Đạo diễn nước ngoài: Làn gió mát cho sân khấu nước nhà

20-09-2019 06:50 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Không ít tác phẩm sân khấu gần đây ở nước ta có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ quốc tế trong vai trò đạo diễn, phối hợp với các nhà hát, nghệ sĩ trong nước phục vụ khán giả.

Sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế trong nghệ thuật sân khấu đã mở ra cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm cho giới làm nghề và đem đến cho khán giả nhiều vở diễn ấn tượng, tươi mới.

Cách đây không lâu, vở kịch Tấm Cám trên kịch bản chuyển thể của nhà văn Nguyễn Hiếu từ chuyện cổ tích cùng tên do đạo diễn người Singapore Chua Soo Pong chỉ đạo thực hiện, các nghệ sĩ sân khấu Lệ Ngọc biểu diễn cũng tạo nên cơn sốt vé. Tấm Cám phiên bản 2019 không còn Bụt mà thay vào đó là hình tượng người mẹ. Trong cuộc sống hiện đại, không có ông Bụt, có cô Tiên mà chính cha mẹ mới là những người sẽ ở bên và giúp đỡ các em khi gặp khó khăn. Đây được xem như một điểm nhấn độc đáo và phù hợp hơn với tâm lý của các bé ở thời hiện đại và truyền tải thông điệp rõ nét về tình mẫu tử. Vở kịch cũng làm ước lệ những chi tiết rùng rợn như dì ghẻ chặt cây để Tấm ngã chết hoặc lược bỏ hẳn chi tiết quá man rợ là Tấm trả thù bằng cách muối Cám trong vại, gửi cho dì ghẻ ăn. Thay vào đó, vở kịch có một cái kết thực sự nhân văn khi Tấm và Hoàng tử quyết định cho mẹ con nhà Cám một cơ hội để hoàn lương bằng cách làm nhiều việc tốt. “Đạo diễn Chua Soo Pong đã làm mới Tấm Cám. Vở diễn này bỏ tất cả chi tiết tàn bạo, đề cao và ca ngợi tình mẫu tử” – NSND Lệ Ngọc đánh giá.

Trước đó, đạo diễn Chua Soo Pong cũng đã thực hiện vở tuồng Dưới bóng đa huyền thoại, các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam phối hợp biểu diễn. Dưới bóng đa huyền thoại cũng chính là vở tuồng Việt đầu tiên do một đạo diễn nước ngoài dàn dựng. Tuy nhiên, khán giả vẫn cảm nhận được nét đặc trưng và ý nghĩa của nghệ thuật tuồng nước nhà. Đạo diễn Chua Soo Pong đã dẫn dắt khán giả đến với cây đa nghìn năm tuổi có linh dược chữa bách bệnh. Tuy nhiên, sau một biến cố, thần đa bị tên tà độc hoán đổi những nhân vật sống trong cây đa phục vụ mục đích hút máu người để tăng quyền lực trở thành bá chủ thiên hạ. Trước sự tàn ác của tên tà độc, một cô gái giàu lòng nhân ái cùng chàng trai do con chim khổng tước biến thành đã can đảm chống lại. Sau cuộc tranh đấu, chàng trai và cô gái đều chết. Nhân dân đã xây dựng ngôi đền tưởng nhớ công lao của hai người và thần đa. Xem vở tuồng này, khán giả nhận ra thông điệp: cái thiện luôn chiến thắng cái ác, lòng thương và bao dung của con người ở thời điểm nào cũng có.

Đạo diễn nước ngoàiNhạc kịch Kim Vân Kiều của đạo diễn Christophe Thiry đến với khán giả Việt vào những ngày cuối tháng 9/2019.

Ngoài ra, khán giả TP.HCM từng được thưởng thức vở Nỗi đau nhân loại (tác giả Lê Duy Hạnh) do đạo diễn Shaun Mac Loughlin (Vương quốc Anh) thực hiện. Vở kịch này tạo sức hút vì được xây dựng dựa trên nguồn cảm hứng từ hai tác phẩm vĩ đại của văn hóa thế giới, đó là Truyện Kiều của Nguyễn Du và Othello của Shakespeare. Thông qua bi kịch của 6 nhân vật: Othello, Desdemona, Iago, Hồ Tôn Hiến, Thúy Kiều, Từ Hải; người xem nhận ra dù ở thời đại của Shakespeare hay Nguyễn Du, những con người chân thành, trong sáng vẫn phải cảnh giác với loại người có dã tâm xấu xa như Iago và Hồ Tôn Hiến. Chính bọn người này đã gây ra những cuộc chiến tranh, làm cho nhân loại phải gánh chịu nỗi đau.

Sắp tới, khán giả Việt Nam sẽ được thưởng thức vở nhạc kịch Kim Vân Kiều, phỏng theo kiệt tác văn học của đại thi hào Nguyễn Du. Điều đặc biệt, Kim Vân Kiều được chuyển thể và soạn kịch bản bằng tiếng Pháp từ những nghiên cứu, phân tích nhiều bản dịch của hai nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Khắc Viện. Vở nhạc kịch này không phải do các nghệ sĩ người Việt thực hiện mà được dàn dựng, trình diễn bởi các nghệ sĩ tài năng của Pháp. Vì thế, nhạc kịch Kim Vân Kiều càng hứa hẹn và có sức hấp dẫn với khán giả Việt.

Dưới bàn tay của đạo diễn tài năng Christophe Thiry, đoàn nghệ sĩ - diễn viên - ca sĩ opéra chuyên nghiệp của Nhà hát L’Attrape Théâtre (Paris, Pháp), Truyện Kiều của Nguyễn Du được tái hiện với một ngôn ngữ nghệ thuật độc đáo với góc nhìn mới, hiện đại nhưng vẫn rất trung thành với số phận nàng Kiều. Xem nhạc kịch Kim Vân Kiều, khán giả được gặp gỡ với Thúy Kiều đa quốc tịch từ cổ điển đến hiện đại. Phần âm nhạc cũng là một thể nghiệm có một không hai khi các nghệ sĩ đa tài vừa hát opera, pop, vừa diễn kịch lại vừa diễn tấu các nhạc cụ phương Tây như violon, piano, ghita. Đối lập nhưng hòa quyện với màu sắc Tây phương là những sắc màu rất Việt Nam từ những nhạc khí dân tộc như trống, sáo, đàn nguyệt, đàn bầu qua phần trình diễn của hai nhạc sĩ Mai Thanh Sơn và Mai Thành Nam. Vở nhạc kịch này được trình diễn bằng tiếng Pháp với phụ đề tiếng Việt, sẽ đến với khán giả TP.Hồ Chí Minh vào 21/9 và Hà Nội ngày 25/9.

NSND Lê Duy Hạnh cho rằng, đạo diễn nước ngoài đến Việt Nam dựng kịch là cách giúp sân khấu Việt tiếp cận sân khấu hiện đại của thế giới, giúp nghệ sĩ trong nước mở rộng tầm nhìn, đồng thời cũng đòi hỏi sự năng động, nhất là trong cách học và giao tiếp bằng ngoại ngữ. Có thể nói, đây là tín hiệu vui cho sân khấu Việt, mở rộng giao lưu với bạn bè quốc tế, đem lại sự tươi mới cho sàn diễn của mình.


Hoàng Trang
Ý kiến của bạn