Đạo diễn Đặng Nhật Minh: “Hà Nội mùa đông 46” là hình ảnh cha mẹ tôi

10-10-2014 09:51 | Văn hóa – Giải trí
google news

“Câu chuyện trong phim “Mùa ổi” chính là câu chuyện lấy từ thực tế trong gia đình bên vợ tôi. Những con người trong “Hà Nội mùa đông 46” chính là hình ảnh của cha mẹ tôi, những người thân trong gia đình”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ông là một đạo diễn thành danh với nhiều đề tài điện ảnh chiến tranh cách mạng, đặc biệt, ông thành công với nhiều những bộ phim về Hà Nội như Hà Nội mùa đông 46 (1997), Mùa ổi (2001), Đừng đốt (2009)… Nhân dịp kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô, phóng viên đã có cuộc trò chuyện cùng ông, đạo diễn Đặng Nhật Minh.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, dù ông là người “đi ngang” vào điện ảnh, song những thành tựu của đạo diễn Đặng Nhật Minh đối với nền điện ảnh nước nhà thì rất đáng nể trọng. Một trong những đề tài thành công của ông là về mảnh đất Hà Nội. Lâu nay, ông có đang thai nghén tác phẩm nào về Hà Nội?

Tôi gắn bó với Hà Nội gần 60 năm. Chủ đề về Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời làm phim tôi. Tôi đã làm 3 phim về Hà Nội đó là Hà Nội mùa đông 46 nói về những ngày bi tráng với 60 ngày đêm chiến đấu của quân dân Hà Nội, rồi Toàn quốc Kháng chiến, những người Hà Nội ra đi hẹn ngày trở về.

Bộ phim thứ hai là phim Mùa ổi nói về một gia đình tiểu tư sản trí thức Hà Nội cũ trải qua những biến động của công cuộc cải tạo nhà đất những năm 60 thế kỷ trước nhưng vẫn giữ phẩm giá và nhân cách như những tính cách điển hình của người Hà Nội.

Bộ phim thứ ba là phim Đừng đốt về nữ liệt sỹ bác sỹ Đặng Thùy Trâm, một người con của Hà Nội tiếp thu những tinh hoa của người Hà Nội, mang theo vào chiến trường, với một tâm hồn trong sáng , nhạy cảm, yêu cái đẹp… những đức tính mà một thời bị quy cho là tiểu tư sản.

Ngoài ba bộ phim trên còn rất nhiều phim của các đồng nghiệp tôi đã làm về Hà Nội, không thể kể hết , đặc biệt có bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy mà không người Hà Nội nào không biết.

Hiện tại, tôi đang viết một kịch bản về Hà Nội ngày hôm nay có tên làHoa Nhài ,như trong câu ca dao xưa từng nói: “Chẳng thơm cũng thể Hoa Nhài / Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Hà Nội hôm nay đã mở rộng gấp bốn lần Hà Nội xưa. Người khắp bốn phương đổ về Hà Nội làm ăn sinh sống, mối quan hệ của Hà Nội với nông thôn ngày càng mở rộng…

Trong bối cảnh đó, Hà Nội chính là nơi cưu mang, nâng đỡ cho những con người từ nông thôn ra Hà Nội để kiếm sống, đổng thời nông thôn lại là chỗ dựa cho những người Hà Nội khi cần một nơi yên tĩnh để lui về. Cái hương thơm của hoa Nhài vẫn còn tỏa cho đến ngày nay, đó là chất nhân văn của con người Hà Nội mà tôi muốn đề cập đến trong kịch bản này.

Ảnh GS Đặng Văn Ngữ và vợ ngày mới cưới

Ảnh GS Đặng Văn Ngữ và vợ ngày mới cưới

Đạo diễn Đặng Nhật Minh

GS Đặng Văn Ngữ cùng vợ và 3 con chụp năm 1943 tại số nhà 81 phố Charron (nay là phố Mai Hắc Đế), Hà Nội. Cậu bé đứng giữa, đội mũ nồi là đạo diễn Đặng Nhật Minh ngày nhỏ

Ông đã ở tuổi thất thập cổ lai hy, song hẳn là có những ký ức về Hà Nội mà ông tâm đắc? Có những chi tiết nào trong chính cuộc đời ông đã lấy để làm tư liệu cho các tác phẩm điện ảnh của mình?

