu trắng, vàng với mức độ khác nhau.
Kịch kể câu chuyện về gia đình ông Đại Cát, một gia đình tư sản lâu đời trước chính sách công tư hợp doanh của Nhà nước. Lo sợ khối tài sản lớn tích cóp bị mất trắng, ông bà Đại Cát tìm mọi cách để cất giấu và tẩu tán. Bao nhiêu chuyện cười ra nước mắt về sự hám của từ hai vợ chồng ông bà Đại Cát đến bà mẹ Đại Lợi và em gái Đại Hưng của ông bà đều được phơi bày...
Chúng tôi làm kịch với tâm thế là cho các bạn trẻ hiểu rằng đất nước chúng ta đã trải qua một thời kỳ ấu trĩ. Một sự ấu trĩ không bao giờ nên lặp lại – Trần Lực cho biết.
Vở kịch được diễn ở Nhà hát Tuổi trẻ 2 buổi tối 18 và 25/2/2017. Khán giả yêu thích sân khấu kịch không nên bỏ lỡ cơ hội này, đặc biệt là khán giả trẻ. Bởi vở kịch cũ được làm mới với thông điệp rất rõ ràng, mang tính định hướng cho thế hệ trẻ thông qua ngôn ngữ nghệ thuật mới.