Tuổi thơ của tôi trôi qua ở Huế, tuổi thiếu niên ở Chiêm Hóa, Tuyên Quang trên chiến khu Việt Bắc, rồi tiếp theo là Quế Lâm, Nam Ninh, Trung Quốc và Mạc-tư-khoa. Tôi chỉ có mặt ở Hà Nội 2 năm sau ngày giải phóng thủ đô lúc đã là một thanh niên đã trưởng thành. Đó là cái tuổi có khả năng để nhận biết những vẻ đẹp của Hà Nội, bên ngoài lẫn bên trong.

Bản thân gia đình tôi là một gia đình trí thức Hà Nội gốc Huế. Gia đình bên vợ tôi cũng là một gia đình trí thức Hà Nội cũ. Bởi vậy tính cách con người Hà Nội đối với tôi không có gì xa lạ, nó rất gần gũi đối với tôi như máu thịt.

Câu chuyện trong phim Mùa ổi chính là câu chuyện lấy từ thực tế trong gia đình bên vợ tôi. Nhân vật chính, ông Hòa là ông anh vợ tôi ngoài đời. Những con người trong phim Hà Nội Mùa đông 46 chính là hình ảnh của cha mẹ tôi, những người thân của tôi trong gia đình. Riêng nhân vật chủ tịch Hồ Chí Minh là tôi phải tìm hiểu qua những trang sử, hồi ký, những bức thư của chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1946 gửi cho nhà cầm quyền Pháp để ngăn chặn đổ máu cho cả hai dân tộc.

Chính là Hà Nội và những con người Hà Nội đã tạo nên nguồn cảm hứng cho tôi khi làm phim này và các phim khác nữa kể cả phim gần nhất là phim Đừng đốt về nữ bác sỹ liệt sỹ người Hà Nội Đặng Thùy Trâm.

Một cảnh trong phim Hà Nội mùa đông 46

Một cảnh trong phim "Hà Nội mùa đông 46"

Hình ảnh nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội trong phim Đừng đốt

Hình ảnh nữ bác sỹ Đặng Thùy Trâm, người con gái Hà Nội trong phim "Đừng đốt"

Nếu có thể có một cách nhìn nhận toàn diện về cái được và chưa được về đề tài về Hà Nội trong 60 năm qua, thì ông có một cách nhìn tổng quan như thế nào về đề tài Hà Nội?

Trong 60 năm qua chúng ta có một khối lượng đồ sộ những vở diễn sân khấu, những phim về đề tài Hà Nội. Trong hầu hết các vở diễn và phim đó đều có bóng dáng của người Hà Nội. Có thể nói, Hà Nội là cảm hứng chủ đạo cho những người làm sân khấu và điện ảnh nước nhà. Người Hà Nội được miêu tả tương đối đầy đủ trong những thời khắc lịch sử như Cách mạng tháng 8, Toàn quốc kháng chiến, 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Tuy vậy con người Hà Nội trong đời thường với những vấn đề bức xúc mà xã hội quan tâm, thời bao cấp cũng như thời kinh tế thị trường còn ít được phản ánh trên phim ảnh và trên sân khấu. Những vở diễn nhưCô gái đội mũ nồi xám, Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ hay những phim như Tướng về hưu của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi vắng bóng trên sân khấu và màn ảnh hôm nay. Về phương diện này tôi thấy điện ảnh và sân khấu của chúng ta thụt lùi so với cách đây 20 - 30 năm.

Có lần ông từng nói rằng, ông đã làm xong nghĩa vụ với điện ảnh, nhưng hình như không phải thế, hình như tình yêu ông dành cho điện ảnh và sự sáng tạo dường như bao giờ phai trong ông. Nếu bây giờ có một sự tổng kết nào đó về cuộc đời, sự nghiệp mình. Ông sẽ nói gì?

Đúng vậy! Tình yêu và sự say mê với điện ảnh trong tôi không bao giờ vơi, thậm chí ngày càng đầy thêm cùng với tuổi tác. Nếu tổng kết về các phim tôi đã làm tôi có thể nói: Đó là những phim làm từ những cảm xúc chân thành của tôi đối với con người, với đất nước, với Hà Nội. Đó là một thứ điện ảnh của cảm xúc…

Xin cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh!

 

 


Ý kiến của bạn